Hướng tới nền giáo dục tiên tiến nhìn từ Luật Giáo dục

Nguyễn Ngọc Minh - Phan Thế Hoài
15:44 - 07/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Để có nền giáo dục tiên tiến, thực chất, cần chỉnh một số điều của Luật Giáo dục phù hợp và điều chỉnh một số bất cập của hệ thống giáo dục.

Điều 2 Luật Giáo dục nêu rõ: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế."

Soi chiếu vào nhu cầu đổi mới giáo dục toàn diện ngày nay, mục tiêu giáo dục này cần phải bổ sung thêm tiêu chí của UNESCO là: "Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình, học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn". 

Bởi đây mới là triết lý giáo dục cô đọng, phù hợp với mục tiêu giáo dục quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đây cũng là 5 trụ cột của của nền giáo dục, đào tạo những công dân toàn cầu.

Điều 6 (Hệ thống giáo dục quốc dân) của Luật Giáo dục gồm các nội dung như sau:

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Như vậy, đối với tình hình hiện nay, Điều 6 của Luật Giáo dục cần thêm hai nội dung, đó là giáo dục gia đình và giáo dục cộng đồng.

Giáo dục gia đình: Người Việt có truyền thống giáo dục gia đình khi đứa con còn trong bào thai (thai giáo), cho đến khi chết. Khoa học đã chứng minh mọi hành động, tư tưởng và tình cảm của thai phụ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tình cảm và hình thành trí tuệ của thai nhi.

Về tư tưởng "học tập suốt đời" của UNESCO, từ xa xưa người Việt đã có truyền thống cha mẹ, ông bà dạy con cháu, vợ chồng, anh em dạy nhau... Không đưa giáo dục gia đình vào hệ thống giáo dục như hiện nay, là nguyên nhân con cháu không nghe lời cha mẹ, ông bà.

Giáo dục cộng đồng: Giáo dục cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng sống của người Việt. Ngoài giờ học ở nhà trường, đứa trẻ học được rất nhiều trong cộng đồng, đặc biệt là nhân cách, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp.

Một đứa trẻ có thể học được ở một kẻ ăn mày cách làm thế nào khi đói không phải trộm cắp. Một sinh viên đại học có thể học được một lão nông hay một công nhân lành nghề về kỹ năng nghề nghiệp.

Ngược lại, khi một xã hội đã có ý thức giáo dục cộng đồng thì tất cả mọi người, các cơ quan, đoàn thể đều có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Việc giáo dục không thể khoán trắng cho nhà trường và nhà giáo như cách nghĩ xưa cũ nữa. Mọi gia đình phải nhận thức được tài sản lớn nhất của gia đình, dòng tộc là con cháu chứ không phải giá trị vật chất xe hơi, nhà lầu. Vai trò giáo dục gia đình quyết định nhân cách và đạo đức của một con người. 

Một cộng đồng, họ tộc đáng tự hào nhất là có những người con có đạo đức, những công dân có trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương, chứ không phải có bao nhiêu người làm quan; bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ; bao nhiêu tỉ phú...

Hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập

Hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập, cần thay đổi sao cho phù hợp với thực tiễn của đất nước và thế giới.

Thứ nhất, đối với việc khuyến tài, đào tạo nhân tài trẻ thì từ cổ chí kim không thiếu những thần đồng, trước hết là do bẩm sinh, sau đó là được nuôi dưỡng bởi những ông thầy xuất chúng. Do đó phải có hệ thống giáo dục mở, có môi trường giáo dục đặc biệt.

Nước ta trước đây từng có các lớp Toán đặc biệt của các tỉnh và của các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đại học Sư phạm Vinh đã từng đào tạo được nhiều khóa học sinh cấp ba rất xuất sắc, sau này đã trở thành các giáo viên trung học phổ thông và các giảng viên đại học.

Chính nhờ những thầy cô giáo này mà chúng ta có những học sinh giỏi nổi tiếng. Nhưng điều đáng tiếc là do chủ trương lúc bấy giờ là "không có thầy giáo giỏi thì không có học trò giỏi", nên hầu hết số học sinh giỏi này được đưa vào học các trường đại học sư phạm.

Và khi ra trường, họ không được học tiếp thành những nhà khoa học, chỉ suốt ngày chú tâm vào việc luyện học sinh giỏi cho các tỉnh để kiếm giải quốc gia, quốc tế. Cho nên, khi các lớp học trò đã là tiến sĩ thì thầy cô chỉ có học vị cử nhân.

Hệ thống trường chuyên các tỉnh hiện nay chỉ là các trường chất lượng cao dành cho nhiều đối tượng học sinh chứ không phải là trường năng khiếu. Vậy nên, để phát hiện nhân tài và bồi dưỡng từ lứa tuổi 12 đến 18 cần phải có các lớp chuyên biệt trực thuộc các trường đại học chuyên ngành và các viện khoa học chuyên ngành đào tạo.

Trong thời gian học trung học phổ thông tại các trường chuyên biệt, số học sinh này có thể theo học các chứng chỉ đại học. Thậm chí ở các nước tiên tiến, các học sinh này có thể hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều trạng nguyên tuổi 13 đến 16 như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Trịnh Huệ... minh chứng cho điều đó.

Ở các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Israel, Nhật... hiện nay học sinh lớp 11,12 ở trung học phổ thông có thể đăng ký học lớp AP (Advanced Placement) để học các môn cơ bản của chương trình đại học năm nhất, năm hai. Tín chỉ đạt được sẽ được tính trong chương trình đại học sau khi vào học đại học.

Thứ hai, học vượt lớp, vượt cấp, học ở nhà (homeschool) và học trực tuyến (online) đều là học. Hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều chấp nhận học và thi các hình thức này, cho dự thi và cấp bằng nếu đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của quốc gia. Có như vậy mới tạo điều kiện cho toàn xã hội tham gia giáo dục, tận dụng được giáo dục gia đình, công nghệ giáo dục và học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi người.

Thứ ba, đào tạo bậc tiến sĩ, điều trớ trêu nhất trong hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay là chương trình học tiến sĩ tại hầu hết các trường đại học. Sau khi học xong lấy bằng tiến sĩ. Vì vậy thật oan cho các tiến sĩ khoa học là những nhà nghiên cứu có công trình khoa học được giới học thuật trong và ngoài nước công nhận.

Ở các nước tiên tiến, nghiên cứu sinh tiến sĩ phải được các giáo sư chuyên ngành hướng dẫn cật lực từ 2 đến 4 năm trong các đại học uy tín và các viện nghiên cứu. Nghiên cứu sinh ngoài việc học còn phải tham gia giảng dạy các sinh viên đại học hay lăn lộn với thực tiễn để hoàn thiện công trình nghiên cứu.

Để được cấp bằng tiến sĩ khoa học họ phải công khai đề tài "không đụng hàng" và chấp nhận sự phản biện của bất cứ nhà khoa học nào trên thế giới. Còn ở Việt Nam, vẫn còn hiện tượng nhiều đề tài là thầy viết hoặc sao chép. Khi phản biện thì thuê người, có trường hợp do không công khai trước nên khi cấp bằng rồi thì mới phát hiện là đạo văn. Nhưng lèo lái một vài câu chữ nên chẳng giống ai (chép dưới 20% là hợp lệ). 

Rồi có trường hợp thuê một tạp chí dỏm nào đó đăng một bài viết là có tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ. 

Có thể thấy, để có nền giáo dục tiên tiến, thực chất, cần sửa đổi Luật Giáo dục và điều chỉnh một số bất cập của hệ thống giáo dục. Chí ít thì cũng tham khảo nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến, có tính toàn cầu như triết lý giáo dục 5 trụ cột của UNESCO để Việt Nam có thể đào tạo được những công dân toàn cầu.