Thêm một người phụ nữ sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an mất hơn 1 tỷ đồng
Đối tượng nói chị K có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên chị K đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng.
Mất hơn 1 tỷ đồng mới biết bị "lừa"
Theo Cổng TTĐT Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 1 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 20/12/2022, Công an phường Khương Thượng tiếp nhận đơn trình báo của chị K (sinh năm 1985 có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về việc chị K có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an.
Đối tượng nói chị K có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan.
Do lo sợ nên chị K đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị K phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Nhiều trường hợp đã "sập bẫy"
Trước đó, ngày 12/8/2022, Công an quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cũng đã tiếp nhận đơn trình báo của chị P., sinh năm 1980, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.
Đối tượng thông báo chị P. có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo "Bộ Công an" để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản chị P. phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Ngày 3/8/2022, Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H., sinh năm 1981, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng thông báo chị H. có liên quan đến một vụ án và yêu cầu chị tải phần mềm, đăng nhập tài khoản để chứng minh mình không liên quan. Sau đó chị H. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,4 tỷ đồng. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Tuyệt đối không cung cấp tài khoản cho bất kỳ ai
Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, tuyệt đối không tiết lộ thông tin đăng nhập dịch vụ SmartBanking (như mật khẩu, mã OTP...) cho người khác trong mọi trường hợp. Không truy cập vào các đường dẫn (link) giả mạo ngân hàng, Bộ Công an. Xác minh kỹ các thông tin trao đổi trên mạng xã hội, đặc biệt với các giao dịch liên quan đến tài chính.
Đặc biệt, người dân không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai.
Đồng thời, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, SmartBanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google