Tại sao Nguyễn Thị Hà Thành "lừa" được 3 ngân hàng nổi tiếng để chiếm đoạt 430 tỉ đồng?

Trương Tuyết Trinh
10:13 - 26/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những cái tên "lừng lẫy" đều dính bẫy: Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và đều có cán bộ bị cáo buộc có sai phạm liên quan đến những phi vụ lừa đảo của Nguyễn Thị Hà Thành.

Sáng 26/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử "kỳ án" lừa 26 vụ, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng từ ba ngân hàng. "Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, trú tại Hà Nội) và 25 đồng phạm, trong đó có 17 cán bộ ngân hàng, bị đưa ra xét xử.

Các bị cáo được xét xử với ba nhóm tội danh gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Khách hàng VIP càng dễ vào bẫy lừa?

Một trong những "trùng hợp" ngẫu nhiên của các hồ sơ liên quan tới vụ "siêu lừa" này đều liên quan tới tài khoản tiết kiệm của loại hình "khách hàng VIP". Vậy thực tế là tài khoản tiết kiệm của khách hàng VIP có phải rất dễ dàng bị đưa vào tầm ngắm của các hành vi lừa đảo? Câu hỏi đặt ra rằng, liệu làm khách VIP tại các ngân hàng có thực sự an toàn? 

Lớp bảo mật của hầu hết các ngân hàng được trang bị gần như đồng nhất và giống nhau, về mặt công nghệ, khách hàng VIP cũng như thường: được sở hữu những lớp bảo mật được quảng cáo giống nhau. Trong đó, các ngân hàng chủ yếu chỉ có đưa "yếu tố" con người vào các dịch vụ VIP, nhiều khách hàng không muốn mất thời gian giao dịch, thì các yếu tố "con người" này sẽ thay thế hỗ trợ. Vậy, nếu phần "con" nổi hơn phần "người" thì hậu quả sẽ ra sao?

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã lợi dụng yếu tố nào  khiến đến 3 ngân hàng sập bẫy? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại một phiên tòa đã xử. Ảnh: IT

Theo thông tin từ các báo cáo, Nguyễn Thị Hà Thành từng có thời gian dài giao dịch tại các ngân hàng, dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn và hầu hết các khách hàng giao dịch này đều nằm trong danh sách "khách hàng VIP". Ngay bản thân Hà Thành cũng được các ngân hàng coi là khách hàng VIP, có thể có những "phục vụ" ưu tiên đặc biệt. Đây là điều kiện dễ dàng làm nền tảng giúp vị cựu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Việt Á này "hành sự".

Chính khi được giao xử lý các hồ sơ VIP và đóng vai khách hàng VIP, Hà Thành đã lợi dụng kẽ hở này, để làm nên các tình tiết "siêu lừa", khiến qua mặt hàng loạt lớp "con người" là cán bộ nhân viên chuyên nghiệp của các ngân hàng lớn như NCB, VAB và PVcomBank. Kết quả là số tiền lên tới 430 tỉ đồng đã được giao dịch trót lọt thông qua các lần "lừa". 

Trách nhiệm của các Ngân hàng ở đâu?

Hiện nay, các cơ quan đang tiến hành  xét xử vụ án. Trong đó, nhiều cựu nhân viên của NCB, PVcomBank và VietABank đều bị truy tố với cáo buộc có sai phạm liên quan đến những phi vụ lừa đảo của Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt số tiền 430 tỉ.

Tuy nhiên, xét ở góc rộng hơn, những sai phạm mà các cá nhân thực hiện cần phải được xem xét đến vai trò của các hệ thống ngân hàng với nỗ lực đẩy mạnh những dịch vụ có tính chất "đánh bóng tên tuổi" mang tên "dịch vụ VIP". Những dịch vụ này liệu có quá nhiều rủi ro để các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi trong quá trình phục vụ khách hàng hay không. 

Dễ dàng giả chữ ký khách hàng, thực hiện làm giả hồ sơ một cách nhẹ nhàng, cầm cố sổ tiết kiệm với giá trị lớn, nhờ người giả chữ ký trên các hồ sơ khống, lợi dụng sơ hở trong quy trình làm việc các nhân viên phòng giao dịch... Số vụ lừa đảo đã lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí số lượng lần thực hiện trót lọt trong vụ án này với số tiền lớn nhất đã xảy ra tại Ngân hàng VietABank với 21 vụ?!

Thực tế, ngoài yếu tố mang tính "kỹ thuật" như công nghệ, bảo mật, thì bài học đạo đức là một trong những bài học quan trọng đối với những cán bộ làm ngân hàng. Trong một điều kiện quá thuận lợi, thì lòng tham sẵn sàng nổi lên như một thói quen tự nhiên. Điều này rất khó kiểm soát, tuy nhiên lại rất cần những quy định chặt, những chính sách điều hành thông minh của các ngân hàng trong việc kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp. 

Nếu chúng ta không có biện pháp và quy trình kiểm soát chặt chẽ, thì không chỉ một, mà sẽ còn nhiều trường hợp "Nguyễn Thị Hà Thành" tiếp theo sẽ xuất hiện trong các hệ thống ngân hàng.