Tội phạm mua bán người ở Quảng Ninh, đủ chiêu trò lừa gạt

Tuệ Nhi
06:00 - 08/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Công an Quảng Ninh nhận định, mặc dù hoạt động của tội phạm mua bán người thời gian qua tạm lắng nhưng đây là loại tội phạm "ẩn", diễn biến phức tạp.

Tội phạm mua bán người ở Quảng Ninh, đủ chiêu trò lừa gạt - Ảnh 1.

Trao trả em bé bị lừa bán qua biên giới. Ảnh: TTX.

Đủ chiêu trò lừa bán người

Là tỉnh có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển, Quảng Ninh thường được các đối tượng lợi dụng làm địa bàn trung chuyển để thực hiện hành vi đưa, hoặc lừa bán người sang Trung Quốc.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh, đây là loại tội phạm "ẩn", diễn biến phức tạp, khó lường. Qua công tác nắm tình hình cho thấy, các đối tượng phạm tội thường sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Cụ thể, các đối tượng phạm tội thường móc nối để tuyển mộ, lừa gạt, đưa phụ nữ, trẻ em (chủ yếu là trẻ sơ sinh) sang Trung Quốc, bằng hình thức đi du lịch, tham quan, ký kết làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động hoặc đi bằng đường "tiểu ngạch". Phụ nữ Việt Nam sau khi sang Trung Quốc có thể bị ép lấy chồng, mang thai hộ, hoặc bán vào các ổ mại dâm.

Đặc biệt, thủ đoạn lừa gạt lúc này xảy ra ở bên Trung Quốc, nạn nhân không có điều kiện để trình báo, cũng như không tiếp cận với các nguồn thông tin do rào cản về ngôn ngữ, địa bàn, phong tục tập quán.

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đã từng phát hiện, khởi tố điều tra 2 vụ/4 đối tượng phạm tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", qua đó giải cứu 2 nạn nhân đều là trẻ sơ sinh (1 bé được đưa đến từ TP Hồ Chí Minh, 1 bé được đưa đến từ Hà Nội).

Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng không sử dụng phương thức gặp gỡ truyền thống mà lợi dụng điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat, Telegram... để trao đổi, liên lạc với nạn nhân và đồng phạm. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức đối với lực lượng công an trong việc tiếp nhận, xác minh, điều tra vụ án, cũng như giải cứu người bị hại.

Mạnh tay trấn áp

Trước thực trạng trên, Công an toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Đối với những khó khăn, thách thức luôn tiềm ẩn, trong thời gian tới, nhất là tháng trước và sau Tết Nguyên đán 2023, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ động, tích cực phối hợp và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới; đồng thời làm tốt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; kiên quyết không để bọn tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố các vụ án mua bán người xảy ra ở các địa bàn trọng điểm, đưa ra xét xử công khai để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe, trấn áp tội phạm.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã giải cứu tổng cộng 33 nạn nhân trong các vụ án mua bán người, trong đó có 30 nạn nhân là nữ; 8 nạn nhân là trẻ em hoặc trẻ sơ sinh; 3 người quốc tịch Campuchia, số còn lại là người Việt Nam (chỉ có 5 người trú tại Quảng Ninh). Những nạn nhân nói trên đa phần là lao động tự do hoặc không nghề nghiệp.

Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã từng bắt giữ 3 đối tượng có quyết định truy nã về tội mua bán người, trong đó có 2 đối tượng do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh truy nã từ năm 2010 đến 2016.