Thành phố thông minh Seoul - nơi công dân cũng là thị trưởng

Minh Ngọc
10:52 - 14/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Công dân thông minh là tiền đề và trung tâm của quy hoạch tổng thể thành phố thông minh Seoul. Các nền tảng kỹ thuật số cho phép công dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, kiến tạo thành phố tương lai.

Thành phố Seoul là thủ đô kiêm siêu đô thị lớn nhất của Đại Hàn Dân Quốc. Seoul là khu vực chính của vùng thủ đô Seoul (bao gồm các thành phố vệ tinh tiếp giáp xung quanh như Incheon và tỉnh Gyeonggi), là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của toàn bộ xứ sở kim chi. Dân cư của vùng này chiếm đến một nửa dân số của Hàn Quốc. Hiện nay, Seoul là một trong những thành phố có mật độ dân số lớn nhất thế giới.

Seoul đã có bước phát triển và chuyển mình đáng kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953. Vươn lên từ đống đổ nát, thành phố đã phát triển thành một đại đô thị công nghệ cao toàn cầu chỉ trong vòng nửa thế kỷ.

Năm 2011, khi nhậm chức Thị trưởng Seoul, ông Park Won Soon đã tuyên bố sẽ xây dựng một thành phố nơi "công dân cũng là thị trưởng".

Thành phố thông minh Seoul - nơi công dân cũng là thị trưởng - Ảnh 1.

Thành phố thông minh Seoul. Ảnh: DNW

Seoul sử dụng công nghệ thông tin trong toàn thành phố để chuyển đổi cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người yếu thế, thông qua chính sách phát triển cân bằng trong các lĩnh vực giao thông, an toàn, môi trường, phúc lợi, kinh tế và quản lý.

Từ năm 2011, Seoul bắt đầu sử dụng dữ liệu thông minh phân tích các mô hình đô thị để hình thành nền tảng hạ tầng và dịch vụ cho thành phố thông minh.

Ngày 13/3/2019, chính quyền thành phố Seoul đã công bố "Kế hoạch xúc tiến xây dựng thành phố thông minh Seoul". Theo đó thành phố sẽ đầu tư 1.400 tỉ won (1,24 tỉ USD) trong 4 năm để biến Seoul trở thành "thủ đô của dữ liệu lớn", với mục tiêu đến hết năm 2022 lắp đặt 50.000 thiết bị cảm biến mạng Internet vạn vật (IoT) trên toàn thành phố.

Trong khuôn khổ kế hoạch xúc tiến xây dựng thành phố thông minh, Seoul tiến hành phân tích dân số lưu động mỗi khi thiết lập các cơ sở hạ tầng đô thị như cơ sở phúc lợi người cao tuổi, mở rộng hạ tầng tại những nơi có nhiều nhu cầu, đánh giá tác động môi trường mỗi khi lập kế hoạch phát triển đô thị hay xây dựng công trình mới.

Công dân thông minh và quản trị điện tử

Seoul đặc biệt chú trọng đến quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công cộng nhằm tăng quyền tham gia của người dân vào các dịch vụ và dữ liệu của chính phủ.

Thành phố đã thành lập trung tâm tiếp nhận các cuộc gọi Dasan - hệ thống xử lý khiếu nại qua điện thoại của chính quyền, điều hướng mọi thắc mắc và khiếu nại của công dân, được thiết kế để xử lý các khiếu nại hằng ngày của người dân nhanh chóng và thuận tiện hơn trên dựa trên kiểu tư vấn 1-1.

Hiện nay, thành phố có hơn 1.200 bộ dữ liệu mở cho công chúng và rất sáng tạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để khuyến khích người dân đóng góp vào sự phát triển chung của toàn thành phố.

Hệ thống Văn phòng Thị trưởng Kỹ thuật số nhập thông tin từ 290 nguồn để cung cấp cho Thị trưởng bảng điều khiển dữ liệu thời gian thực và hình ảnh trực quan về hiện trạng thành phố, dư luận, tiến độ dự án quan trọng, các công cụ hỗ trợ ra quyết định và kiểm soát hoạt động. Một phiên bản của hệ thống trên nền web cũng được cung cấp cho người dân để đảm bảo minh bạch và hiểu rõ hơn về cách thành phố của họ đang hoạt động và phát triển.

Bên cạnh đó, dữ liệu đóng vai trò trung tâm trong sáng kiến an toàn hướng đến đối tượng người già neo đơn. "Thanh tra AI" sẽ hỗ trợ báo cáo các sự cố hay tội phạm tiềm ẩn dựa trên nền tảng dữ liệu lớn. Tai nạn giao thông liên quan đến người cao tuổi cũng được phân tích để xác định các điểm nóng, nơi cần có các khu bảo vệ người cao tuổi đặc biệt. Khuôn viên dữ liệu lớn cung cấp môi trường ảo và vật lý an toàn cho các bên liên quan để chia sẻ dữ liệu và giải quyết các thách thức đô thị cấp bách thông qua hợp tác.

Thành phố thông minh Seoul - nơi công dân cũng là thị trưởng - Ảnh 2.

Công dân thông minh là trung tâm của quy hoạch tổng thể thành phố thông minh Seoul. Ảnh: AZ

Seoul đã và đang lắp đặt các cảm biến thu thập dữ liệu môi trường để phát hiện chuyển động, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng trong nhà của những người cao tuổi. Dữ liệu được theo dõi trong thời gian thực trên bảng điều khiển và qua điện thoại di động của nhân viên phụ trách. Khi không phát hiện có chuyển động trong một khoảng thời gian nhất định hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường, nhân viên phụ trách ngay lập tức có biện pháp hỗ trợ.

Các thiết bị phát hiện chuyển động IoT được thiết kế để phát hiện sớm các trường hợp khẩn cấp và cứu sống những người cao tuổi có thể ngất xỉu trong nhà do rối loạn sức khỏe hoặc người già mắc chứng sa sút trí tuệ có thể đi lang thang. 

Dữ liệu về nhiệt độ và độ ẩm được phát hiện bởi các thiết bị IoT tạo điều kiện để cải thiện môi trường nhà ở cho người già sống một mình, chẳng hạn như lắp đặt lưới chống côn trùng ở các cửa ra vào, sử dụng nguồn lực từ cộng đồng địa phương. Chưa có trường hợp nào tử vong trong những ngôi nhà được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc thông qua các thiết bị IoT kể từ khi dự án ra mắt.

Trợ lý ảo GoodPy cũng là ví dụ điển hình về loại hình dịch vụ công lấy người dân làm trung tâm. Ứng dụng này cung cấp dịch vụ hành chính và giải đáp các thắc mắc cho người dân. Nhờ có kỹ năng số và công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công bất cứ khi nào, bất cứ đâu và dựa theo nhu cầu cá nhân.

GoodPy còn cung cấp dịch vụ tư vấn và đề xuất các tuỳ chọn cho người dùng dựa trên các ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Hàn Quốc (Naver, KakaoTalk, Toss...) và cho phép thanh toán dịch vụ trên một màn hình để tối đa hóa sự tiện lợi. Nhờ GoodPy, qua một kênh duy nhất, người dùng có thể nhận được các loại thông tin dịch vụ thiết yếu hàng ngày như các chương trình phúc lợi, lịch hẹn tiêm chủng, quỹ cứu trợ COVID-19, ngày kiểm tra y tế, giao thông,...

Không gian công cộng thông minh

Seoul cũng tổ chức lại các không gian công cộng, xem chúng như những tài sản quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống và tính bền vững của phát triển. Đơn cử là việc cải tạo lại dòng suối Cheonggyecheon chảy qua lòng thành phố. 

Con suối này từng là một kênh thoát nước ô nhiễm với vô số rác, cát, chất thải ùn ứ. Sau chiến tranh Triều Tiên, khoảng 5 km suối Cheonggyecheon bị lấp để xây dựng đường cao tốc trên cao, đồng thời giải quyết phần nào vấn đề ô nhiễm tại đây.

Vấn đề nảy sinh vào những năm 1990 khi một số nhà sử học phản đối việc một di sản quan trọng như Cheonggyecheon bị lãng quên. Các nhà nghiên cứu môi trường cũng bày tỏ mối quan ngại rằng hệ sinh thái tự nhiên bị phá vỡ khi dòng suối chôn vùi dưới lòng đất.

Năm 2002, ông Lee Myung-bak đắc cử chức thị trưởng Seoul với cam kết khôi phục, cải tạo suối Cheonggyecheon.

Dự án khởi công từ tháng 7/2003 với kinh phí lên đến 900 triệu USD, bắt đầu với khâu tháo dỡ cầu vượt và phá đường cao tốc trước khi hồi sinh dòng chảy dài hơn 5 km qua trung tâm thành phố Seoul sau một tháng. Tháng 10/2005, dòng suối Cheonggye được khai thông sau 47 năm kể từ ngày bị lấp.

Thành phố thông minh Seoul - nơi công dân cũng là thị trưởng - Ảnh 3.

Suối Cheonggyecheon giữa lòng thủ đô Seoul. Ảnh: UT2

Suối Cheonggyecheon nhanh chóng trở thành không gian ngập bóng cây xanh cho người dân thư giãn, hàng trăm triệu khách du lịch ghé thăm kể từ ngày mở cửa. Hiện nơi này đón khoảng 500.000 lượt khách mỗi tuần (theo Tạp chí Time).

Hiện nay, các cảm biến đo chất lượng nước đã được gắn dọc dòng suối này để phát hiện những chất gây ô nhiễm nước được thải xuống suối. Dữ liệu đo được truyền theo thời gian thực đến một trung tâm kiểm soát và dữ liệu này cũng mở cho công dân truy cập.

Việc cải tạo suối Cheonggyecheon đã giúp ngăn chặn tình trạng lũ lụt tái diễn hằng năm ở khu vực trung tâm, giúp khu vực trung tâm Seoul giảm tới 3-4 độ C vào mùa hè.

Di chuyển thông minh

Các cảm biến IoT trên toàn thành phố có nhiệm vụ thu thập thông tin về bụi mịn, giao thông và các yếu tố khác liên quan đến cuộc sống người dân. Chính quyền cũng giới thiệu chatbot cho 120 tổng đài dân sự trong năm này, cũng như một hệ thống đậu xe công cộng để người dùng kiểm tra chỗ trống.

Seoul rất thành công trong kế hoạch tăng tỉ lệ người dân đi xe bus và tàu điện ngầm, giảm lượng xe ô tô cá nhân di chuyển trên đường phố nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Kết quả đạt được là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào quản lý giao thông bao gồm ứng dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS), Hệ thống quản lý xe bus (BMS) và Hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

BMS là một trung tâm điều khiển tích hợp có thể giám sát toàn bộ hệ thống theo thời gian thực. Trung tâm điều khiển tập hợp thông tin về định vị xe (vị trí và tốc độ), từ đó dữ liệu được truyền tới bảng điều khiển dịch vụ thông tin tại các điểm dừng xe bus và thông qua các ứng dụng khác nhau cho hành khách truy cập qua điện thoại di động và Internet. Số lượng xe bus được chỉ định cho bất kỳ tuyến đường nhất định nào, có thể được điều chỉnh. Bất kỳ sự gián đoạn, trục trặc mạng nào đều được giải quyết nhanh chóng vì trung tâm điều khiển có thể liên lạc trực tiếp với từng tài xế xe bus, thông tin từ các tài xế có thể được truyền đạt nhanh chóng đến hành khách.

Xử lý chất thải đô thị và sử dụng năng lượng thông minh

Seoul, giống như nhiều thành phố khác, từng phải chịu tình trạng quá tải chất thải và thiếu điện do sự tăng trưởng nhanh chóng. Một trong những giải pháp chính của thành phố này là Cơ sở phục hồi tài nguyên Gangnam (RRF). Cơ sở này sử dụng nhiệt năng phát sinh trong quá trình đốt rác trong một hệ thống kín để chạy máy phát điện, biến chất thải thành năng lượng, giúp giảm rác ở các bãi, sau đó dùng năng lượng sản xuất ra để sưởi ấm các khu dân cư. Cách làm này giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí thải carbon, góp phần giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, giúp tăng trưởng đô thị bền vững.

Nguồn: tổng hợp