Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm

Minh Ngọc
11:36 - 29/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thụy Sĩ xây dựng hệ thống thành phố thông minh, bền vững, ứng dụng triệt để công nghệ từ khâu quy hoạch đô thị đến khi vận hành. Yếu tố xanh luôn được chú trọng với những giải pháp tối ưu tiêu thụ năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động đến môi trường và duy trì không gian sống bền vững.

Thụy Sĩ là một quốc gia thuộc khu vực Tây Âu, giáp với Pháp, Đức, Ý và Áo. Thụy Sĩ không giáp biển, địa hình phía Nam chủ yếu là đồi núi, với đỉnh Alps là dãy núi cao nhất, được bao quanh bởi nhiều sông lớn. Tuy là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng Thụy Sĩ lại có mức độ phát triển kinh tế vững mạnh, nắm giữ vị trí quan trọng về kinh tế - tài chính với hệ thống ngân hàng uy tín nổi tiếng thế giới.

Đây là một trong những quốc gia trong lành, yên bình, văn minh và an toàn nhất châu Âu với tỉ lệ tội phạm vô cùng thấp, người dân có chỉ số hạnh phúc cao.

Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm - Ảnh 1.

Đất nước hạnh phúc Thụy Sĩ. Ảnh: SCH

Thụy Sĩ cũng là một trong những quốc gia đi đầu về chính sách thành phố thông minh. Năm 2012, Văn phòng Năng lượng Liên bang Thụy Sĩ ra mắt dự án thí điểm mang tên Smart City Switzerland (thành phố thông minh Thụy Sĩ), kết nối các trường đại học khoa học ứng dụng, cơ quan hành chính công, doanh nghiệp tư nhân để tư duy lại về môi trường đô thị.

Thành phố thông minh bền vững ở Thụy Sĩ thể hiện qua những dự án ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, khai thác hiệu quả các dịch vụ, tiện ích đi kèm mà vẫn bảo đảm bảo nhu cầu sống hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường của thế hệ hiện tại lẫn tương lai.

Công nghệ được ứng dụng triệt để ngay từ khâu quy hoạch đô thị đến khi vận hành. Yếu tố "xanh" luôn được chú trọng với những giải pháp tối ưu tiêu thụ năng lượng tái tạo, giảm thiểu tác động đến môi trường và duy trì không gian sống bền vững.

Các hoạt động thành phố thông minh tăng dần từ năm 2016, số lượng thành phố theo đuổi chiến lược Smart City cũng vậy. Tính đến đầu năm 2021, hơn 40 thành phố tại Thụy Sĩ đã tích cực tham gia vào mô hình này. Có khoảng hơn 300 dự án đang triển khai trong 6 lĩnh vực của Smart City (quản trị thông minh, môi trường thông minh, kinh tế thông minh, sống thông minh, di chuyển thông minh và con người thông minh), lấy con người làm trung tâm.

Trong đó, quan trọng nhất và chiếm số lượng đông đảo nhất là "quản trị thông minh". Đó là các dự án như ứng dụng thành phố để người dân truy cập và nắm được thông tin liên quan đến chính quyền địa phương. Tiếp theo là các dự án trong lĩnh vực "môi trường và năng lượng thông minh", hầu hết đều thúc đẩy năng lượng tái tạo như "cộng đồng năng lượng mặt trời", lưới điện thông minh, đồng hồ nước thông minh, mạng lưới ánh sáng và sưởi thông minh. "Di chuyển thông minh" cũng là một lĩnh vực đáng chú ý khi nhiều thành phố phát triển mô hình các hệ thống đi lại hiệu quả hơn, giảm phát thải carbon, mở rộng hạ tầng giao thông công cộng, xe điện, làn đi xe đạp…

Hệ sinh thái đô thị của Thụy Sĩ vẫn đang chuyển đổi cùng với những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật gắn liền với yếu tố thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng sống của người dân.

"Thành phố xanh" Zurich

Zurich là thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ, đồng thời là trung tâm thương mại, văn hóa chính của quốc gia này. Đây là nơi tập trung của hàng loạt các ngân hàng danh tiếng, thị trường chứng khoán, tập đoàn quốc tế và các công ty truyền thông lớn. Zurich được xem là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, dựa trên tiêu chuẩn về sự ổn định về chính trị, môi trường sống, hệ thống giáo dục, văn hóa - xã hội, giải trí,...

Tại Zurich, sáng kiến về thành phố thông minh bắt đầu từ dự án đèn đường. Thành phố này đã áp dụng một hệ thống đèn có thể tự điều chỉnh độ sáng theo cảm biến mật độ giao thông, giúp tiết kiệm năng lượng điện lên đến 70%.

Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm - Ảnh 3.

Thành phố Zurich. Ảnh: Kayak

Zurich đã mở rộng hệ thống đèn đường thông minh trên toàn thành phố và thiết lập một loạt các công nghệ cảm biến có thể thu thập dữ liệu môi trường, đo lường luồng giao thông và có thể hoạt động như một anten wifi công cộng. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, kết nối hệ thống sưởi, điện và làm mát của thành phố cũng đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc cả thiện cuộc sống của người dân.

Từ năm 2015, thành phố đã xây dựng hệ thống quản trị tòa nhà thông minh liên kết các hệ thống sưởi, điện và làm mát đã được lắp đặt tại các tòa nhà trong thành phố. Khí thải CO2 giảm đáng kể, đồng thời không gian sống hòa hợp hơn với môi trường tự nhiên.

Thủ phủ kinh tế của Thụy Sĩ thậm chí còn đi xa hơn khi xây dựng một quận mới ở miền Nam Zurich mang tên Green City tại khu công nghiệp cũ Sihl-Manegg.

Green City là quận đầu tiên được chứng nhận 2.000 Watt (tiêu thụ năng lượng thấp) của tổ chức Energiestadt/Cité de l'Energie Society. 100% nguồn cung cấp năng lượng của quận đến từ năng lượng tái tạo và 70% lượng điện sản xuất thông qua các tấm quang điện gắn trên mái nhà và các phương tiện khác. Một lưới điện thông minh kiểm soát việc sản xuất, phân phối và dự trữ điện năng. Lượng điện dư thừa sẽ được dùng cho các loại xe điện hoặc dự trữ cho những nhu cầu tương lai. Ngoài ra, nhà máy điện thành phố Zurich sẽ cung cấp năng lượng tái tạo để sưởi và làm mát cả quận thông qua hệ thống giếng nước ngầm và đầu dò địa nhiệt.

Zurich cũng đang nỗ lực hết mình để hạn chế xe hơi trong khu đô thị bằng cách áp dụng một hệ thống xe điện sạch đẹp với lịch chạy dày đặc và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Tất cả các điểm tham quan trong trung tâm thành phố đều dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ.

Thành phố sinh thái, bền vững Lausanne

Lausanne - thủ phủ của bang Vaud - là một thành phố trẻ, có nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đa dạng. Thành phố ôm trong lòng hồ Léman (hồ trung tâm châu Âu), trải dài cùng những khu trồng nho, khu rừng thông thiên nhiên, rừng nhân tạo và vùng đồng cỏ thôn quê.

Lausanne nằm trong top các đô thị thông minh trên thế giới với sự vượt trội về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các lĩnh vực giáo dục trường học, dịch vụ y tế, không gian xanh, hoạt động văn hóa và thiết bị tái chế và y tế.

Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm - Ảnh 4.

Thành phố Lausanne. Ảnh: National Geographic

Nơi đây hướng tới phát triển một thành phố bền vững và đáng sống, tất cả đều kết nối hạ tầng qua công nghệ số. Dữ liệu công khai là nền tảng của các dịch vụ vận tải, năng lượng, an ninh, sức khỏe, giải trí… Dữ liệu về hành vi của người dân được thu thập và dùng để tối ưu giao thông trong thị trấn. Thông tin là chìa khóa để biết được mọi người cảm nhận về các không gian công cộng như thế nào, họ di chuyển ra sao hay sử dụng phương tiện nào, có thường xuyên hay không...

Lausanne cũng xây dựng hai khu sinh thái lớn ở phía Bắc (Plaines-du-Loup) và phía Nam (Près-de-Vidy) của thành phố, dự kiến sẽ có gần 20.000 cư dân vào cuối năm 2022. Giống như Zurich, các khu sinh thái này được chứng nhận là địa điểm 2.000 Watt. Các tòa nhà dân cư và thương mại sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn năng lượng và môi trường mới nhất trong giai đoạn xây dựng và suốt thời gian tồn tại.

Thành phố kết nối Genève

Genève là thành phố lớn thứ hai Thụy Sĩ chỉ sau Zurich, là trung tâm tài chính và ngoại giao quan trọng của cả châu Âu. Thành phố phát triển ngành nghề chính là du lịch, ngân hàng và công nghệ.

Genève được đánh giá là một trong những thành phố xanh nổi tiếng bậc nhất ở châu Âu với khoảng 20 công viên lớn nhỏ ở trung tâm thành phố. Chình vì vậy đây cũng là thánh địa du lịch nổi tiếng của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm - Ảnh 5.

Thành phố Genève. Ảnh: Sncf

Genève đang dựa vào Internet để cải thiện chất lượng cuộc sống ở các không gian công cộng. Dự án "Smart Canton" khai thác tiềm năng của công nghệ mới để mang đến cho cư dân môi trường sống hiện đại và văn minh hơn. Để đạt được mục tiêu này, các cảm biến tương tác với các đối tượng được kết nối như điện thoại và thiết bị GPS được phân phối khắp thành phố. Dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến được phân tích để cải thiện chất lượng của một số thiết bị, dịch vụ công cộng.

Hai dự án thử nghiệm hiện đang được tiến hành tại khu vực Carouge. Trong dự án đầu tiên, các cảm biến được sử dụng để cung cấp thông tin thời gian thực về chỗ đậu xe còn trống, giúp người lái xe ô tô tiết kiệm thời gian. Dự án thứ hai dự kiến lắp đặt khoảng 1.000 cảm biến nhằm đánh giá tác động của tiếng ồn giao thông trong môi trường đô thị.

Thành phố Fribourg với hệ thống quản trị tòa nhà thông minh

Thành phố Fribourg nằm trên cao nguyên Thụy Sĩ, là một trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục quan trọng của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ: Đất nước hạnh phúc với hệ sinh thái thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm - Ảnh 6.

Thành phố Fribourg. Ảnh: Wikipedia

Dự án Smart Living Lab tại thành phố Fribourg đã thiết kế hệ thống quản trị tòa nhà thích ứng với hoạt động của những người sinh hoạt tại đây, nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo trong tòa nhà tốt hơn. Các tòa nhà cũng được lắp đặt các tấm pin mặt trời che chắn ánh nắng trực tiếp, đồng thời sản xuất điện năng để con người sử dụng.

Trong tương lai, các hệ thống quản trị tòa nhà phức tạp và tinh vi hơn sẽ giúp các tòa nhà cao tầng tại thành phố vừa tiêu thụ, vừa sản xuất năng lượng hiệu quả. Các thành phần thông gió và cách nhiệt thân thiện với môi trường cũng đang được nghiên cứu để bảo đảm chất lượng không khí tối ưu, sự thoải mái và không gây hại cho sức khỏe của con người.

Nguồn: tổng hợp