Tảo hôn: Vấn nạn nhức nhối cần xóa bỏ

Lam Linh
15:01 - 17/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tảo hôn ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc, không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của trẻ em, đặc biệt là quyền được học tập – quyền cơ bản của con người.

Tỉ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Ảnh minh họa: IT.

Tỉ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Ảnh minh họa: IT.

"Tảo hôn" tưởng chừng chỉ còn là khái niệm cũ, nhưng thực tế tại một số vùng miền trên đất nước ta, đặc biệt là các địa bàn vùng cao, chuyện vẫn xảy ra xuất hiện khá phổ biến. Ở nhiều nơi, tảo hôn đã trở thành câu chuyện đau lòng, gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số, suy thoái giống nòi và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Những hậu quả khó lường 

Hậu quả của việc lấy chồng, lấy vợ sớm và sinh nhiều con là nghèo đói, thất học đeo bám. Những đứa trẻ chỉ mới 14-15 tuổi, những mầm non xanh của đất nước ở độ tuổi vô tư cắp sách tới trường, giờ đây đã phải tay bế tay bồng, chưa kịp lớn đã trở thành mẹ. Rồi những tháng ngày sau này, cuộc sống của các em lại bỏ học giữa chừng, quanh quẩn bên thung lũng, hẻm núi, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình bị hạn chế.

Như một hệ quả tất yếu của tảo hôn là sinh con sớm, sinh dày, đông con khiến cuộc sống của những đứa trẻ vùng cao cứ mải miết bơi trong cái vòng luẩn quẩn đông con, thất học, đói nghèo tồn tại từ đời này qua đời khác.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

Điều tra thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban dân tộc cho thấy, tỉ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Theo kết quả khảo sát năm 2019, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số là 21,9%. Như vậy, tình trạng tảo hôn mặc dù có giảm nhưng vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Những người có hành vi tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật, mà đang kéo theo nhiều hệ lụy khác cho bản thân, gia đình và xã hội. Tác hại của tảo hôn đối với bản thân người tảo hôn và con cái của họ.

Vấn nạn "chiếm đoạt tuổi thơ"

Việc lập gia đình xảy ra giữa những bạn trẻ còn ở tuổi ăn, tuổi học sẽ ảnh hưởng đến các quyền của trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em gái như: quyền được học tập, vui chơi.... Từ đó, càng làm kéo dài khoảng cách giới, sự bất bình đẳng giới ngày càng trầm trọng hơn. Điều đó đồng nghĩa với đói nghèo, bạo lực trên cơ sở giới.

Mặt khác, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên - lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Việc tảo hôn có thể dẫn đến việc sinh con sớm và gây ra những hậu quả như: nguy cơ tử vong cao của các sản phụ, nguy cơ về sẩy thai, trẻ nhỏ sinh ra dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, Down, còi cọc, chậm phát triển, thậm chí là nguy cơ chết yểu của trẻ sơ sinh.

Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, dù là tình yêu tự nguyện hay là gả ép thì hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Bởi lẽ, khi ở lứa tuổi đang còn nhỏ mà lại tiến tới quan hệ hôn nhân thì rõ ràng họ chưa có đủ sự chín chắn để nhường nhịn lẫn nhau và thích nghi hoàn cảnh. Sau kết hôn, các em phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một người vợ và người chồng chăm lo cho cuộc sống chung của gia đình. Vượt quá sức hiểu biết và chịu đựng, để rồi, nhẹ là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, còn nặng là đường ai nấy đi.

Gia đình thiếu tính bền vững, ảnh hưởng toàn xã hội

Với gia đình, sau khi lấy nhau, hầu hết các cặp vợ chồng này chưa có đủ khả năng tạo ra kinh tế để tạo lập một cuộc sống độc lập vì tuổi còn quá nhỏ. Liệu những cặp vợ chồng tảo hôn có thể chăm sóc nhau, nuôi dưỡng con cái được không khi bản thân mình vẫn là người chưa thành niên? Như vậy, không ít các cặp vợ chồng tảo hôn rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định và gây ra gánh nặng đối với gia đình rất là lớn. Hơn nữa, trong các gia đình tảo hôn, những đứa con thường xuyên ốm đau gây tốn kém về kinh tế, thậm chí làm nghèo thêm những gia đình vốn đang nghèo.

Tảo hôn: Vấn nạn nhức nhối cần xóa bỏ  - Ảnh 2.

“tục bắt vợ” của người Mông - hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật. Ảnh minh họa: IT.

Tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn tức là pháp luật của nhà nước không được tuân thủ một cách nghiêm túc. Điều này sẽ dẫn đến sự mất ổn định của xã hội. Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, ngược lại gia đình tan vỡ thì xã hội sẽ tiêu vong. Xã hội mất ổn định là xuất phát từ gia đình.

Một vấn đề khác đã được thực tế chứng minh, tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đói nghèo, kìm hãm sự phát triển của xã hội ở tất cả các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, y tế... Tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật sẽ sản sinh ra một thế hệ kế thừa còi cọc, suy dinh dưỡng, khả năng chống chọi với bệnh tật kém nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo. 

Hơn nữa, những đứa trẻ được sinh ra bởi bố mẹ không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, không có năng lực tài chính thì chúng sẽ lớn lên trong nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ và khó có thể phát triển toàn diện. Đặc biệt, những đứa trẻ này rất dễ đi theo "vết xe đổ" của bố mẹ, không những tạo thêm nhiều sức ép về chất lượng dân số cho xã hội, mà còn gây nên những khó khăn trong công tác quản lý dân số, trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Giải pháp nào để giảm thiểu tảo hôn?

Tảo hôn được xác định là vấn đề khó vẫn chưa có lời giải. Trên thực tế, có thể thấy rằng, để thay đổi chỉ trong một sớm một chiều những hủ tục lạc hậu, những nếp nghĩ đã hằn sâu trong tiềm thức của đồng bào vùng thiểu số vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.

Để giảm thiếu tảo hôn, cốt lõi nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này. Trong đó, tuyên truyền vận động, hỗ trợ pháp lý, phổ biến luật hôn nhân và gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số cần được đẩy mạnh. Đi kèm với tuyên truyền thì cần đưa những quy định của pháp luật về hôn nhân vào hương ước, quy ước thôn bản theo hình thức mưa dầm thấm lâu, nâng cao nhận thức của cha mẹ và mỗi em học sinh trong việc nói không với tảo hôn.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng tảo hôn vẫn còn là lộ trình dài hơi. Cùng với vai trò của gia đình, nhà trường, cộng đồng cùng chung tay phòng chống nạn tảo hôn, xóa bỏ hình ảnh những "cặp vợ chồng học sinh" để góp phần nâng cao chất lượng dân số, vì tương lai tươi sáng cho các em, để cho các em có được sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như tâm sinh lý, được tham gia học tập, giao tiếp với với cộng đồng và xã hội.