Một góc nhìn kinh nghiệm chọn nghề cho các bạn trẻ
Có thể nói, nếu không lựa chọn nghề nghiệp đúng, cả đời bạn giống như một cuộc vật vã, rồi lại kiếm tìm. Cho tới khi may mắn bạn được trở về việc đúng sở trường, đúng thế mạnh, giống như con cá gặp nước... Còn nếu không thì sao?
Trong cuộc sống tìm gặp được những người thầy/những người "coach" thực sự giỏi sẽ là điều may mắn. Ảnh minh họa: IT.
Nguyên tắc "vàng": học hỏi
Chỉ có những người đã trải qua mới đủ kinh nghiệm và kiến thức để đưa cho bạn những lời khuyên thiết thực. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được thành công sớm hơn. Vì vậy, bạn hãy chú ý tới những sự chỉ dẫn của người đi trước, đặc biệt là những người có điều kiện tương đồng với bạn, đương nhiên họ phải thành công, thì những lời khuyên ấy mới thực sự quý giá.
Ngoài ra, bạn cũng có thể học theo sách vở, tất cả những kinh nghiệm của người đi trước đều được đúc kết trong những cuốn sách quý, những bài báo giá trị, những bài phỏng vấn, chia sẻ của những người thành công. Tất nhiên, chẳng có bữa ăn nào là miễn phí, bạn cũng sẽ phải "đầu tư" cho mình cơ hội để có được những cuốn sách thực sự hữu ích, tìm gặp được những người thầy/những người "coach" thực sự giỏi.
Học hỏi, theo nghĩa rộng hơn là chính bạn tự tạo ra một quá trình luôn luôn tìm kiếm, khám phá những tri thức mới, tự đặt ra những thắc mắc và tìm sự hỗ trợ hoặc tự mình tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc ấy.
Đây là quá trình giúp bạn hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời, những tri thức về cuộc sống và nhờ học hỏi, bạn sẽ hiểu rõ được bản chất ở những vấn đề mà bạn tiếp cận, rút ra được đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm, điều nào là tốt, điều nào là xấu,...
Chọn những việc bạn có thế làm tốt nhất
Có những nguyên tắc "bất di bất dịch" bạn không nên bỏ qua, đó là phải chọn được nghề nghiệp chính bạn có thế mạnh. Hãy ngồi xuống và cố tìm hiểu xem bản thân mình mạnh về điều gì, mạnh lĩnh vực gì? Dấu hiệu nhận biết bạn mạnh ở mảng nào đó, chính là sự hứng thú khi đề cập tới tất cả những gì liên quan tới nó. Dù đó là những điều bình thường nhất...
Ví dụ, nếu bạn có sở thích xem phim, bạn đã có thể nghĩ tới rất nhiều nghề nghiệp xung quanh lĩnh vực yêu thích này: bạn có thể tìm hiểu để trở thành một nhà diễn xuất chuyên nghiệp, nếu không phải diễn viên, bạn có thể trở thành đạo diễn, bạn có thể trở thành bất cứ vị trí nào trong ekip sản xuất ra một bộ phim. Thậm chí, bạn cũng có thể trở thành một "nhà buôn" trong lĩnh vực phim ảnh.v.v... Hay, nếu bạn có sở trường về thể thao, tại sao bạn không nghĩ tới việc trở thành một vận động viên? Một giáo viên thể dục? Một trọng tài thể thao quốc tế? Hay thậm chí sở hữu một CLB thể thao chuyên nghiệp?
Có thể bạn cũng có rất nhiều sở thích, sở trường khác nhau. Bạn thật may mắn! Tuy nhiên điều này có thể khiến bạn gặp khó khăn khi lựa chọn. Không sao, lúc nào bạn nên xem xét đâu là thứ bạn có năng lượng mạnh nhất? Bạn có thực sự hứng thú với sở thích, sở trường đó tới mức đam mê và bạn có thể hình dung bằng mọi giá bạn vẫn sẽ gắn bó với thứ mà bạn yêu thích đó?
Chỉ khi bạn có đủ năng lực và sở trường, bạn sẽ có lợi thế hơn bất cứ ứng viên nào khác trên con đường tiến tới tìm hiểu, khám phá, và xây dựng sự nghiệp trên đó.
Hãy hình dung, khi được sống bằng sở thích, sở trường của mình, bạn sẽ cảm thấy cảm xúc luôn ngập tràn để nâng đỡ cho bạn vượt qua những trở ngại khó khăn. Từ đó, bạn có thể có sức mạnh vượt xa mọi ranh giới của bản thân bằng con đường học hỏi, sáng tạo với những hứng thú tiền đề.
Hạnh phúc mỗi ngày cứ đến với bạn khi được sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc được làm việc trong niềm đam mê và sở trường. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn luôn có một cuộc sống sung túc, và mọi thời gian đều được sống trong sự vui vẻ, không phải chật vật, khó khăn, đối mặt. Thành công sẽ ở rất gần bạn!
Không nên "ảo tưởng sức mạnh"
Xu hướng xã hội ngày nay, các bạn trẻ đang có điều kiện tiếp cận với nhiều ngành nghề mới. Nếu chưa thể hình dung đó là ngành nghề gì, thì bạn có thể đặt ra một vài tiêu chí khi chọn nghề: ví dụ bạn muốn một công việc tự do, có thể đi nhiều nơi, không ngồi một chỗ hay bạn thích công việc luôn được tiếp cận với công nghệ mới mẻ; hoặc bạn chỉ quan tâm đến việc nào có nhiều tiền?
Tất nhiên sẽ rất hiếm có công việc nào có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí mà những người tham lam thường đi vào: việc nhàn - lương cao? Không, ở thời nào cũng vậy, bạn phải lựa chọn. Việc lựa chọn đó sẽ tạo ra sự cân bằng trong xã hội: đã có người làm nhiều tiền, thì cũng có người được nhàn rỗi; đã luôn được tiếp cận những điều mới mẻ, hấp dẫn, thú vị, thì bạn phải có tố chất vượt trội trong một lĩnh vực nào đó... Tất cả đều dựa trên sự công bằng của Tạo hóa. Và ở trong thế cân bằng ấy, xã hội mới tồn tại các ngành nghề một cách bền vững.
Một điều quan trọng là bạn không nên "ảo tưởng sức mạnh", khi bạn suy nghĩ chưa thấu đáo và cho rằng chỉ một sở thích nhỏ, một nguyện vọng cá nhân có lợi trước mắt để ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp thì bạn rất dễ rơi vào chiếc bẫy "ảo tưởng" dễ dàng sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nếu chỉ ngồi và "tưởng tượng" ra rằng mình sẽ làm tốt, sẽ nổi tiếng, sẽ thành danh rất nhanh... mà không trực tiếp bắt tay vào tìm hiểu, khám phá và thử nghiệm, đồng thời bạn cũng cần xác định những khó khăn, thách thức từ nhỏ nhất tới lớn nhất để "cân sức" của mình xem có thể vượt qua không? Thậm chí, bạn còn phải giả định tình huống thất bại nặng nề, lúc đó bạn sẽ ra sao? Nếu đã chuẩn bị kĩ lưỡng tới mức thất bại cũng chấp nhận, thì còn điều gì có thể gây khó cho bạn?!.
Không vượt qua trở ngại, sao có thể thành công?
Đôi khi, lời khuyên của những người đi trước sẽ không phù hợp nếu bản thân bạn có những lý do riêng để không tuân theo. Ví dụ, khi muốn trở thành một bác sỹ, nhưng bạn lại sợ hãi khi phải vào phòng thí nghiệm; muốn trở thành một vận động viên, bạn không có được một sức khỏe tốt, dù bạn rất yêu thích công việc đó. Những lời khuyên chỉ như một sự gợi ý, bản thân bạn sẽ là "bác sỹ tâm lý" của chính mình, khi bạn biết rõ, bạn chỉ có thể phát huy được thế mạnh, sở trường ở một lĩnh vực nào đó.
Bạn hãy thẳng thắn nhìn vào khả năng, nếu bạn không thể học giỏi môn A, nhưng bạn có thể phát triển môn B; nếu người xung quanh bạn đều giỏi, bạn sẽ chỉ giỏi nếu đi bước nào? Bạn phải xác định chiếc "bàn đạp" mạnh nhất chính là những thứ khác biệt, mà chỉ có bạn mới có được.
Lời đàm tiếu là những trở ngại cực kỳ lớn đối với con đường sự nghiệp của bạn. Nếu có thể gạt bỏ bớt những lời chỉ trích, những nghi ngờ của tất cả mọi người xung quanh, thậm chí là của người thân, bạn bè khi họ không phải là chính bạn. Cả thế giới có thể mất kiên nhẫn, nhưng chỉ cần bạn giữ kiên nhẫn là đủ! Bạn chưa thể ghi tên mình vào danh sách kỷ lục guiness mang tên "thành công" thì cứ từ từ, chỉ cần đi rồi sẽ tới. Nếu bạn biết, bạn đã lựa chọn đúng và kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu.
Hoàn cảnh hiện tại cũng sẽ là một khó khăn ảnh hưởng đến quyết định và con đường xây dựng thành công của bạn. Bạn không thể vượt qua được sự thiếu thốn của vật chất để theo đuổi một bộ môn mà bạn đam mê lại cần rất nhiều tiền bạc và công sức. Không sao, bạn có thể đi "đường vòng" bằng nhiều cách khác nhau. Bạn có thể đi tìm những người có thể giúp bạn trong lĩnh vực đó, thẳng thắn đưa ra những lời đề nghị hỗ trợ để bạn có thể theo đuổi đam mê. Một lần nữa, sự kiên trì sẽ giúp bạn, vấn đề chỉ là thời gian và cách bạn theo đuổi nó.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google