Con trẻ mở phong bao lì xì trước mặt khách, chê tiền ít, cha mẹ ứng xử thế nào?

Đắc Quang - Ngọc Ánh
07:38 - 17/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mở phong bao lì xì trước mặt khách, so sánh tiền mừng tuổi, chê bai số tiền được nhận... không ít tình huống nhận lì xì của con trẻ khiến người lớn rơi vào tình trạng lúng túng, khó xử trong những ngày đầu năm.

Mỗi năm một lần, những đứa trẻ luôn háo hức khi nhận lì xì trong dịp Tết. Nhưng dần dần thái độ nhận lì xì của con trẻ cũng là một vấn đề cần bàn.

Nhiều trẻ khi nhận được lì xì ngay lập tức bóc ra xem mệnh giá, thậm chí là chê bai số tiền nhận được khiến cho cả người tặng lẫn cha mẹ đều rơi vào tình trạng lúng túng, ngượng ngùng. Vậy, khi gặp phải hoàn cảnh như thế, các bậc phụ huynh phải ứng xử như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ một số giải pháp để cha mẹ có thể tham khảo.

Con trẻ mở phong bao lì xì trước mặt khách, chê tiền ít, cha mẹ ứng xử thế nào? - Ảnh 1.

Cha mẹ nên dạy con cách ứng xử khi nhận lì xì ngày Tết. Ảnh: TL

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết, đôi khi vì sự vô tư của các bé như mở phong bao lì xì trước mặt khách, hay chê bai những người lì xì ít tiền... vô tình khiến cả cha mẹ và người mừng tuổi cảm thấy ngượng ngùng.

Ngay trong trường hợp này, cha mẹ nên giải thích với con rằng, đây là lời chúc may mắn của ông, bà, các bác gửi đến con. Chúng ta hãy trân trọng, biết ơn và mở phong bao lì xì sau khi đã về nhà.

Hoặc, cha mẹ có thể gợi ý với trẻ: “Liệu bố mẹ có thể cầm những lời chúc của ông bà giữ giúp con được không? Đến buổi tối mình sẽ chia sẻ với nhau về những phong bao lì xì này nhé!” hoặc “Đưa mẹ giữ giúp con rồi tối mẹ sẽ kể cho con sự tích về phong bao lì xì này”.

Trong trường hợp, trẻ so sánh số tiền lì xì với bạn bè, thậm chí là so sánh người này mừng nhiều, người kia mừng ít, khi gặp tình huống con trẻ thể hiện thái độ không tốt như vậy, cha mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu được chúng sai ở đâu, kể cho con nghe sự tích của những phong bao đỏ...

Và đây cũng là dịp cha mẹ có thể chia sẻ với con một vài bí quyết để sử dụng hợp lý số tiền này như một người lớn thực thụ.

"Các bậc phụ huynh có thể cho con giữ một phần tiền lì xì để con tập quản lý tài chính, dạy con cách tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý. Phần còn lại, cha mẹ sẽ quản lý cho con bởi cha mẹ cũng cần phải chi tiêu cho việc trao may mắn đến những bạn nhỏ khác", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, lì xì vốn là một phong tục mang ý nghĩa tốt trong dịp năm mới. Tuy nhiên, nhiều trẻ không hiểu nên có thể gây ra hành động không hợp lý, tạo ra tình cảnh "bất bình thường" khiến người lớn khó xử.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, trong trường hợp trẻ xé phong bao lì xì trước mặt khách hay chê tiền lì xì ít, cha mẹ nên bình tĩnh, khéo léo xử lý để bầu không khí bất thường bình thường trở lại.

"Không nên giận giữ, la mắng trẻ ngay tại thời điểm chúng có thái độ không đúng. Bởi cũng giống như người lớn, trẻ luôn có nhu cầu cần được tôn trọng. Vậy nên cha mẹ hãy cố gắng để hiểu suy nghĩ của trẻ trong hoàn cảnh đó và chọn cách ứng xử thích hợp với con", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh, việc câu nệ giá trị vật chất của trẻ cần được phụ huynh quan tâm, để ý, định hướng, uốn nắn kịp thời, để trẻ hiểu đúng ý nghĩa tinh thần của việc lì xì.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con cách nhận bao lì xì và bày tỏ thái độ cảm ơn với người tặng. Những câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng, vui vẻ.