Gia tăng học sinh bỏ học vì tảo hôn ở Đakrông, Hướng Hóa

Hoàng Bạch Diệp – Ly Hương
00:09 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tình trạng học sinh hai huyện Đakrông, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị nghỉ học sớm do nạn tảo hôn đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Đakrông, Hướng Hóa là hai huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, có khoảng 80% đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều sinh sống. Tình trạng trẻ tảo hôn, bỏ học, mang thai sớm diễn ra nhiều năm nay không có dấu hiệu được cải thiện. 

Bỏ học giữa chừng do tảo hôn

Hằng năm, số lượng học sinh ở huyện Đakrông nghỉ học rất nhiều, giáo viên phải thay nhau vào bản vận động các em đến trường. Trung bình mỗi lớp có khoảng 10 học sinh nghỉ học. 

Một trong những nguyên nhân khiến học sinh nghỉ học sớm là nạn tảo hôn. Học sinh người Vân Kiều, Pa Cô lấy vợ lấy chồng từ rất sớm, khi học lớp 10 các em đã được mai mối, sau đó thì kết hôn.

Tại kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, có em đã mang bầu, phải bỏ thi.

Gia tăng học sinh bỏ học vì tảo hôn ở Đakrông, Hướng Hóa - Ảnh 1.

Bản làng nghèo ở Đakrông, Quảng Trị. Ảnh: Thụy Văn

Ngoài ra còn nhiều lý do khác khién học sinh bỏ học. Trong đó có cả lý do nhà xa quá, không ai đưa đón, không đi đến trường hằng ngày được. Có em nhà quá nghèo, lao động sớm, không còn khả năng theo học

Đội ngũ giáo viên ở đây gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi vận động học sinh đến trường. Họ phải trèo đèo, lội suối, gõ cửa từng nhà để động viên học sinh đến lớp. Chứng kiến nhiều ngôi nhà tranh rách nát nằm cheo leo trên vách núi, thầy cô rất xót xa về hoàn cảnh khó khăn của các em nhưng khả năng giúp đỡ cũng chỉ có hạn.

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 cho hay, lớp cô có học sinh Hồ Văn S. thường xuyên vắng học. Những lúc có mặt trên lớp thì em mất tập trung, trong giờ học hay ngủ gật. Tìm hiểu gia cảnh của học sinh, giáo viên mới biết, ngoài giờ lên lớp em còn làm nương rẫy, phụ hồ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhiều học sinh ở vùng này chỉ học xong lớp 12 là phải lao động mưu sinh, không theo học lên bậc cao hơn hay đi học nghề.

Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên về chế độ chính sách theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2016/NĐ-CP - miễn giảm hộ cận nghèo; miễn giảm 70% học phí. Học sinh còn được miễn giảm các khoản đóng góp vì diện hộ nghèo cùng với mức hỗ trợ cơm gạo và tiền hàng tháng từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. 

Thế nhưng, rất ít học sinh có thể hoàn thành chương trình phổ thông và cũng rất hiếm học sinh học lên đại học, cao đẳng. 

Ngăn học sinh tảo hôn, bỏ học bằng cách nào?

Nguyên nhân học sinh tảo hôn ở các huyên Đakrông, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị là do tục bỏ của sớm, tục thách cưới, hứa hôn, thậm chí cưỡng ép hôn nhân mang tính gả bán.

Tâm lí chung của người dân nơi đây là muốn sớm có nhiều con cháu, "đông con hơn nhiều của", "trời sinh voi sinh cỏ". Cha mẹ muốn con cái kết hôn sớm để có thêm lao động phụ làm nương rẫy, dòng tộc muốn giữ tài sản trong gia đình mà không phải mang của cải sang họ khác.

Bên cạnh đó là tình trạng thất học, nghèo đói, thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều cha mẹ cho con cái dựng vợ gả chồng sớm. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền địa phương còn hạn chế, kéo theo chế tài xử lí nạn tảo hôn còn chưa đủ mạnh để răn đe.

Vậy nên, về phía chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn nữa, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, để học sinh được đến trường, thực hiện quyền được học tập, nâng cao dân trí.

Ngoài ra, cần sự vào cuộc đồng bộ của những người có uy tín trong bản làng (trưởng bản, già làng, trưởng họ); cha mẹ phải cam kết không để xảy ra tình trạng con cái tảo hôn; giúp học sinh nắm rõ Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như dự báo những hậu quả có thể xảy ra khi học sinh bỏ học sớm.

Học sinh thiếu kiến thức dẫn đến các hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Thất học, các em không có điều kiện tham gia các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà chỉ thuần túy lao động chân tay đơn giản, hiệu quả và thu nhập thấp, tương lai gặp nhiều khó khăn.

Cải thiện chính sách giáo dục cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số khó khăn

Tại Kì họp Quốc hội vào giữa tháng 8/2018, Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi từng nêu ý kiến: "Giáo dục dân tộc vùng thiểu số còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đạt yêu cầu. Tình trạng dồn ghép các điểm trường một cách cơ học ở một số nơi, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chất lượng".

Được biết, chính sách giáo dục miền núi đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, trong đó đã ưu tiên  xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, ưu tiên về đội ngũ giáo viên và các chính sách liên quan đến chế độ đối với giáo viên, học sinh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Đối với giáo viên cũng có nhiều chính sách ưu đãi, đơn cử như chính sách phụ cấp thu hút 70% đối với giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, chính sách đối với giáo viên dạy tích hợp, liên môn được hỗ trợ trên 400 nghìn đồng/tháng.

Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển giáo dục miền núi thì cơ sở, trang thiết bị vẫn còn khó khăn - là thực tế còn tồn tại. Nhà nước cần có chính sách dài hơi nhằm nâng cao đời sống giáo viên để họ có thể tiếp tục dạy học và hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục theo quy định chung.

Trách nhiệm thầy, cô vẫn là mấu chốt 

Cùng với đó, thầy, cô phải đề ra được những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Mỗi khi lớp học có học sinh bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu được chính xác nguyên nhân để đưa ra biện pháp tác động đúng, hiệu quả.

Học sinh bỏ học thường do nguyên nhân từ hoàn cảnh gia đình, do bản thân (học yếu, chán học, không có mục tiêu và động lực), do sự lôi kéo của bạn bè (trò chơi điện tử, bỏ học để kiếm tiền).

Tiếp theo, giáo viên cần phải lựa chọn biện pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, bởi "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Và sau khi học sinh quay trở lại học tập, giáo viên càng phải theo sát để động viên, nhắc nhở, kịp thời uốn nắn những sai phạm mà các em mắc phải, hay nói cách khác là thầy, cô phải "giáo dục thường xuyên".

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng lớp học đoàn kết, vững mạnh, có tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm cùng với sự phối hợp của phụ huynh học sinh, các tổ chức Đoàn, Đội và lãnh đạo nhà trường thì mới thành công.

Điều cốt yếu là giáo viên phải có tâm với giáo dục, với học sinh, luôn học hỏi từ đồng nghiệp và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì sẽ từng bước hạn chế được tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học nhiều như hiện nay.