Muôn vàn tình huống "khó đỡ" của người trẻ dịp Tết

img

Tết Nguyên đán chứa đựng cả một kho tàng văn hóa dân tộc với những thuần phong mỹ tục độc đáo và ý nghĩa. Đối với giới trẻ, đây là kỳ nghỉ dài với cơ hội được tiếp xúc nhiều với gia đình họ hàng, bạn bè cũ sau chuỗi ngày mải mê công việc. 

Vấn đề của họ là ngày Tết có khá nhiều tình huống “khó đỡ”, “dở khóc dở cười” mà họ gặp phải, nhiều khi không biết xử trí ra sao. 

Ngọc Mai (Hà Nội)

Tết đúng ra phải là thời gian để nghỉ ngơi, nhưng lại trở thành chuỗi ngày ăn, ngủ, dọn nhà...

Tết đến, tôi rất “ngại” công đoạn dọn dẹp nhà cửa, nhất là bộ bàn ghế gỗ ngoài phòng khách chỉ toàn những chi tiết chạm trổ, nhìn thì đẹp mà lau thì mệt. Để lau sạch hết bụi bẩn, tôi phải dùng đũa, bàn chải, khăn lau lùa vào các khe hẹp... ngồi tỉ mẩn cũng hết nửa ngày.

Không chỉ vậy, rửa bát cũng là nỗi ám ảnh đối với tôi. Nhà tôi ở cùng với ông bà nội nên trong ngày mùng 1, 2, 3 Tết phải làm cơm thắp hương 3 bữa: sáng, trưa, tối.

x - Ảnh 1.

Ngọc Mai (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Bữa cơm lúc nào cũng phải đủ các món nên bày biện bát đĩa rất nhiều, rửa dọn rất cực.

Vốn là người thích nấu ăn nhưng với cường độ nấu nhiều món, tần suất nấu 3 bữa/ngày khiến tôi không còn thời gian để đi chơi, chúc Tết.

Ngoài ra, gặp mặt bạn bè dịp Tất niên cũng khiến tôi đau đầu. Từ khi lên đại học, ra trường và đi làm, bạn bè cũ ít khi nói chuyện, gặp nhau nên Tết thường sẽ là dịp để hội ngộ.

Tuy nhiên, điều làm tôi phải suy nghĩ đó là mặc đồ gì để không lộng lẫy quá hoặc bình thường quá so với các bạn, vì trong dịp này thường có tâm lý so sánh về công việc, tiền lương, địa vị xã hội…

Và cả những phong tục, điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới cũng làm tôi bối rối. Khách đến chơi nhà thường dẫn theo trẻ nhỏ, có những bé hiếu động, nghịch, chạy nhảy nhưng tôi không biết phải nhắc nhở như thế nào vì ngày Tết thường kiêng cãi nhau, nói to.

Tiến Vinh (Lào Cai)

Cứ đến Tết, các nhóm bạn của tôi ở quê lại lên lịch gọi nhau đi liên hoan. Cả một năm đi học, đi làm, nhiều người đi làm ăn ở xa, lịch về quê không giống nhau nên để gặp mặt đông đủ thì chỉ có Tết.

Như mọi năm, tôi thường có những buổi gặp mặt, ăn uống với các bạn tiểu học, cấp 2, cấp 3. Lịch nghỉ của mọi người không được dài, nên nhiều cuộc gặp mặt được tổ chức dồn dập trong khoảng từ mùng 2 đến mùng 5 Tết.

x - Ảnh 2.

Tiến Vinh (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Tôi chơi với nhiều nhóm bạn nên nhiều lúc cũng phải cân nhắc rất kỹ là ở nhà ăn cơm cùng gia đình hay đi với bạn, rồi đi với nhóm bạn cấp mấy...

Bữa cơm mùng 1 Tết và lễ hóa vàng, những ngày đặc biệt nhất của Tết, tôi sẽ chọn ở nhà bởi gia đình luôn là sự ưu tiên hàng đầu.

Dù hơi buồn và tiếc khi bỏ lỡ những cuộc hẹn với bạn bè nhưng vì không thể sắp xếp được thời gian nên tôi đành chấp nhận.

Ngày Tết, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe cũng là một nét văn hóa của người Việt.

Cỗ bàn liên miên, tôi uống rượu nhiều hơn là ăn. Mùng 1, mùng 2 thì còn thấy hào hứng. Sang những ngày sau tôi bắt đầu sợ rượu. Nhưng rất lâu mới gặp bạn bè, người thân, vui quá nên lại nhấp chén.

Doanh Khải (Hà Nam)

Dịp Tết, bố mẹ phải đi thăm họ hàng nhiều nơi nên tôi hay phải ở nhà “trực”, tiếp đón khách đến chơi. Mấy năm đi học và làm việc ở Hà Nội, họ hàng hai bên nội, ngoại lại rất đông nên nhiều khi khách đến chúc Tết tôi không nhớ và cũng không biết đó là người cùng họ.

Có lần khách đến chúc Tết, tôi nhìn họ cũng đứng tuổi, chủ động chào bằng chú, “vị khách” vội chào tôi là anh. Lúc đấy tôi “đứng hình” mất mấy giây, thấy hơi quê, nhưng rồi vẫn tiếp đón như bình thường.

x - Ảnh 3.

Doanh Khải (Hà Nam). Ảnh: NVCC

Và cũng có trường hợp người đến chúc Tết là bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ, tôi hoàn toàn không biết nên lúc tiếp chuyện hơi gượng gạo.

Hồi cấp 2, cấp 3, gặp những tình huống như vậy, tôi còn lúng túng, không biết nói gì, cứ mở tivi lên để cả tôi và khách ngồi xem, việc mời họ uống nước, ăn bánh kẹo cũng rất ngại.

Giờ thì tôi biết cách đón tiếp hơn. Sau khi chào khách và giới thiệu bản thân, tôi sẽ hỏi họ có mối quan hệ như thế nào với bố mẹ.

Đồng thời, tôi cũng chia sẻ với họ là tôi không thường xuyên ở nhà nên không biết các mối quan hệ của bố mẹ, mong họ thông cảm.

Trong trường hợp này, cuộc trò chuyện như một cuộc làm quen lại từ đầu. Còn nội dung nói chuyện thì sẽ xoay quanh những vấn đề trung tính như thời tiết, giá quất, đào... Trong lúc trò chuyện, tôi mời họ uống nước, ăn bánh kẹo, sau đó dựa vào những thông tin họ chia sẻ để tiếp tục câu chuyện.

Thúy Hiền (Yên Bái)

Năm nay thu xếp được công việc nên tôi về quê ăn Tết sớm. Tôi ở nhà từ Tết dương lịch cho đến hết Tết âm lịch. Khoảng thời gian này lại trùng với các dịp sinh nhật, giỗ chạp... trong gia đình nên cỗ bàn liên miên.

Nhà tôi là nơi mọi người tập trung tổ chức ăn uống. Nhà đông con nhiều cháu nên mỗi lần tụ họp phải chuẩn bị 5 - 7 mâm cỗ. Ăn uống xong, tôi là người dọn dẹp, rửa bát vì các chị họ đa phần ở nhà chồng, người tranh thủ về được thì còn bận con nhỏ.

Muôn vàn tình huống "khó đỡ" của người trẻ dịp Tết - Ảnh 4.

Thúy Hiền (Yên Bái). Ảnh: NVCC

Tiệc tùng, cỗ bàn liền tù tì từ 23 Tết đến mùng 3, ngày nào cũng phải dọn dẹp, tôi cũng hơi ngán ngẩm và mệt mỏi.

Ngoài ra, Tết cũng là dịp tôi gặp lại những người họ hàng mà một năm mới nói chuyện một lần.

Thường giữa tôi và họ sẽ không có chủ đề chung để trò chuyện nên đa phần họ sẽ hỏi những câu như: Năm nay có đưa người yêu về không? Bao giờ lấy chồng? Làm nghề gì? Lương tháng bao nhiêu?...

Tôi không quá khó chịu với những câu hỏi này vì tôi hiểu đây là cách bắt chuyện đơn giản nhất. Nhưng nếu một ngày bị hỏi 10 - 15 lần như thế sẽ rất chán ngán và cảm thấy áp lực.

Tết tuy có hơi mệt và đôi khi cũng phải đối phó với những tình huống "khó đỡ" nhưng tôi vẫn thích và mong chờ Tết. Cả năm đi làm chỉ tranh thủ về nhà được một, hai lần thì đây là kỳ nghỉ tương đối dài để tôi có thể thăm ông bà, họ hàng, gắn kết với gia đình.