Lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - hình thức và bi hài

Ly Hương
08:30 - 11/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 10/3, thông tin về buổi "lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)"tại Trung học cơ sở Lương Yên (Hà Nội) gây xôn xao dư luận.

Lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - hình thức và bi hài - Ảnh 1.

Ngày 9/3, Trường Trung học cơ sở Lương Yên (Hà Nội) tổ chức "lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)".

Lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai là câu chuyện có thật

Ngày 9/3, Trường Trung học cơ sở Lương Yên (Hà Nội) tổ chức "lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)". Bàn phía trên có ba cán bộ (3 nữ, 1 nam), và ở dưới có các học sinh đang chăm chú lắng nghe.

Dư luận cho rằng, việc làm này đối với các em học sinh chỉ ở độ tuổi từ 12 đến 15 là rất hình thức. Bởi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề khó và rộng, ngay cả người lớn cũng nhiều người không có kiến thức về lĩnh vực này.

Cũng trong ngày 10/3/2023, các cơ quan truyền thông đưa tin vừa qua tại Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Tại hội thảo diễn ra tại Trường Trung học cơ sở Lương Yên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.

Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, các khoản sẽ bao gồm: "Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật".

Lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai là máy móc?

Chia sẻ về việc Trường Trung học cơ sở Lương Yên (Hà Nội) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đa số công chúng cho rằng việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai là cách làm máy móc. 

Bởi, đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo này bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Như thế, đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo này không bao gồm trẻ em, mà là các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tầng lớp trí thức (sỹ); giai cấp nông dân – người sống bằng nghề làm ruộng (nông); giai cấp công nhân – người lao động chân tay, làm việc cho chủ tư liệu sản xuất công nghiệp hoặc làm việc cho Nhà nước trong các cơ sở công nghiệp (công); tầng lớp thương nhân hay tầng lớp những người buôn bán (thương); những người làm việc trong Quân đội Nhân dân hay là quân nhân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (binh).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 3 vấn đề phức tạp, nhạy cảm: một là, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; hai là, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; ba là, quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm".

Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, tiếp tục cần được xem xét, quan tâm cho ý kiến", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Như vậy, rõ ràng các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 không thể hiểu hết được những nội dung trong dự thảo để có thể đóng góp ý kiến. 

Tất nhiên, học sinh có nhiều quyền, trong đó có các quy định về đất đai liên quan tới trẻ em, và có quyền nêu quan điểm, ý kiến. Nhưng, các quy định về đất đai liên quan tới Luật và sửa đổi Luật pháp thì phần lớn vẫn phải nhờ cha mẹ, người giám hộ. Việc lấy ý kiến các em chỉ là hình thức mà thôi.