Rối loạn tâm thần hậu COVID-19
COVID-19 gây ra nhiều rối loạn sức khỏe dai dẳng như rối loạn thần kinh, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ tác động tiềm tàng của hội chứng COVID-19 kéo dài. Mỗi người cần tự nâng cao sức "đề kháng" với chứng mất ngủ, lo âu, trầm cảm.
Những người đầu hàng số phận
Nữ nhà văn, nhà biên kịch truyền hình và điện ảnh người Mỹ Heidi Ferrer (nổi tiếng với tác phẩm Dawson's Creek - Ngã rẽ cuộc đời được chuyển thể thành phim vào năm 1998) mắc COVID-19 giữa năm 2020.
Chứng hậu COVID-19 làm cơ thể bà suy nhược nặng do rối loạn thần kinh nghiêm trọng, rối loạn giấc ngủ, đi lại khó khăn. Tháng 5/2021 bà quyên sinh ở tuổi 50.
Chồng của bà - nhà làm phim Nick Guthe nói: "Vợ tôi tự sát vì quá đau đớn, không thể đi lại. Suốt 3 tuần, cô ấy không ngủ được quá một giờ mỗi đêm. Não của cô ấy thực sự bị tổn thương. Cô ấy trở nên vô cùng tuyệt vọng!"
Bà Ruth Oshikanlu, 48 tuổi, y tá ở một bệnh viện London, Anh, mắc COVID-19 từ giữa năm 2020. Sau khi khỏi, bà luôn bị các cơn đau đầu hành hạ, mất khứu giác, thường xuyên mệt mỏi như kiệt sức, nặng trĩu u sầu. Nhiều đồng nghiệp của bà cũng vậy. Bà nói: "Ba đồng nghiệp của tôi đã tự sát. Chất lượng cuộc sống suy giảm, áp lực đè nặng làm phát sinh ý định tự tử. Nếu xã hội không hỗ trợ nhiều hơn, tôi lo rằng sẽ còn nhiều người kết thúc cuộc đời đau buồn như thế".
Hơn 1 năm sau khi mắc COVID-19, ông Scott Taylor, 56 tuổi, tự tử tại nhà riêng ở Dallas, Texas, Mỹ, khi đã kiệt quệ sức khỏe, trí nhớ và tiền bạc. Ông Taylor cũng bị mất việc, hết hạn bảo hiểm, bị từ chối đơn xin cấp an sinh xã hội. "Đó chính là giọt nước tràn ly", theo ông Mark Taylor, anh trai của ông.
Thầy giáo môn giáo dục thể chất L.N.P, sinh năm 1981, ở phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, đã treo cổ tự sát. Gia đình cho rằng do thầy giáo mất ngủ dài ngày hậu COVID-19, dẫn đến mệt mỏi, tinh thần suy nhược.
Tháng 4 vừa qua, Thượng tá Hoàng Việt Châu, 47 tuổi, Trưởng Công an huyện Bình Gia, Lạng Sơn, tử vong trong trạng thái treo cổ tại nhà riêng. Sau khi mắc COVID-19, ông mất ngủ triền miên, có dấu hiệu trầm cảm.
Mất ngủ hậu COVID-19
Khảo sát 3.760 người ở 56 quốc gia công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet cho thấy 70% bệnh nhân COVID-19 sau khỏi bệnh bị mất ngủ và 45% trong số này tiếp tục có rối loạn giấc ngủ sau 6 tháng khỏi bệnh.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của bác sĩ Trần Trung Thành, Trưởng khoa nội thần kinh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh, người khỏi COVID-19 có nhiều rối loạn tâm thần kinh, trong đó mất ngủ nhiều nhất, khoảng 42%. Theo bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, bệnh viện đại học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ mất ngủ sau COVID-19 khoảng 30 - 45% ở người lớn, nữ nhiều hơn nam.
Mất ngủ kéo dài liên quan chặt chẽ (đôi khi là triệu chứng khởi đầu) với các rối loạn hoặc bệnh lý như suy nhược thần kinh, lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn tâm lý hoặc chấn thương nhất là sọ não, nghiện rượu và các chất kích thích, bệnh tâm thần phân liệt hay Alzheimer, loạn thần hưng - trầm cảm (rối loạn cảm xúc lưỡng cực)…
Mất ngủ hậu COVID-19 điều trị kịp thời sẽ nhanh trở lại giấc ngủ như cũ, nếu để trở thành mãn tính, hiệu quả điều trị rất thấp.
Tháng 5, Survivor Corps, Tổ chức hỗ trợ người COVID-19 kéo dài của Mỹcho biết, 44% trong gần 200 người bị mắc hội chứng COVID-19 kéo dài được hỏi thừa nhận từng nghĩ đến việc từ bỏ cuộc sống.
Trầm cảm do COVID-19
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet, năm 2020 toàn cầu có 53,2 triệu người mắc chứng trầm cảm, hơn 27,6% tổng các rối loạn trầm cảm do mọi nguyên nhân trước dịch.
Ở Mỹ, năm 2020 có 28% bệnh nhân COVID-19 biểu hiện trầm cảm nặng. Năm 2021 nghiên cứu trên 6.500 người cho thấy tỉ lệ này vọt lên 33%, trong khi trước dịch chỉ 9%.
Theo khảo sát của Cơ quan kểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ năm 2021, 63% người 18 - 24 tuổi mắc COVID-19 bị lo âu hoặc trầm cảm, 25% trong số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.
Một nghiên cứu đa quốc gia khảo sát trên hơn 9.900 người, độ tuổi 40 - 50, mắc COVID-19, đăng trên trang medRxiv (trang web đăng các bản thảo hoàn chỉnh công trình y học chờ bình duyệt) thông tin: Các nhà khoa học phát hiện COVID-19 có liên quan đến xuất hiện các rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh. Chất lượng giấc ngủ ở những người này kém hơn và có nguy cơ bị trầm cảm sau 16 tháng kể từ khi mắc bệnh.
Nghiên cứu quy mô lớn của đại học Oxford, Anh, vừa công bố 1/3 người khỏi COVID-19 rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm.
Ở Việt Nam, thống kê tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (thành phố Hồ Chí Minh) tháng 9/2021 cho thấy 20% người nhiễm SARS-CoV-2 bị trầm cảm, đặc biệt những người phải thở oxy dòng cao (HFNC) do tổn thương phổi nặng có đến 66,7% rối loạn trầm cảm các mức độ; 53,3% rối loạn lo âu; 16,7% rối loạn stress…
Theo Giáo sư, bác sĩ tâm thần học Roy Perlis, đại học Y Harvard, Mỹ, các yếu tố nguy cơ và triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân COVID-19 khác với kinh điển. Họ đang nghiên cứu để biết rối loạn tâm thần này do tác động tâm lý - xã hội của bệnh hay do viêm nhiễm, tổn thương não. Chưa kể khi mắc COVID-19, người đã mắc trầm cảm từ trước sẽ nặng lên hoặc tái phát vì lo sợ nhiễm bệnh, bị cô lập, bỏ rơi…
Lo âu sẽ dẫn đến trầm cảm
Lo âu là "ma đưa lối…" của trầm cảm sau COVID-19. Với người lớn có các nguyên nhân: đã bị lo âu trước COVID-19 (khoảng 8%); bị cách ly; nằm viện dài ngày; bị kỳ thị; sợ lây bệnh cho người thân và xung quanh; sợ không khỏi bệnh; mất việc; giảm hoặc không có thu nhập nhưng phải trả viện phí (rất cao ở các nước Âu, Mỹ)…
Nội dung bệnh tật đương nhiên là sang chấn đầu tiên, nặng ký đưa đến lo âu, bởi các rối loạn hậu COVID-19 rất đa dạng triệu chứng bệnh ở các cơ quan, bộ phận và các chức năng cơ thể; rất nặng ở không ít người và vẫn có thể đưa đến tử vong dù không nhiều…
Hội chứng COVID-19 "đường trường" (long haul) là cụm từ mà người Anh dùng để gọi những triệu chứng kéo dài sau khỏi bệnh từ 14 ngày trở lên… Đến nay, các bác sĩ điều trị thống kê có đến 202 bất thường, nhưng nhiều rối loạn trong số đó như mệt mỏi, đau ngực, đau đầu, buồn nôn… thể hiện rõ tình trạng cơ thể suy nhược, có thể dai dẳng nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ thống kê, 87% người khỏi COVID-19 gặp phải ít nhất 1 triệu chứng kéo dài 2 tháng sau.
Theo điều tra của đại học Leicester, Anh, trung bình 5 tháng sau khi ra viện, có tới 70% bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, 18% trong số họ không thể trở lại làm việc và buộc 19% phải đổi việc làm.
Chuyên gia các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) từ 30 bệnh viện ở Australia đã nghiên cứu di chứng trên những bệnh nhân COVID-19 nặng, khỏi bệnh từ 6 - 12 tháng, 70% trong số họ gặp nhiều rắc rối sức khỏe khác nhau.
Tiến sĩ Joseph Doyle, Viện Nghiên cứu Burnet, Melbourne, đồng tác giả nhấn mạnh, COVID-19 nghiêm trọng hơn cúm nhiều vì gây nhiều rối loạn sức khỏe dai dẳng.
Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ thống kê các triệu chứng theo tỉ lệ giảm dần như sau: mệt mỏi 53%; khó thở 43%; đau khớp 27%; đau ngực 22%; nhìn mờ 17%; ho 16%; mất hoặc giảm khứu giác 15%; hội chứng Sjogren (viêm tuyến lệ và nước bọt, gây khô mắt, miệng; kèm viêm một số cơ quan khác và suy giảm miễn dịch) 14%; viêm mũi dị ứng 13%; đỏ mắt và giảm, mất vị giác 10%; đau đầu 9%; chán ăn 8%; đau họng và tổn thương da 7%; chóng mặt và đau mỏi cơ 6%; tiêu chảy 3%.
Tổng các tỉ lệ này trên 92.892.729 ca COVID-19 (tính đến 23/9/2022) ở Mỹ sẽ là con số bệnh nhân hậu COVID-19 khổng lồ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số những rối loạn thực thể, giác quan ở cơ quan, bộ phận, chưa tính đến những rối loạn tâm thần như sương mù não, lo âu, suy giảm chức năng não bao gồm trí nhớ, trầm cảm… và các rối loạn tâm thần, thần kinh khác! Hội chứng COVID-19 kéo dài mắc nhiều hơn ở phụ nữ và nhân viên y tế.
Lo âu sau COVID-19 có các triệu chứng giống với rối loạn lo âu lan tỏa, ám ảnh cưỡng bức, rối loạn stress sau sang chấn và chấn thương thực thể, rối loạn hoảng sợ… Ngoài một vài triệu chứng đặc thù riêng thì các rối loạn này có chung biểu hiện lo sợ.
Một nghiên cứu năm 2021 thấy khoảng 25% bệnh nhân lo âu kéo dài ít nhất 3 tháng sau khỏi COVID-19. Một nghiên cứu khác cùng năm trên 1.200 bệnh nhân thấy lo âu duy trì đến 7 tháng sau khỏi bệnh. Nhưng các nghiên cứu đều thấy triệu chứng lo âu có thể tăng nặng theo thời gian.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chủ yế dẫn đến mất ngủ, lo âu, trầm cảm như sau:
Thứ nhất, tác động trực tiếp của COVID-19 gây tổn thương mô não, vì đã tìm thấy virus ở vùng vỏ não phụ trách vận động (thùy trán não), hồi hải mã (ở thùy thái dương não - có các tế bào thần kinh đặc biệt (tế bào lưới) với vai trò ghi nhớ), hành khứu não - ở đáy não - phụ trách phân biệt mùi.
Thứ hai, khi nhiễm COVID-19, các tế bào bạch cầu viêm và vài loại tế bào không phải bạch cầu tiết Cytokine (một protein không phải là kháng thể, có nhiệm vụ kích hoạt các tế bào miễn dịch tăng mạnh hoạt động) và Chemokine (một trong nhiều siêu chất có hoạt tính hóa học của Cytokine). Nếu bài tiết Cytokine quá mức (bão Cytokine) dẫn đến phản ứng quá mức của hệ thống hệ miễn dịch, sẽ tổn thương các mô cơ thể trong đó có thần kinh do bị hệ miễn dịch tấn công. Mô thần kinh viêm; rối loạn dẫn truyền; tổn thương hàng rào máu não; giảm bài tiết hormone Melatonin (do tuyến tùng - ở não giữa - tiết ra, tác dụng gây buồn ngủ)… gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, trí nhớ và các rối loạn thần kinh - tâm thần khác.
Thứ ba, stress, dịch bệnh và những vấn đề liên quan (đã nói trên). Khi căng thẳng, lo âu, sợ hãi, tủy thượng thận tiết ra nhiều Cortisol (nội tiết tố chống stress), giúp cơ thể sinh nhiều năng lượng, vượt qua sang chấn trong khoảng 24 giờ. Cortisol kích thích hệ Giao cảm (thuộc hệ thống thần kinh thực vật gồm hai hệ Giao cảm và đối Giao cảm) làm nhịp tim nhanh, hồi hộp, tăng huyết áp. Nếu stress kéo dài, nồng độ Cortisol tăng cao hơn sẽ tạo ra nhiều gốc tự do độc hại, gây rối loạn chuyển hóa và nhiều biến loạn khác... Căng thẳng kéo dài tạo ra cảm xúc bất ổn, mất kiên nhẫn, dễ cáu giận, lo lắng, sợ hãi…
Chính phủ một số nước và các nhà khoa học chỉ bắt đầu nghiên cứu hội chứng hậu COVID-19 từ khi dịch bệnh suy yếu. Vì vậy, các nhà khoa học chưa thể đánh giá đầy đủ tác động tiềm tàng của COVID-19 kéo dài.
Mỗi người cần tự nâng cao sức "đề kháng" với mất ngủ, lo âu, trầm cảm… bằng cách chữa bệnh đúng chuyên khoa; có chế độ tập luyện thể chất, ăn uống khoa học; các bài tập thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực, học cách kiểm soát suy nghĩ; thực hiện liệu pháp thư giãn… Nên học theo châm ngôn xưa: "Sông có khúc, người có lúc" để có động lực vượt qua hoạn nạn cuộc đời…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google