Phát hiện 62 triệu chứng hậu COVID-19

PV
19:29 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 62 triệu chứng hậu COVID-19, đặc biệt, lần hai mắc COVID-19, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc các triệu chứng này hơn.

62 triệu chứng hậu COVID-19

Sau khi nhiễm COVID-19, khoảng 10% bệnh nhân mắc các triệu chứng kéo dài, dai dẳng và tái phát sau 4 - 12 tuần. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích bằng các chẩn đoán thay thế.

Những triệu chứng phổ biến nhất gồm mệt mỏi, khó thở, đau khớp, đau đầu, ho, tức ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, mất khứu giác, khó thở là hai triệu chứng phổ biến nhất trong vài tuần, hoặc vài tháng khỏi bệnh. 

Thậm chí, nhiều người còn cho biết, hậu COVID-19, họ bị giảm ham muốn, chán sex.

Theo nghiên cứu với quy mô 2,4 triệu người được công bố trên tạp chí Nature Medicine, vấn đề hậu COVID-19 một lần nữa nhấn mạnh hàng loạt vấn đề mà người khỏi bệnh có thể gặp phải.

Kiểm tra dữ liệu chăm sóc sức khỏe từ ngày 31/1/2020 đến 15/4/ 2021 của 486.149 người trưởng thành có chẩn đoán mắc COVID-19 và 1,9 triệu người không có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu phát hiện những tình nguyện viên này gặp phải 62 triệu chứng liên quan tiền sử mắc COVID-19.

Các triệu chứng phổ biến nhất là mất khứu giác, rụng tóc, hắt xì, khó xuất tinh, giảm ham muốn tình dục, khó thở khi nghỉ ngơi, mệt mỏi, đau ngực, khàn tiếng, sốt.

Nhóm tác giả đã phân loại các triệu chứng này thành ba nhóm chính: 

62 triệu chứng này thường xuyên xuất hiện trong vòng 12 tuần sau khi nhiễm bệnh so với người bình thường.

Đặc biệt, các tác giả phát hiện các triệu chứng hậu Covid-19 rõ ràng hơn ở những người mắc Covid-19 lần hai so với lần đầu. Ví dụ, với triệu chứng ho, sau 12 tuần mắc COVID-19 đầu tiên, nguy cơ mắc cao hơn 28%, nhưng đến lần thứ hai, con số này là 77%.

Về đối tượng mắc hậu COVID-19, nghiên cứu của Đại học Birmingham cho thấy, phụ nữ, thiếu niên, những người da đen, đa chủng tộc hoặc dân tộc khác là những đối tượng mắc hàng đầu. Những người nghèo, người hút thuốc, người bị thừa cân và béo phì cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các triệu chứng của hội chứng COVID-19 kéo dài.

Phân theo độ tuổi, người trên 70 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn 25% so với những người 18-30 tuổi.

Hậu COVID-19 không phải tình trạng đơn lẻ 

Tiến sĩ Shamil Haroon, Phó giáo sư lâm sàng về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Birmingham, Anh, nhận định cơ chế gây hậu COVID-19 vẫn chưa được hiểu rõ. Ông nhấn mạnh: “Hậu COVID-19 không phải tình trạng đơn lẻ mà là một số vấn đề chồng chéo xảy ra sau khi nhiễm nCoV".

Ngược lại, tiến sĩ PJ Utz, giáo sư miễn dịch học và bệnh thấp khớp tại Đại học Stanford, lại khẳng định: "Nhiều cơ chế làm nền tảng cho COVID-19 kéo dài và một phần giải thích cho sự không đồng nhất đáng kinh ngạc. Ví dụ, tình trạng viêm dữ dội trong thời gian bị bệnh ban đầu có thể làm tổn thương mô, dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng lâu dài. Điều này có thể làm cơ sở cho một số phát hiện như thiếu máu và các triệu chứng về phổi”.

Vì điểm này, các nhà nghiên cứu kết luận các triệu chứng khác nhau liên quan COVID-19 có mối quan hệ với nhiều yếu tố nguy cơ lâm sàng và xã hội học.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Haroon cho biết vẫn cần có thêm dữ liệu để có được bức tranh hoàn chỉnh. “Những hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi là chỉ xem xét các triệu chứng đã được báo cáo cho hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, chúng tôi không thể bình luận về mức độ phổ biến tổng thể của các triệu chứng này trong dân số nói chung. Nhiều người gặp phải nhưng họ không báo cáo", ông nói.

Tiến sĩ Utz đồng ý với tiến sĩ Haroon và cho rằng nghiên cứu này sẽ mở ra con đường cho các nghiên cứu trong tương lai. Ông nói: “Một câu hỏi rất quan trọng vẫn chưa được giải quyết. Đó là liệu có quan sát thấy sự gia tăng các bệnh tự miễn hay không. Nếu có, điều này cho thấy nhiễm virus cấp tính nặng có thể trực tiếp gây ra hiện tượng tự miễn dịch hay không".

Tại Việt Nam, riêng về khám cận lâm sàng hậu COVID-19, Bộ Y tế đã lưu ý việc chỉ định các xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng phải tùy theo từng người bệnh, dựa trên các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng ở thời điểm thăm khám và định hướng chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt. Mục tiêu chính là loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác.

Không sử dụng các "gói" xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng áp dụng giống nhau cho mọi bệnh nhân tới khám sau nhiễm COVID-19. Xét nghiệm tiếp theo cho từng bệnh cụ thể tùy theo biểu hiện ở từng chuyên khoa; chẩn đoán phân biệt nguyên nhân của các triệu chứng sau nhiễm COVID-19.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận