Rối loạn lo âu dưới góc nhìn Y học, Triết học và Tâm lý học
Hội thảo trực tuyến "Med Talks 9 – Hội chứng rối loạn lo âu" vừa được tổ chức mới đây bởi Mạng lưới tri thức số MetaMinds, phối hợp với Thương hiệu sách y học MedInsight, Hệ thống Y tế Med247 và Công ty công nghệ eDoctor.
Chương trình có sự tham gia của hai diễn giả gồm: Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng - Phó Trưởng Khoa - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Hoa Sen; Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Huỳnh - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103. Cùng với chuyên gia giàu kinh nghiệm. Dẫn dắt chương trình là Tiến sĩ Đoàn Minh Châu hiện đang là Viện trưởng của Viện đào tạo sau đại học - Đại học Hoa Sen.
Rối loạn lo âu dưới góc nhìn Y học
Bác sĩ Vũ Văn Huỳnh cho biết, rối loạn lo âu lan tỏa được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan đến stress mã F41.1 theo bảng phân loại quốc tế lần thứ 10 (ICD10). Những nét chính của rối loạn lo âu lan toả là người bệnh thường xuyên lo lắng quá mức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Việc lo lắng không khu trú vào một sự kiện hay hoàn cảnh đặc biệt nào như các rối loạn lo âu khác.
Rối loạn lo âu thường gặp ở những người thần kinh yếu, không cân bằng giữa quá trình hưng phấn và ức chế. Rối loạn lo âu thường có yếu tố gia đình, nếu mắc bệnh thì trong gia đình dễ có nhiều người cũng bị mắc căn bệnh này.
Biểu hiện
Thông thường mọi người sẽ lo lắng khi có một công việc nào đó, khi xong thì họ sẽ hết triệu chứng. Nhưng người mắc triệu chứng rối loạn lo âu thường lo lắng những vấn đề không cụ thể, lo lắng kéo dài trong ngày.
Các triệu chứng lo lắng quá mức luôn phối hợp với các triệu chứng cơ thể như bồn chồn, dễ mệt mỏi, run rẩy, căng thẳng, vã mồ hôi, khó vào giấc ngủ. Bệnh nhân không thể tự kiểm soát được lo âu, làm ảnh hưởng đến khả năng lao động, sinh hoạt và các chức năng quan trọng khác.
Người được xác định mắc rối loạn lo âu thường phải có hiện tượng này kéo dài ít nhất 6 tháng, nghỉ ngơi thư giãn cũng không đỡ, hầu như không tự khỏi và bắt buộc phải điều trị. (Lo lắng thông thường không cần phải điều trị vì sự việc qua đi sẽ hết lo lắng). Bệnh thường gặp ở lứa tuổi thanh niên đến trung niên, ít gặp ở trẻ nhỏ và người già (người già thường trầm cảm nhiều hơn).
Nguyên nhân
Nguyên nhân của rối loạn lo âu lan tỏa là do sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, GABA (gamma-aminobutyric acid) và norepinephrine. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể là một sự phối hợp của những quá trình sinh học trong cơ thể, các yếu tố di truyền, môi trường sống, stress và yếu tố nhân cách.
Xét nghiệm
Triệu chứng của rối loạn lo âu giống với triệu chứng của nhiều căn bệnh khác thuộc về đường tiêu hóa, tim mạch... nên bệnh nhân nhiều khi phải mất nhiều thời gian mới tìm đến khoa thần kinh, khiến việc xác định và điều trị bệnh mất nhiều thời gian.
Hiện tại không có xét nghiệm để chẩn đoán xác định rối loạn lo âu lan tỏa. Việc khám hoàn toàn dựa vào khám lâm sàng, bác sĩ nghe bệnh nhân kể bệnh và xem xét khí sắc của bệnh nhân.
Xét nghiệm chỉ có giá trị hỗ trợ chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt. Trong trường hợp để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thực tổn cần làm:
- Xét nghiệm tìm chất ma tuý trong nước tiểu
- Xét nghiệm hocmon tuyến giáp
- Điện não đồ
- Chụp CT scan, MRI sọ não
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
1. Lo lắng quá mức không thể kiểm soát chiếm phần lớn thời gian trong ngày, diễn ra hàng ngày.
2. Lo lắng kết hợp với ít nhất bốn triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật bao gồm triệu chứng trên tim mạch (hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực...), tiêu hóa (khô miệng, buồn nôn, cảm giác nghẹn ở cổ), hô hấp (khó thở, cảm giác nghẹt thở), thần kinh (chóng mặt, chếnh choáng, căng cơ, bồn chồn).
3. Bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.
4. Các tiêu chuẩn loại trừ: không do một bệnh thực tổn, như cường giáp hoặc rối loạn liên quan đến chất tác động tâm thần như các chất nhóm amphetamine, hoặc hội chứng cai các thuốc benzodiazepin.
Chẩn đoán phân biệt
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn lo âu do một bệnh cơ thể
- Rối loạn lo âu do một chất
- Rối loạn trầm cảm
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Điều trị rối loạn lo âu
Sử dụng các dược chất bổ sung chất trung gian hóa học trong não hoặc làm cho các chất này trở nên cân bằng hơn. Khoa học hiện nay vẫn chưa biết được tại sao lại xảy ra hiện tượng thiếu hoặc rối loạn các chất trung gian này, nên điều trị rối loạn lo âu có thời gian uống thuốc rất dài, tối thiểu là 3 năm, có nhiều trường hợp bệnh nhân phải uống thuốc gần như cả đời.
Bác sĩ Vũ Văn Huỳnh nhấn mạnh: Điều trị rối loạn lo âu thường được kết hợp giữa thuốc và tâm lý liệu pháp. Tâm lý liệu pháp thì có liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu thế hệ mới có hiệu quả tốt, ít có tác dụng phụ; nhưng việc kê đơn sử dụng nhất định phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Người có dấu hiện bị rối loạn lo âu cần phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế lớn, uy tín có chuyên qua thần kinh để được thăm khám, điều trị phù hợp; tránh trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn của người bán thuốc gây ra tình trạng bệnh ngày càng năng hay lệ thuộc thuốc.
Rối loạn lo âu dưới góc nhìn Triết học và Tâm lý học
Với cương vị là một Tiến sĩ về triết học và tâm lý học, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cho rằng vấn đề rối loạn lo âu của con người nên được nhìn nhận từ nhiều góc độ: xã hội, tâm lý cá nhân, văn hóa. Tâm lý cá nhân rất phức tạp. Cùng trong một hoàn cảnh có những người không thấy có vấn đề gì hết, nhưng có những người thì lo lắng dai dẳng. Lại có những người dù có cuộc sống vẫn đầy đủ, nhưng vẫn thường xuyên lo lắng.
Ngoài ra cần quan tâm đến khía cạnh cấu trúc tâm lý của cá nhân đó. Ví dụ cá nhân đó hồi nhỏ sống trong hoàn cảnh cùng cực, khi lớn lên dù cuộc sống được cải thiện, có tiền rồi thì nhiều người vẫn không thoát khỏi được lo lắng, không an tâm tận hưởng cuộc sống.
Khía cạnh văn hóa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của con người. Ví dụ như người dân vùng Okinawa Nhật Bản với triết lý sống Ikigai có rất nhiều người sống hạnh phúc, sống rất thọ lên đến hơn 100 tuổi. Quan điểm sống của họ rất đơn giản: Dù không ai giàu có nhưng họ cũng không lo lắng gì, hàng ngày họ trồng trọt, ra biển đánh cá, ăn đồ tươi, tập thể dục.
Tâm lý so sánh cạnh tranh không có, nên ở những nơi này hầu như người dân không mắc các bệnh tâm thần. Thực tế nghiên cứu cho thấy, hội chứng lo lắng chỉ xuất hiện ở những quốc gia phát triển, người dân sống trong môi trường đô thị, chật hẹp, mức độ cạnh tranh khốc liệt như Hàn Quốc, Nhật bản, Mỹ…
Việc so sánh với những người xung quanh, không hài lòng với cuộc sống của bản thân, ép buộc bản thân cố gắng cạnh tranh để bằng những người khác… là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra bệnh tâm thần. Nếu so sánh quá mức, sẽ thấy cuộc đời, xã hội bất công của mình, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề về tinh thần.
Người bị rối loạn lo âu thường nhận thấy mình sống trong môi trường thù địch không thân thiện (ví dụ từ nông thôn lên thành phố), thấy tương lai không chắc chắn (không có tiền, bằng cấp, địa vị để kiểm soát hoàn cảnh); hoặc có thể bắt nguồn từ những niềm tin hay giả định sai lầm về bản chất của cuộc sống. Ví dụ một người nghĩ hạnh phúc là phải kiếm được thật nhiều tiền thì người đó sẽ không bao giờ hết lo lắng được, vì kiếm được 1 tỷ sẽ muốn 10 tỷ, 10 tỷ sẽ muốn 100 tỷ…
Do ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn hay những bộ phim Hàn Quốc, nhiều người có nhận thức không thực tế, nếu không muốn nói là méo mó về cuộc sống: Rằng cuộc sống là hoàn hảo. Vì vậy khi gặp những vấn đề bình thường trong cuộc sống như tranh cãi trong gia đình, mâu thuẫn giữa con cái, vợ chồng… họ so sánh và thất vọng với cuộc sống của mình, trở nên lo lắng kéo dài, luôn chạy đi tìm kiếm các giải pháp từ chỗ này hay chỗ khác.
Những người hay lo lắng buồn rầu về gia đình trong nhận thức có 2 vấn đề.
Thứ nhất họ cho rằng vấn đề này có thể giải quyết được nếu họ biết một kỹ năng nào đó, hoặc nhà tâm lý có thể có đưa ra lời khuyên tốt giúp họ né tránh được vấn đề này. Thứ hai.họ cho rằng có một cuộc sống hoàn hảo đang chờ đợi họ, nhưng họ chưa biết ở đâu, Để tìm kiếm, người thì tìm đến tôn giáo, người thì tìm đến bác sĩ tâm lý, sách vở… để tìm đến cuộc sống hoàn hảo.
Nhưng cả hai quan điểm này đều sai lầm. Vì chưa có triết gia hay lãnh tụ tôn giáo hay triết gia nào nói cuộc sống hoàn hảo. Thiên chúa giáo nói rằng: Cuộc sống là thung lũng của khổ đau, Phật giáo nói rằng: Đời là bể khổ.
Vì vậy để giải quyết được vấn đề này mỗi người cần phải trưởng thành lên, đừng để bản thân bị lạc lối trong một cuộc sống hoang tưởng nào đó, hiểu được rằng bản chất cuộc sống là vậy, dũng cảm đương đầu, giải quyết những bất ổn trong cuộc sống với một tâm hồn trong sáng và biết rằng mọi thứ đều là giải pháp tạm thời.
Hiện nay, giới chuyên môn vẫn có nhiều tranh luận liên quan quan điểm: Sức khỏe tinh thần dẫn tới ảnh hưởng về sức khỏe sinh lý hay ngược lại. Tuy nhiên có thể khẳng định sức khỏe tinh thần và sức khỏe sinh lý/ thể chất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; và để giải quyết các vấn đề liên quan rối loạn lo âu cũng như các vấn đề khác liên quan sức khỏe tinh thần nói chung, mỗi người cần lưu ý đến lối sống hàng ngày cũng như trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn về cuộc sống, triết lý sống.
Thực tế đã chứng mình, có hàng triệu người nhờ thay đổi nhận thức đã thay đổi cuộc đời của mình. Người có dấu hiện bị rối loạn lo âu cần phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế lớn, uy tín có chuyên qua thần kinh để được thăm khám, điều trị phù hợp; tránh trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo chỉ dẫn của người bán thuốc, gây ra tình trạng bệnh ngày càng năng hay lệ thuộc thuốc.
Trong khuôn khổ của chương trình, các diễn giả cũng đã giới thiệu với độc giả một số đầu sách giúp độc giả được trang bị những kiến thức hữu ích về sức khỏe tinh thần, trong đó có cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" của tác giả kiêm nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng nước Mỹ Lori Gottlieb.
Cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" kể lại câu chuyện bất ổn tâm lý và hành trình trị liệu của chính tác giả cũng như một số bệnh nhân khác... Những sang chấn tâm lý, bất ổn trong sức khỏe tâm thần, trầm cảm… khiến nhiều bệnh nhân thậm chí quyết định tìm đến cái chết để được giải thoát… đang là những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội hiện nay, kể cả ở các nước tiên tiến cũng như các nước đang phát triển như Việt Nam. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong ba năm qua, khi dịch bệnh COVID khiến nhiều cá nhân, gia đình phải hạn chế giao tiếp xã hội để bảo vệ sức khỏe.
Cuốn sách cho thấy, những bất ổn về tâm lý, sức khỏe tinh thần là căn bệnh làm bào mòn cuộc sống của mỗi người. Khi ở trong tình trạng này, người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ của các nhà trị liệu, gặp các bác sĩ tâm lý để có thể được can thiệp, hỗ trợ, cải thiện sớm tình trạng sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của mình.
Lời khuyên của nhà trị liệu tâm lý Mỹ Lori Gottlieb là hãy thành thật với bác sĩ tâm lý/nhà trị liệu của mình. Càng thành thật thì bác sĩ càng nhanh tìm ra căn nguyên và có thể hướng dẫn bệnh nhân nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bất ổn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google