Trầm cảm ở tuổi trưởng thành và sự chữa lành dưới góc độ tâm lý học
Tối thứ năm (4/8) vừa qua, hội thảo trực tuyến Med Talks với chủ đề "Trầm cảm ở tuổi trưởng thành và sự chữa lành dưới góc độ tâm lý học" đã được tổ chức bởi Mạng lưới tri thức số MetaMinds, phối hợp với thương hiệu sách y học MedInsight, Hệ thống Y tế Med247
Đồng hành cùng Med Talks là 2 vị diễn giả, gồm: Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt - Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thạc sĩ Đỗ Minh Trang - Chuyên gia tâm lý, Chuyên khoa tâm lý tâm thần nhi, Hệ thống Med247 Clinic. Dẫn dắt chương trình là Tiến sĩ Đoàn Minh Châu - Viện Trưởng Viện Đào tạo Sau Đại học, Đại học Hoa Sen.
Thực trạng bệnh trầm cảm ở tuổi trưởng thành
Thạc sĩ Đỗ Minh Trang đã cung cấp cho khán giả những dữ liệu thực tế liên quan đến thực trạng bệnh trầm cảm ở người trưởng thành hiện nay.
Theo Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai năm 2021, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta cũng có con số đáng báo động, từ 36.000 - 40.000 người.
Theo Thạc sĩ Minh Trang, dựa trên các số liệu khoa học sẵn có hiện nay, nữ giới có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới. Một trong những loại trầm cảm thường gặp nhất ở chị em phụ nữ, nhất là chị em sau thời kỳ thai sản, đó là trầm cảm sau sinh. Một số nguyên nhân phổ biến của bệnh lý này có thể kể đến, như: Bắt nguồn từ yếu tố sinh học - chất dẫn truyền thần kinh, hormon/nội tiết; Yếu tố về Gen; Yếu tố tâm lý xã hội; hoặc có thể do ảnh hưởng từ các chất kích thích.
Lý giải việc tỷ lệ trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, Thạc sĩ Minh Trang chia sẻ rằng, quan điểm của chị với vấn đề này đến từ sự tổng hòa nhiều yếu tố, từ kinh tế, văn hóa, sức khỏe, hay cả từ gia đình. Trong đó, một biến cố với toàn xã hội là dịch bệnh cũng góp phần ảnh hưởng đến các yếu tố thành phần của tổng thể.
Thạc sĩ Minh Trang cũng phát biểu về mối quan hệ của truyền thông và trầm cảm. Truyền thông có tính hai mặt và bộc lộ rất rõ ràng, việc bày tỏ quan điểm tích cực hay tiêu cực khi đưa tin/ đọc tin/ bình luận/ bày tỏ quan điểm về vấn đề trầm cảm trên các nền tảng truyền thông sẽ quyết định ảnh hưởng của thông tin đó với những người trầm cảm. Trên thực tế, không thể phủ nhận truyền thông cũng có vai trò rất mạnh mẽ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và mỗi chúng ta, cần biết tận dụng việc lan tỏa thông tin để góp phần hỗ trợ những giá trị tích cực cho người bệnh.
Chữa lành trầm cảm ở tuổi trưởng thành
Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt đã bổ sung thêm những thông tin được công chúng đặc biệt quan tâm về vấn đề trầm cảm hiện nay, trong đó nhấn mạnh tới quá trình chữa lành trầm cảm.
Theo Tiến sĩ Bá Đạt, xuất phát từ nền văn hóa phương Đông với đặc tính tương trợ, đa số mọi người khi xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm đều sẽ tìm tới sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Chỉ có nhóm đối tượng thiểu số, hoặc khi bệnh đã trở nặng, mới tìm tới sự giúp đỡ của các bác sĩ, chuyên gia y tế, nhà tham vấn tâm lý.
Ở tuổi trưởng thành, trầm cảm được phân ra thành 2 nhóm phổ biến chính, bao gồm trầm cảm điển hình hoặc lưỡng cực; và trầm cảm từ hậu quả của rối loạn khác. Cụ thể, trầm cảm điển hình hoặc lưỡng cực có các bệnh lý cụ thể mà nhiều người đã quen tên như trầm cảm điển hình, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh. Còn với loại còn lại, trầm cảm là hậu quả của rối loạn khác, có thể bắt nguồn từ bị tổn thương tâm lý, mắc bệnh hiểm nghèo, do stress mãn tính hay cũng có thể là triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới.
Về vấn đề chữa lành, Tiến sĩ Bá Đạt bày tỏ những góc nhìn đa chiều. Theo ông, chữa lành có thể nhìn nhận từ việc cá nhân từ mình vượt qua trầm cảm (tự chữa lành), hoặc nhìn theo sự thành công của quá trình trị liệu tâm lý.
Tự chữa lành là một quá trình biến đổi bên trong của mỗi cá nhân, mà ở đó họ tự thay đổi nhận thức, cảm xúc, hành vi thông qua các hoạt động, mở rộng tâm trí, cởi mở và chấp nhận, tha thứ, yêu thương bản thân và người khác. Với quá trình trị liệu, sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp cá nhân thay đổi để chữa lành cho bản thân mình. Quá trình này phụ thuộc vào triết lý, kinh nghiệm và quy trình tham vấn – trị liệu của các nhà chuyên môn.
Một vị khán giả của chương trình bày tỏ rằng, mình là một người đã có thể tự chữa lành: "Em đã từng xem phim Joker (2019) và em rất đồng cảm với nhân vật chính trong phim trong việc điều trị tâm lý, và chính sự đồng cảm đó đã góp phần giúp em tự vượt qua căn bệnh trầm cảm".
Một vấn đề nữa cũng được rất nhiều khán giả đề nghị Tiến sĩ Bá Đạt chia sẻ, đó là về trầm cảm trong LGBT - tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender). Đây là nhóm cộng đồng đặc biệt, thường bị phân biệt đối xử bởi xã hội, mặt khác cũng thường có hành vi tự kỳ thị bản thân, và trầm cảm chính là hậu quả của các quá trình trên.
Với việc trị liệu cho nhóm cộng đồng này, Tiến sĩ Bá Đạt chia sẻ, nhiều thành viên LGBT mất niềm tin trong mối quan hệ xã hội nên họ rất thận trọng và khó tin tưởng nhà trị liệu, từ đó họ bỏ liệu trình rất là cao. Có thể nói rằng đây là cộng đồng rất cần được quan tâm về sức khỏe tinh thần.
Giải đáp cho nhiều khán giả có tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt chia sẻ một số dấu hiệu khi gặp vấn đề tâm lý cần chú ý đến như những dấu hiệu cảm xúc bất thường, sự xuất hiện những suy nghĩ và lời nói tiêu cực, thậm chí cả những điều đến trong giấc mơ. Giấc mơ là triệu chứng về mặt lâm sàng, phản ánh sự xung đột nội tâm, trăn trở của cá nhân về cuộc sống hiện thực.
Lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt và Thạc sĩ Đỗ Minh Trang là hãy tìm gặp chuyên gia khi có những triệu chứng, để có hướng điều trị sớm và đúng nhất. Hai vị diễn giả hy vọng rằng những thông tin của chương trình sẽ giúp ích cho những bệnh nhân trong quá trình vượt qua khó khăn về sức khỏe tinh thần.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google