Cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu”
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ trầm cảm và lo lắng tăng 1/4.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17/6 kêu gọi tất cả các nước đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe tâm thần của người dân, nhấn mạnh rằng vấn đề này ngày càng trầm trọng do đại dịch COVID-19.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).
Nguồn: TTXVN
Trong "Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới" (WMHR) - Báo cáo rà soát vấn đề sức khỏe tâm thần quy mô lớn nhất trong hai thập kỷ qua của WHO, cơ quan này nêu rõ: Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trên thế giới đã có gần 1 tỉ người có rối loạn về tinh thần.
Phát biểu tại buổi công bố "Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe tinh thần và thể chất. Ông nói: "Đại dịch đã gây ra một thiệt hại lớn về sức khỏe tâm thần - một thiệt hại mà chúng ta chưa hiểu hết".
Thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới một số nhóm dễ bị tổn thương, như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân, làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, làm việc online, thất nghiệp tạm thời, học tập của học sinh bị gián đoạn, phải học online, thiếu tiếp xúc với người thân, bạn bè… đã gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của mọi người.
Báo cáo WMHR kêu gọi ba chuyển đổi cơ bản:
Đầu tiên, làm sâu sắc hơn giá trị và cam kết dành cho sức khỏe tinh thần.
Thứ hai, để định hình lại các môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Thứ ba, phát triển và củng cố các dịch vụ sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.
Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ trầm cảm và lo lắng tăng 1/4.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng người có vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng tử vong sớm hơn trung bình 10-20 năm so với dân số nói chung, chủ yếu do các bệnh thể chất có thể ngăn ngừa được.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhóm người vấn đề sức khỏe tâm thần có nguy cơ bị lạm dụng về thể chất và tinh thần, không được đi học và làm việc… Thiệt hại tài chính cũng cực kỳ lớn. Đơn cử, chỉ trầm cảm và lo lắng ước tính khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD/năm.
Theo báo cáo, chỉ 2% ngân sách y tế quốc gia và chưa đến 1% viện trợ y tế quốc tế dành cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Ông Mark Van Ommeren - chuyên gia lĩnh vực sức khỏe tâm thần của WHO, nhấn mạnh mức chi này là "rất, rất thấp". Ông nêu rõ: "Mối quan tâm đến sức khỏe tâm thần hiện ở mức cao nhất từ trước tới nay do đại dịch, nhưng đầu tư cho lĩnh vực này chưa tăng". Theo ông, báo cáo của WHO cung cấp cho các quốc gia thông tin về cách đầu tư tốt hơn cho sức khỏe tâm thần.
Báo cáo của WHO cho biết, trên thế giới cứ tám người thì có một người có những rối loạn về tinh thần. Con số này ở các vùng có xung đột còn cao hơn: Ước tính cứ năm người thì có một người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần. Giới trẻ, phụ nữ và người đã từng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần chịu tác động nặng nề hơn của dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch lây lan.
Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới của WHO cũng đề cập khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia về khả năng của người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong khi hơn 70% người gặp vấn đề về tâm thần ở các nước có thu nhập cao được điều trị, tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ ở mức 12%.
WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân. Khẳng định rằng, sức khỏe tâm thần tốt sẽ dẫn đến sức khỏe thể chất tốt, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Đầu tư vào sức khỏe tâm thần chính là đầu tư cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google