Phương pháp giáo dục Montessori: Kỷ luật tích cực và tôn trọng sự khác biệt

Ngọc Minh
17:09 - 23/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Montessori là một phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trẻ được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.

montessori

Theo triết lý Montessori, trẻ tiếp thu tốt hơn khi được lựa chọn học những gì mà chúng thích. Ảnh: Wisdomnest

Phương pháp giáo dục Montessori tôn trọng những đặc tính riêng biệt của trẻ

Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Italy Maria Montessori (1870-1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác, hiện đang được sử dụng ở nhiều trường công lập và tư thục trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

Phương pháp Montessori là một hình thức giáo dục sớm, độc đáo, tôn trọng cá tính riêng biệt và sự tự lập của mỗi trẻ. 

Chương trình Montessori chia sự phát triển của trẻ thành 4 giai đoạn: từ khi sinh ra đến 6 tuổi, từ 6 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi, và từ 18 đến 24 tuổi. Mỗi giai đoạn có đặc trưng riêng và sử dụng phương pháp giáo dục khác nhau. Trong đó, 0-6 tuổi là giai đoạn trẻ trải qua quá trình phát triển tâm sinh lý quan trọng nhất.

Có 5 lĩnh vực học tập chính trong môi trường Montessori. Mỗi lĩnh vực giúp trẻ học hỏi và phát triển thông qua các trải nghiệm thực tế, gồm: Thực tiễn cuộc sống, phát triển giác quan, phát triển ngôn ngữ, toán học và văn hóa.

Kỷ luật tích cực trong Montessori

Trong phương pháp giáo dục Montessori, kỷ luật mang ý nghĩa tích cực và làm việc có chủ đích.

Theo đó, một người có kỷ luật là một người làm chủ được những hành vi của mình và người đó phải tuân thủ các quy tắc trong cuộc sống từ chính mong muốn của người đó. Mục đích của kỷ luật trong Montessori không phải là vâng lời mà là sự tự kỷ luật.

Để có được sự tự kỷ luật này, một môi trường được chuẩn bị cho trẻ là yếu tố thiết yếu. Trong lớp học Montessori, trẻ được tự do di chuyển, tự do làm việc và tự do giao tiếp. Và điều quan trọng nhất là thiết lập giới hạn, nguyên tắc cho những tự do đó và người lớn phải làm mẫu cho những giới hạn này.

Ví dụ, trẻ tự do làm việc với học cụ trẻ thích nhưng giới hạn trong thảm làm việc của riêng trẻ, không để học cụ ra sàn. Trẻ có quyền đi lại trong lớp học nhưng phải đi một cách nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khi trẻ tự nhận ra kỷ luật thì trẻ sẽ chủ động tuân thủ nó một cách tự nguyện chứ không phải là tuân thủ vì sợ hãi hay làm theo yêu cầu của người lớn.

montessori

Trẻ học tập trong môi trường Montessori luôn được kích thích sự tự tin và tự do sáng tạo. Ảnh: Pinnacle Montessori

Đặc trưng và lợi ích của phương pháp Montessori

Về bản chất, Montessori nhấn mạnh việc khám phá và học tập là do trẻ dẫn dắt thông qua các giáo cụ trực quan.

Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.

Những đặc trưng của phương pháp học Montessori gồm:

Lớp học bao gồm trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau: Điều này tạo cho trẻ có nhiều cơ hội học tập từ những bạn khác, bên cạnh việc học từ trải nghiệm bản thân.

Những học sinh nhỏ hơn quan sát bạn lớn làm mẫu, tham gia hoạt động học tập, tương tác với giáo viên và bạn bè, cách chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác… từ đó biết cách thực hiện.

Ngược lại, những trẻ lớn có cơ hội giúp đỡ, hướng dẫn các em bé hơn và thực hành kỹ năng lãnh đạo.

Montessori

Lớp học Montessori giống như một phòng học - chơi - hội thảo khổng lồ. Trong lớp học, có nhiều giáo cụ được thiết kế để kích thích các giác quan của trẻ. Ảnh: Pinnacle Montessori

Đề cao trách nhiệm, kỷ luật và tính tự giác: Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được học cách làm việc trong khuôn khổ của lớp học và biết tự chịu trách nhiệm với việc mình làm hoặc giúp đỡ những bạn gặp khó khăn.

Mặt khác, đóng vai trò là trung tâm, nên trẻ bắt buộc phải rèn cho mình ý thức tự giác và biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.

Giảng dạy theo tốc độ tiếp thu của trẻ: Không có giáo án theo phương pháp Montessori chung cho tất cả mọi học sinh. Mỗi trẻ là cá thể độc lập, chúng được tự do khám phá, phát triển theo tốc độ, sở trường/sở thích riêng. Nhờ đó, trẻ có thể phát huy được hết khả năng của mình.

Chú trọng vào các hoạt động: Phương pháp Montessori luôn chú trọng xây dựng kỹ càng các hoạt động học tập. Trẻ có quyền được lựa chọn hoạt động phù hợp với mình. Sau đó, chúng có thời gian để hoàn thành hoạt động và trả lại kết quả khi kết thúc lớp học.

Giáo viên và cha mẹ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ: Thay vì đứng trước lớp giảng bài, các giáo viên Montessori chỉ hướng dẫn, hỗ trợ học sinh và thiết kế các hoạt động học tập. Trong khi đó, phụ huynh được coi là các đối tác, có thể tham gia vào các hoạt động học tập của trẻ, quan sát và tương tác cùng con.

Tôn trọng lẫn nhau: Trẻ em trong môi trường Montessori được học cách tôn trọng thầy cô và bạn bè để cùng hỗ trợ nhau khám phá, học tập. Do vậy, trẻ được tôn trọng và cũng tôn trọng mọi người.

Mục đích của giáo dục là kiến tạo cho trẻ nền tảng vững chắc để bước vào cuộc sống tương lai.
Phương pháp giáo dục Montessori: Kỷ luật tích cực và tôn trọng sự khác biệt- Ảnh 4.Bác sĩ, Tiến sĩ y khoa, nhà giáo dục Maria Montessori

Với những đặc trưng trên, có thể thấy Montessori là một phương pháp giáo dục hiện đại, ưu việt và rất tiềm năng, giúp trẻ hình thành, xây dựng khả năng suy nghĩ, hành xử độc lập và tin vào khả năng của chính mình. Trẻ được "chơi mà học" từ cách thực hiện công việc cá nhân hàng ngày, đến những kiến thức, kỹ năng xã hội.

Trẻ học theo chương trình Montessori cũng thường kết nối, tương tác tốt hơn với các bạn cùng trang lứa, biết tôn trọng sự khác biệt. Trẻ cũng được giáo dục về tính nhân văn rất sớm nên hình thành được tính cách hiền hòa, nhân ái, tự chủ.

Bên cạnh đó, khi trẻ được tạo không gian để học theo nhịp độ riêng và theo cách riêng của mình, chúng sẽ thích thú với việc học tập. Phương pháp Montessori giúp trẻ phát triển niềm yêu thích học tập suốt đời và nuôi dưỡng sự tò mò về thế giới xung quanh.

Nhược điểm của phương pháp Montessori

Mặc dù Montessori là phương pháp giáo dục khoa học, hiện đại đã được các chuyên gia chứng nhận những tính ưu việt tuyệt vời so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên phương pháp này vẫn tồn tại những nhược điểm nhất định.

Chi phí cao: Phương pháp Montessori yêu cầu nhiều tài liệu và giáo cụ học tập. Mặt khác, cũng cần các chuyên gia đào tạo lâu dài và chuyên sâu về cách sử dụng học liệu sao cho hiệu quả. Đó là lý do tại sao hầu hết các chương trình Montessori được thực hiện đúng chuẩn đều tốn kém, dẫn tới học phí học cao.

Không phù hợp với tất cả trẻ em: Nếu trẻ nhút nhát có thể khó theo học được chương trình Montessori, cảm thấy “bị bỏ rơi”, khó hòa nhập hoặc nảy sinh tâm lý tự ti. Một số trẻ có xu hướng thích những việc quen thuộc với quy trình cụ thể cũng có thể không phù hợp với lớp học Montessori.

Không phải giáo viên nào cũng thực hiện đúng vai trò: Mặc dù là người hỗ trợ, hướng dẫn và định hướng cho học sinh, thế nhưng một số giáo viên Montessori hiểu sai đặc trưng của phương pháp, để trẻ tự do làm bất cứ những gì chúng muốn. Ngoài ra, cũng có một số giáo viên chưa được đào tạo bài bản theo phương pháp này.

Tất cả những điều này có thể tạo ra lỗ hổng trong giáo dục. Khiến cho một số trường mầm non không thực sự hiệu quả trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy Montessori.

Độc lập mọi lúc không phải là điều tốt: Dạy học theo phương pháp Montessori đề cao sự độc lập và tự chủ trong công việc. Thế nhưng lớn lên con có thể trở thành một người quá cứng nhắc hoặc quá đề cao bản thân. Đây không phải là điều tốt.

Tính cách này khiến con khó hòa nhập và khó kết nối với mọi người trong môi trường làm việc. Hơn nữa, chúng có thể sẽ thấy mình hơn người khác, hình thành thái độ tự cao.

Nhìn chung, phương pháp giáo dục nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế riêng. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu thông tin, cân nhắc kỹ càng để có thể lựa chọn được phương pháp giáo dục phù hợp cho con, giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng của bản thân.

Bình luận của bạn

Bình luận