Mô hình "lớp học đảo ngược" trong giảng dạy Tiếng Anh

Nguyễn Thị Hoài Ly
10:45 - 23/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy tiếng Anh phù hợp với thời lượng lên lớp không nhiều của môn học này. Kết quả cho thấy sinh viên rất hào hứng học bài và tìm hiểu ở nhà, lớp học trở nên sôi nổi với phần thảo luận, sự vận dụng lý thuyết vào thực tế.

Mô hình "lớp học đảo ngược" trong giảng dạy Tiếng Anh- Ảnh 1.

Mô hình lớp học đảo ngược là một phương thức dạy học theo nhiều mô hình kết hợp.

Sau khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục, nhiều phương pháp dạy học đã được cải tiến góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong dạy học ngoại ngữ như phương pháp dạy học giao nhiệm vụ, phương pháp học tập tích cực, mô hình lớp học đảo ngược, dạy học dự án…

Hiện nay, các chuyên gia và các nhà giáo dục rất quan tâm và tích cực hưởng ứng tham gia việc nghiên cứu đổi mới hoạt động dạy học nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này ở các nhà trường. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì việc dạy học kết hợp sử dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy quá trình học tập bên ngoài lớp học là một xu thế đã và đang ngày càng phổ biến trong giáo dục trên thế giới, đặc biệt là ở bậc đại học. 

Tuy nhiên, trong thực tiễn giảng dạy, phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm. Kết hợp linh hoạt các phương pháp để khắc phục nhược điểm và phát huy những ưu điểm sẽ giúp các giảng viên giảng dạy môn ngoại ngữ tốt hơn.

Mô hình "lớp học đảo ngược" là gì?

Lớp học đảo ngược (Flipped classroom) là một phương pháp đào tạo mới trong đó nội dung học tập được cung cấp cho người học học tập trước khi vào lớp. Sau nhiều nghiên cứu, mô hình "lớp học đảo ngược" có thể hiểu như sau:

Lớp học đảo ngược là tất cả các hoạt động dạy học được thực hiện "đảo ngược" so với thông thường. Sự "đảo ngược" ở đây được hiểu là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học.

Mô hình lớp học đảo ngược là một phương thức dạy học theo mô hình kết hợp. Mô hình này đã khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ thông tin và góp phần giải quyết được những hạn chế của mô hình dạy học truyền thống bằng cách "đảo ngược" quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống".

Từ những quan niệm trên, có thể khẳng định: Lớp học đảo ngược là phương pháp dạy học theo mô hình kết hợp, "đảo ngược" quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Trong phương pháp này, sự "đảo ngược" là sự thay đổi chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với mô hình giảng dạy truyền thống.

Như vậy, trong mô hình lớp học đảo ngược, các hoạt động "Học ở lớp, làm bài tập ở nhà" (trong mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành các hoạt động tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua Internet và khi đến lớp người học sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do giảng viên đặt ra. 

Người học sẽ phải nghiên cứu bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như các clip, bản trình chiếu, các video clip đồng thời tìm kiếm, khai thác các tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu bài học.

Bài giảng của giảng viên được gửi trước cho sinh viên và trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động định hướng giảng viên, nghe các người học báo cáo, trao đổi, chia sẻ phần chuẩn bị của mình trước khi giảng viên củng cố và chính thức chốt lại các nội dung của bài học. 

Điều này rất phù hợp với yêu cầu tổ chức dạy học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở đại học. Khi so sánh giữa hai mô hình, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản trong việc tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học giữa mô hình lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống.

Mô hình lớp học đảo ngược và sự phát triển tư duy của người học

Mô hình lớp học đảo ngược được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết về học tập tích cực (active learning). Đây là cách tiếp cận trong dạy học theo hướng để người học chủ động khám phá, tiếp cận kiến thức thông qua quá trình tương tác. Phương thức dạy học này sẽ tạo ra môi trường để khuyến khích tính tự chủ của người học trong học tập vì họ có thể tìm hiểu trước các kiến thức cần thiết chuẩn bị cho các tiết học cũng như họ có thể tìm tòi trước các vấn đề liên quan thay vì họ bị động chờ đợi sự truyền đạt kiến thức của giảng viên trên lớp. thực hiện mô hình lớp học đảo ngược sẽ góp phần rèn luyện và phát triển nhận thức cho sinh viên.

Những ưu điểm của mô hình lớp học đảo ngược

Mô hình lớp học đảo ngược là phương thức tổ chức dạy học đã và đang chứng tỏ sự phù hợp, có nhiều ưu thế trong tổ chức dạy học ở các nhà trường hiện nay. Phương thức tổ chức dạy học có một số ưu điểm này là:

Với người học:

Mô hình dạy học này phù hợp với sự phát triển tư duy của người học.

Tạo điều kiện giúp người học chủ động trong học tập.

Thời gian học tập tại nhà và trên lớp học được sử dụng hiệu quả.

Năng lực phát hiện được nâng cao.

Kỹ năng giải quyết vấn đề và rèn luyện các kỹ năng cho người học (kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, thuyết trình, đọc, nghiên cứu tài liệu...).

Với giảng viên:

Thế mạnh của mô hình được khai thác để tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả.

Thời gian giao tiếp, làm việc với người học tăng (không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học).

Hệ thống bài giảng, học liệu dùng cho giảng dạy được sử dụng, khai thác khoa học, hiệu quả hơn, có thể sử dụng học liệu dùng chung, học liệu mở cho các môn học.

Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy Tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Mô hình lớp học đảo ngược được ứng dụng dựa trên khoa học của thang BLOOM sáu bậc: nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Trong lớp học truyền thống, giảng viên chỉ mới hướng dẫn sinh viên tiếp cận kiến thức ở ba bậc đầu tiên: ghi nhớ, hiểu, áp dụng do thời gian trên lớp hạn chế. Ba bậc sau sinh viên phải tự luyện tập thực hành ở nhà. Điều này sẽ là một thử thách cho người học. 

Trong lớp học đảo ngược, ba bậc đầu tiên sinh viên sẽ tự học ở nhà, trên lớp giảng viên và sinh viên sẽ thảo luận, luyện tập để hình thành ba bậc tiếp cận tri thức sau: phân tích, đánh giá, sáng tạo.

Công tác chuẩn bị của giảng viên

Thiết kế không gian tương tác với người học trên Canvas, Googe Drive, Zalo nhóm lớp, quan sát, kiểm tra, khuyến khích, hỗ trợ người học kịp thời.

Giảng viên phải chuẩn bị các bài giảng online, link tài liệu, hệ thống phiếu học tập… và chia sẻ cho sinh viên trước khi các em đến lớp.

Chuẩn bị nhiều tài liệu học tập để sinh viên học tập từ slide bài giảng, bài giảng tóm tắt, thực hiện các video bài giảng, các website, học liệu điện tử.

Thiết lập các kênh trao đổi liên lạc để chuyển giao bài giảng, tương tác, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên.

Giảng viên cần nhiều thời gian hơn cho việc trau chuốt các hoạt động giảng dạy trực tiếp. Thiết kế bài học phù hợp với phương pháp mô hình lớp học đảo ngược, cụ thể hóa từng hoạt động của giảng viên, sinh viên và thời gian cho các hoạt động đó.

Giảng viên cần hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ người hướng dẫn, chứ không phải là trung tâm của lớp học. Trong giờ học, giảng viên là người tổ chức, dẫn dắt sinh viên trao đổi thảo luận, phản biện, thuyết trình; phân tích các sản phẩm học tập của các em để nhận xét, đánh giá mức độ học tập của sinh viên; khuyến khích các em sáng tạo thể hiện ý kiến cá nhân của mình, tôn trọng ý kiến của bạn.

Trên lớp giảng viên phải thể hiểu rõ hơn về vấn đề sinh viên đang gặp phải và dành nhiều thời gian giúp sinh viên thực hành, tương tác và trải nghiệm, rèn luyện cho sinh viên kĩ năng hợp tác, kĩ năng thuyết trình.

Giảng viên cần nâng cao trình độ trong việc sử dụng công nghệ hoặc quản lý hệ thống dữ liệu học tập và hoạt động của sinh viên trên hệ thống.

Thường xuyên phân loại năng lực người học và thiết kế riêng những nhiệm vụ tự học phù hợp cho từng nhóm đối tượng người học.

Giảng viên phụ trách và có kho tài liệu riêng trên Google Drive của từng lớp (ngoài Canvas). Kho tài liệu này được phân quyền cho tất cả các giảng viên giảng dạy tại lớp và tất cả các thành viên trong lớp.

Giảng viên và người học đều có thể thường xuyên tải tài liệu, trả bài tập hoặc đặt câu hỏi thảo luận trên đó. Giảng viên cũng dễ dàng sửa bài cũng như kiểm tra các hoạt động ngoài lớp của các thành viên trong lớp.

Những hoạt động ngoài lớp của người học

Trước khi đến lớp:

Đọc bài khóa, nghiên cứu từ mới của bài khóa và có sổ tay tổng hợp từ mới theo chủ điểm.

Xem video bài giảng ngữ pháp của giảng viên đã xây dựng và tải trên Canvas trước khi tới lớp.

Đặt những câu hỏi để tìm hiểu nội dung bài khóa và gửi lên kho ngữ liệu chung của cả lớp trên Google Drive.

Nhóm sinh viên tham gia trợ giảng xây dựng quiz để kiểm tra năng lực thông hiểu, nắm bắt kiến thức của khâu chuẩn bị bài mới.

Ghi lại những thắc mắc, không nắm bắt được trong quá trình tự học và cũng gửi lên kho ngữ liệu chung.

Những hoạt động sau khi học xong:

Làm bài tập quiz củng cố bài (quiz do giảng viên biên soạn), qua đó đánh giá khả năng vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào các kỹ năng giao tiếp nghe, nói, đọc, viết của người học.

Xây dựng bài tập nhóm, dự án nhỏ, quay video, điều tra báo cáo,…

Hoạt động trên lớp của giảng viên và sinh viên

Giảng viên giải đáp thắc mắc của người học trong quá trình chuẩn bị bài.

Giảng viên chuẩn hoá, chốt kiến thức cho người học.

Dành phần lớn thời lượng trên lớp (80%-85%) hướng dẫn người học luyện tập thông qua cách tạo tình huống, ngữ cảnh, các loại hình bài tập vận dụng khác, từng bước nâng cao năng lực ngôn ngữ cũng như các kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ. Trong đó có luyện tập, tương tác cá nhân, phần nhiều phát huy loại hình bài tập nhóm, trò chơi tập thể, tranh biện, thảo luận, vấn đáp,..

Người học sử dụng những kiến thức nhận biết, ghi nhớ, thông hiểu, nắm bắt được trong quá trình chuẩn bị bài để tham gia các hoạt động trên lớp dưới sự dẫn dắt của giảng viên và các nhóm trưởng.

Nhận thức của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An về lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược

TT

Nhận thức về lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược

Số lượng

Tỉ lệ (%)

1

Giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thuyết trình, giao tiếp

66

66%

2

Giúp sinh viên linh hoạt chủ động

81

81

3

Giúp kết quả học tập của sinh viên cải thiện

67

67

4

Giúp tăng sự tương tác giữa sinh viên – sinh viên, giảng viên - sinh viên

69

69

Bảng 1. Nhận thức về lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược

Kết quả ở bảng 1 cho thấy: hầu hết sinh viên đã nhận thức rõ được ý nghĩa, lợi ích của mô hình lớp học đảo ngược. 

Có 66% sinh viên cho rằng mô hình lớp học đảo ngược giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thuyết trình, giao tiếp; có 81% cho rằng mô hình lớp học đảo ngược giúp sinh viên linh hoạt chủ động; có 67% sinh viên cho rằng mô hình lớp học đảo ngược là cơ sở giúp kết quả học tập của sinh viên cải thiện và 69% sinh viên cho rằng mô hình lớp học đảo ngược giúp tăng sự tương tác giữa sinh viên - sinh viên, giảng viên - sinh viên. 

Như vậy, phần lớn sinh viên đã nhận thức được lợi ích mô hình lớp học đảo ngược của đối với bản thân, đã xác định bản thân cần tích cực tham gia các hoạt động học tập để đạt kết quả tốt nhất.

Mô hình "lớp học đảo ngược" trong giảng dạy Tiếng Anh- Ảnh 3.

So sánh kết quả lớp học truyền thống và lớp học theo mô hình lớp học đảo ngược

TT

Kết quả học tập

Lớp học truyền thống

Tỉ lệ (%)

Lớp học theo mô hình lớp học đảo ngược

Tỉ lệ (%)

1

Điểm bài tập nhóm

30 (điểm 7, 8, 9)

60

40 (điểm 7, 8, 9)

80

2

Bài kiểm tra giữa kì

25 (điểm 7,8,9)

50

30 (điểm 7, 8, 9)

60

3

Bài kiểm tra cuối kì

25 (điểm 7, 8, 9)

50

35 (điểm 7, 8, 9)

60

Bảng 2. So sánh kết quả học tập lớp học truyền thống và lớp học theo mô hình lớp học đảo ngược

Như vậy, kết quả học tập sinh viên ở học phần tiếng Anh 1 được đánh giá ở 3 tiêu chí: bài tập nhóm, bài kiểm tra giữa kỳ và bài kiểm tra cuối kỳ ứng với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ. 

Kết quả học tập của sinh viên được cải thiện khi giảng viên áp dụng mô hình lớp học đảo ngược và kết hợp phương pháp dạy học giao nhiệm vụ và phương pháp dạy học tích cực.

Trong mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên sẽ chuyển từ việc thụ động nghe giảng và việc tiếp nhận kiến thức một chiều từ giảng viên sang việc chủ động tiếp nhận kiến thức, tự học ở nhà qua video, slide bài giảng và tư duy phản biện qua các cuộc thảo luận với sinh viên trên lớp, tương tác giữa các nhóm sinh viên, giảng viên với sinh viên.

Trong những năm học vừa qua, việc áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã minh chứng phương pháp này phù hợp với thời lượng lên lớp không nhiều của môn học và sinh viên rất hào hứng học bài và tìm hiểu ở nhà, lớp học trở nên sôi nổi với phần thảo luận, sự vận dụng lý thuyết vào thực tế được giải quyết nhiều hơn giúp các em nhận thấy giá trị thực tiễn của môn học. 

Sự tương tác giữa sinh viên với nhau, giữa giáo viên và sinh viên được phát huy, các kỹ năng thuyết trình làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp của sinh viên cũng được cải thiện hơn nhiều so với mô hình lớp học truyền thống.

Nguồn: Tạp chí Dạy và Học
Bình luận của bạn

Bình luận