Phòng dịch sốt xuất huyết, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm

Minh Châu
15:28 - 20/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm. Bên cạnh đó, chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Chiều 19/9, tại kỳ họp lần thứ 11 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm. 

Bên cạnh đó, chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. 

Đồng thời, chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần.

Phòng dịch sốt xuất huyết, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm - Ảnh 1.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm. Ảnh minh họa: CNN

Thành phố Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng 80.000 đồng/tin với bài từ 350 đến dưới 600 từ; 100.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên… Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2023 là hơn 26 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc ban hành nghị quyết nhằm phát huy các kết quả đã đạt được của chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020.

Bệnh sốt xuất huyết - nguy cơ đến từ chính ngôi nhà của bạn

Theo VGP, trên cả nước, thống kê tuần 36/2023, ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Hòa Bình. So với tuần trước, số mắc tăng 0,5%, trong đó, số nhập viện là 3.891 ca.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp.

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của vùng nhiệt đới lây qua trung gian muỗi vằn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và hàng chục trường hợp tử vong. Trong thực tế, nơi sinh sản của muỗi hình thành từ nếp sinh hoạt của người dân. Hành động của mỗi người, mỗi nhà là yếu tố quan trọng góp phần quan trọng cho việc phòng chống thành công bệnh sốt xuất huyết.

Phòng dịch sốt xuất huyết, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm - Ảnh 2.

Phun hóa chất diệt muỗi để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Ảnh: baokontum

Nơi sinh sản của muỗi là các dụng cụ dự trữ nước sinh hoạt như hồ, phuy, lu… hoặc như bình bông, chén nước cúng… Nhưng cũng còn rất nhiều đồ vật, vị trí quen thuộc khác trong khuôn viên hộ gia đình cũng có thể là nơi sinh sản của muỗi mà chúng ta ít khi nghĩ đến.

Chỉ cần một ít nước đọng trong xô, chậu bị bỏ quên cũng trở thành một ổ loăng quăng hay khay hứng nước từ tủ lạnh, quạt hơi nước, bình nước nóng lạnh hoặc từ máy điều hòa nhiệt độ đều có khả năng trở thành ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tại những hộ gia đình chăn nuôi hoặc nuôi thú cưng, các ly nước, máng nước uống cho gia cầm hoặc thú cưng cũng thường có loăng quăng, bọ gậy nếu không được súc rửa đúng cách.

Có thể nói sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gắn liền với mọi sinh hoạt của người dân. Vì vậy chỉ khi mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi thì dịch bệnh sốt xuất huyết mới được kiểm soát.

Phòng dịch sốt xuất huyết, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm - Ảnh 3.

Một số biện pháp giúp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Châu