Hà Nội phát sinh thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch

Minh Châu
16:53 - 23/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội ghi nhận 71 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh mới tại 20 quận, huyện, thị xã. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Hà Nội phát sinh thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết

Từ ngày 11-18/8, Hà Nội ghi nhận 71 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh mới tại 20 quận, huyện, thị xã.

Các địa phương ghi nhận số ổ dịch sốt xuất huyết mới gồm: Hoàng Mai (13 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (10 ổ dịch); Đan Phượng (6 ổ dịch); Đống Đa (5 ổ dịch); Hà Đông, Cầu Giấy, Mê Linh (mỗi nơi 4 ổ dịch); Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Phú Xuyên (mỗi nơi 3 ổ dịch); Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ, Phúc Thọ (mỗi nơi 2 ổ dịch); Quốc Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm (mỗi nơi 1 ổ dịch).

Hà Nội phát sinh thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 129 ổ dịch đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 344 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 186 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì có 217 bệnh nhân; thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín có 72 bệnh nhân…

Về số ca mắc sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.

Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Trước đây chu kỳ dịch sốt xuất huyết là 4-5 năm/lần nhưng hiện nay dịch đã thay đổi, không còn quy luật rõ ràng. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi dịch ghi nhận sớm hơn trung bình các năm 1,5 tháng. 

Đặc biệt năm nay xảy ra hiện tượng EI Nino, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Hà Nội phát sinh thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch - Ảnh 2.

Phun hóa chất diệt muỗi để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Ảnh: baokontum

Xử lý ổ dịch cũng như xử lý đám cháy. Nếu phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch trong 3 ngày đầu thì việc dập dịch mới hiệu quả. Ngược lại, khi ổ dịch phát sinh từ 10 bệnh nhân thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng là khó tránh khỏi.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn

Bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng ngừa. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng ngày: thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước; thả cá để diệt bọ gậy; loại bỏ những dụng cụ chứa nước không dùng đến để không cho muỗi đẻ trứng.

Diệt muỗi và phòng muỗi đốt: ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.

Nhận biết các cấp độ của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng.

Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

Sốt xuất huyết có triệu chứng lâm sàng là sốt cao đột ngột, sốt liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết với nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức 2 hốc mắt.

Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết đã nêu trên và kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít.

Sốt xuất huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy tạng. Sốc sốt xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; đi tiểu ít.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong khoảng 4-5 ngày; tối đa 12 ngày).

Nhiễm bệnh từ một tuýp virus sẽ có tác dụng bảo vệ suốt đời chỉ riêng với chủng đó. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm các tuýp virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng.

Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%. Nhìn chung khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ rất mệt và cảm giác rất khó chịu.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội, WHO, VTV, Sức khỏe & Đời sống