Gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 200 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch

Minh Châu
15:13 - 15/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tính đến hết ngày 12/9/2023, Hà Nội ghi nhận 9.780 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, với 200 ổ dịch đang hoạt động. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Hà Nội ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch ngành y tế Hà Nội ngày 14/9, đại diện Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết: tính đến hết ngày 12/9/2023 toàn thành phố ghi nhận 9.780 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 528/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 90% số xã, phường, thị trấn). Đặc biệt đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai. Toàn thành phố ghi nhận 599 ổ dịch, trong đó 399/599 (chiếm 67%) ổ dịch đã được khống chế, còn 200 ổ dịch đang hoạt động.

Gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 200 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho một trường hợp sốt xuất huyết tăng nặng. Ảnh: Bệnh Viện Bạch Mai

Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết và trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch 30 quận, huyện, thị xã để đôn đốc, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Đối với COVID-19, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, số mắc giảm rõ rệt, trung bình mỗi tuần chỉ ghi nhận 10-20 trường hợp mắc. Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.401 ca mắc tay chân miệng, 15 ca mắc liên cầu lợn trong đó 2 trường hợp tử vong tại huyện Ba Vì và Thanh Xuân. Đối với các dịch bệnh khác: uốn ván người lớn ghi nhận 20 trường hợp mắc; rubella ghi nhận 6 trường hợp mắc…

Trong công tác giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.

Theo đó, trong 8 tháng đầu năm đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 4.800 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Kết quả đã phát hiện 8.362 ca bệnh Sốt xuất huyết và 3.420 ca bệnh các loại khác (Tay chân miệng, liên cầu lợn, Thủy đậu…).

Tổ chức lấy 20 mẫu xét nghiệm PCR xác định tuýp virus lưu hành, kết quả 16/20 mẫu dương tính. Trong đó: 12 mẫu dương tính DEN 1 và 4 mẫu dương tính DEN 2.

Các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức giám sát côn trùng sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Cộng dồn đến ngày 8/9/2023, đã giám sát 698 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư; kết quả có 341/698 (chiếm 49%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.

Gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 200 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch - Ảnh 3.

Thời gian qua Hà Nội đã tích cực kiểm tra phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố. Ảnh: VGP

Công tác giám sát ổ dịch cũ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Trong năm 2023, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đã giám sát 1.432/1.432 ổ dịch cũ (đạt 100% kế hoạch); kết quả có 191/1.432 (chiếm 13,34%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thực hiện 66 lượt giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại 52 ổ dịch năm 2023. Kết quả 54/66 (chiếm 82%) lượt điểm được giám sát có kết quả xử lý ổ dịch chưa hiệu quả, chỉ số muỗi, chỉ số bọ gậy vượt ngưỡng nguy cơ sau xử lý.

Tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 4169/SYT-NVY gửi các cơ sở khám, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố theo dõi đánh giá tình hình, diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp để giáo dục sức khỏe và phòng, chống sốt xuất huyết, cách chăm sóc bản thân và nhận biết dấu hiệu của người bệnh sốt xuất huyết, cách phòng chống dịch tại hộ gia đình và cộng đồng; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, hạn chế tử vong thấp nhất.

Gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 200 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch - Ảnh 5.

Trung tâm Y tế quận Long Biên, Hà Nội tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các công trường xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Sở Y Tế Hà Nội

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp triển khai tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát... Phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế báo cáo, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, để chủ động triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động phòng bệnh và xử lý dịch như tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền sốt xuất huyết Dengue.

Tổ chức truyền thông sâu rộng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết để người dân hưởng ứng tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, tự giác chủ động đậy kín nắp và thả cá vào bể hở tại hộ gia đình, tham gia thu gom vật dụng phế thải chứa nước đọng ở những nơi công cộng, công trường, bãi đất bỏ hoang.

Tăng cường thực hiện công tác giám sát phát hiện sớm bệnh nhân (tại bệnh viện, phòng khám, các ổ dịch...) phát huy vai trò hoạt động của tổ giám sát điều tra, xử lý dịch và truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tuyệt đối tuân thủ và thực hiện tốt hướng dẫn chẩn đoán, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị, chuyển tuyến kịp thời an toàn đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.