Hà Nội: 2 ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm 2023
Hà Nội ghi nhận liên tiếp 2 người tử vong do sốt xuất huyết trong 2 ngày 29 và 30/8 vừa qua, đây cũng là 2 ca sốt xuất huyết tử vong đầu tiên trên địa bàn thành phố trong năm 2023.
Ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên năm 2023 do sốt xuất huyết tại Hà Nội
Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên tử vong trong năm nay.
Trường hợp thứ nhất là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội), có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn. Ngày 23/8, bệnh nhân sốt 38,5 độ, đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện tư, hết sốt.
Đến tối ngày 26//8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân Y 103 điều trị, chẩn đoán SXH có dấu hiệu cảnh báo. Dù được điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh tiếp tục nặng lên và bệnh nhân tử vong ngày 29/8.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người bệnh phát hiện SXH và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, sau đó 1 ngày chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Đêm 29/8, bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Đến sáng 30/8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn. Các dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn của bệnh nhân diễn biến quá nhanh nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi, tử vong trong đêm 30/8.
Hiện Hà Nội là 1 trong số 10 địa phương có số ca mắc SXH tăng cao nhất cả nước. Cộng dồn từ đầu năăm 2023 đến nay, thành phố đã có 5.564 ca mắc, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng ngừa. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng ngày: thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước; thả cá để diệt bọ gậy; loại bỏ những dụng cụ chứa nước không dùng đến để không cho muỗi đẻ trứng.
Diệt muỗi và phòng muỗi đốt: ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google