Phát triển trường đại học, học viện bằng mô hình đơn vị học tập

GS.TS Phạm Tất Dong
20:02 - 04/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đơn vị học tập là tổ chức kiến tạo ra tương lai của chính mình. Con đường học tập mà đơn vị duy trì là một tiến trình sáng tạo, nhằm giúp cho đơn vị thích nghi và chuyển hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Phát triển trường đại học, học viện bằng mô hình đơn vị học tập - Ảnh 1.

Mô hình Đơn vị học tập

Vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI (2001-2010), Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào thi đua học tập suốt đời thông qua việc xây dựng mô hình "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học" và "Cộng đồng khuyến học". 

Ý tưởng tạo ra những mô hình đó là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc làm động lực thúc đẩy người dân khắc phục những khó khăn thường nhật trong đời sống để thực hiện việc học tập thường xuyên, lấy sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của cộng đồng để động viên mọi người có thêm động lực học tập.

Ngày 09/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", tiếp theo là Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày (20/2/2014) về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020". 

Vào thời điểm này, tổ chức UNESCO cũng hối thúc Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xây dựng xã hội học tập, bắt đầu bằng một Hội thảo quốc tế: "Diễn đàn Việt Nam: Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập". Tại Hội thảo này có 45 nhà khoa học đến từ 17 quốc gia ASEM tham dự với những tham luận quan trọng.

Phát triển trường đại học, học viện bằng mô hình đơn vị học tập - Ảnh 3.

Xây dựng các tổ chức học tập là mô hình học tậo ưu việt trên thế giới.

Trong các tham luận, nổi bật là những vấn đề về quan điểm toàn cầu học tập suốt đời, những xu hướng xây dựng xã hội học tập trên thế giới, vấn đề hoạch định chính sách học tập của người lớn. Katherine Muller Marin, đại diện Văn phòng UNESCO ở Việt nam đã nhấn mạnh việc tổ chức cách học tập hiện đại như các công nghệ học tập, các tổ chức học tập và những khuyến cáo của UNESCO.

Khái niệm "Tổ chức học tập" (The Learning Organization) mà Katherine nêu lên ứng với thuật ngữ "Đơn vị học tập" có trong các văn kiện của Chính phủ Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay như Kết luận 49-KL/TW (10/5/2019) của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TTg (25/5/2021), Quyết định 1373/QĐ-TTg (30/7/2021), Quyết định 387/QĐ-TTg (25/3/2022) của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp theo Diễn đàn nói trên là chuỗi 3 Hội thảo khoa học cùng tên "Xã hội học tập – Từ tầm nhìn đến hành động" được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam và tổ chức UNESCO. Các Hội thảo này diễn ra ở Hà Nội, Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Quyết định 89/QĐ-TTg đã chính thức khép lại các mô hình hiếu học và khuyến học, thay vào đó là 4 mô hình học tập ở cấp xã: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập

Ngày 06/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư "Quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập" ở cấp huyện và cấp tỉnh. Hội thảo này chính là bàn đến vai trò Đơn vị học tập theo Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT, trong đó có Đơn vị học tập ở trường đại học với tư cách là một Tổ chức học tập mà UNESCO nói tới, thuộc loại Đơn vị học tập cấp tỉnh.

Từ lâu, chúng ta đã bắt gặp thuật ngữ trong kinh tế tài chính "Organizational Learning" (Việc học tập trong tổ chức). Đây là quá trình tạo ra, lưu giữ và chuyển giao tri thức trong một tổ chức: Một tổ chức cải thiện theo thời gian vì nó có được kinh nghiệm, từ kinh nghiệm này, nó có thể tạo ra kiến thức. Kiến thức này rất rộng, bao gồm bất kỳ chủ đề nào có thể tốt hơn cho một tổ chức (Wikipedia Tiếng Anh).

Để phát triển, các doanh nghiệp luôn quan tâm đầu tư những trang bị kỹ thuật mới, sử dụng những công nghệ mới để các sản phẩm ngày càng có hàm lượng tri thức cao hơn trước, chất lượng sản phẩm đem lại sự hài lòng nhiều hơn từ người tiêu dùng, mẫu mã sản phẩm bắt mắt hơn... Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, người lao động trong doanh nghiệp phải học hỏi không ngừng. Từ yêu cầu này, rất nhiều doanh nghiệp đã tổ chức ra những cơ sở đào tạo ngay trong doanh nghiệp.

Theo một thống kê, năm 2020, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp, hầu hết là những tổng công ty, những tập đoàn kinh tế. Sự xuất hiện những cơ sở đó đánh dấu mốc trưởng thành của công việc "Đào tạo và phát triển" (Training & Development - T&D) trong lĩnh vực quản lý nhân sự. Theo xu thế này, nhiều công ty cũng tiến tới việc thành lập một bộ phận chuyên trách về đào tạo, gọi là bộ phận "T&D". Hiện nay, do quan điểm lấy người học làm trung tâm, coi việc cá nhân trong tổ chức tự quản lý việc học tập của mình là cơ bản, mà mô hình quản trị "T&D" được thay thế bằng mô hình "L&D" (Learning & Development).

Việc đưa học tập vào tổ chức đã có những bước phát triển mạnh ở nhiều doanh nghiệp lớn khi họ muốn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự của mình ở tầm cao hơn và bản thân doanh nghiệp trở thành một "tổ chức học tập" có quy mô lớn. Do đó, ngay trong doanh nghiệp đã có một hệ đào tạo gắn kết chặt chẽ với chiến lược sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong cuốn sách The Corporate University Handbook, Mark Allen đưa ra một số mô hình và cấp độ phát triển về đào tạo tại doanh nghiệp như hoạt động chia sẻ tri thức, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo của các bộ phận công tác trong nội bộ doanh nghiệp như các phòng, ban, trung tâm đào tạo v.v... để cuối cùng doanh nghiệp trở thành một tổ chức đào tạo (học tập) thực thụ. Cuốn sách của Mark Allen được nhiều doanh nghiệp tham khảo, nhất là vấn đề đào tạo như một hoạt động hỗ trợ chiến lược nâng cao chất lượng nhân lực trong doanh nghiệp với sự quản lý và kiểm soát của chính doanh nghiệp.

Jeff Cobb – Giám đốc điều hành Công ty Tagoras (Hoa Kỳ) cho rằng, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì không có cách nào khác ngoài việc tổ chức đào tạo để phát triển, thúc đẩy việc học trong tổ chức để đội ngũ nhân lực nội bộ luôn đổi mới kiến thức và kỹ năng làm việc thông qua mô hình đào tạo trong doanh nghiệp.

Đơn vị học tập trong trường đại học hay trong các học viện, về phương diện thuật ngữ, khi chuyển sang tiếng Anh mà dùng cụm từ "Learning Organization" thì người nước ngoài hiểu ngay khái niệm "Đơn vị" trong tiếng Việt.

Bản thân trường đại học (bao hàm cả các học viện) có nhiều ban, phòng, khoa, tổ bộ môn... mà mỗi bộ phận này đều được gọi là một đơn vị công tác trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu (hay Ban Giám đốc).

Trong quá trình phấn đấu trở thành "Đơn vị học tập", các bộ phận công tác phải giúp cho mọi thành viên của mình học hỏi trong mọi việc mà họ có trách nhiệm thực hiện. Các thành viên liên tục và thường xuyên tìm kiếm, tiếp thu, áp dụng và chia sẻ kiến thức mới, kỹ năng mới cho đồng nghiệp trong đơn vị cũng như ngoài đơn vị, không loại trừ với những người tại các trường khác, địa phương khác, thậm chí là quốc gia khác.

Mục tiêu chung xây dựng Đơn vị học tập

Tăng chất lượng nhân lực của đơn vị, từ đó làm tăng chất lượng đào tạo của nhà trường. Chính sự tăng trưởng đó sẽ làm cho đơn vị có "thương hiệu" đối với những ai dùng sản phẩm của đơn vị.

Làm cho thành viên của đơn vị và bản thân đơn vị phát triển sự sáng tạo trong các hoạt động phục vụ công tác dạy và học của nhà trường. Mỗi thành viên của đơn vị cùng những đồng nghiệp của mình luôn luôn cập nhật và tiếp nhận tri thức mới, làm giàu trí tuệ, đồng hành trên con đường học tập suốt đời mà ta gọi là "Hành trình hướng tới tri thức" rồi cùng nhau chia sẻ tri thức cùng kinh nghiệm vận dụng những tri thức để tạo nên một mô hình mới. Đây là quá trình sáng tạo tri thức từ tri thức.

Với những tập thể có được sự định hướng học tập suốt đời một cách kiên định, họ sẽ có được một mô thức tư duy tăng trưởng (phát triển). Nhờ lối tư duy này, con người có thể đối phó với những thách thức của cuộc sống cũng như những khó khăn trong công việc hàng ngày. Mô thức tư duy tăng trưởng giúp cho con người hiểu rằng, khi ta thất bại chứng tỏ rằng ta còn thiếu thông minh. Với họ, sự thất bại chỉ là một bước đệm, kích thích sự cố gắng học hỏi hơn nữa để đi tới thành công.

Cuối cùng, việc học hỏi thường xuyên sẽ giúp cho con người có được tầm nhìn chiến lược trong hoạt động, tức là một tầm nhìn xa tới một tương lai mà công việc hiện tại phải tính đến. Edgar Faure – một trong những tác gia kinh điển về xã hội học tập, cho rằng, tầm nhìn xa thể hiện ở năng lực tự chủ và xét đoán cao trong sự nghiệp. Với những nhà giáo nói chung và những người làm công tác đào tạo ở bậc đại học nói riêng, thì tầm nhìn xa là trí tưởng tượng về việc sử dụng những lứa học trò hiện đang ngồi ghế nhà trường trong giai đoạn từ 5 đến 10 năm sau khi chúng trở thành những lao động của xã hội ngày mai. Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO đã khuyến cáo về điều này.

"Sự lo lắng phổ biến của học sinh sắp ra trường là chúng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ hội tìm được việc làm, nỗi lo lắng lại được tăng lên bởi sự ám ảnh của tâm trạng" hoặc "ăn cả hoặc về không" khi muốn vào đại học. Sự thất nghiệp hàng loạt thường thấy ở nhiều nước lại càng tăng thêm nỗi lo lắng.

Tình trạng báo động đối với xu hướng đang xuất hiện, ở cả nông thôn và thành thị, ở cả nước đang phát triển và nước đã công nghiệp hóa; đó không chỉ là xu hướng không có việc làm, mà còn là xu hướng nguồn nhân lực không sử dụng được.

Trong tác phẩm "The Fifth Discipline: The Art and Practice of the learning Organization", Peter Senge nêu lên 5 đặc trưng của Đơn vị học tập:

Các thành viên của Đơn vị học tập làm chủ bản thân đối với việc học tập của mình, đưa việc học tập thường xuyên thành một thói quen.

Tập thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị có năng lực Tư duy hệ thống để định hướng việc học tập.

Trong Đơn vị học tập có sự học tập theo nhóm qua đó tạo nên phong cách hợp tác và chia sẻ tri thức.

Đơn vị học tập xây dựng được tầm nhìn chung để xây dựng chiến lược phát triển.

Tạo ra mô hình tinh thần để có không gian và bầu không khí dân chủ, đoàn kết.

Nhiều nhà nghiên cứu về tổ chức học tập cho rằng, những tổ chức học tập tốt đều phải tạo nên không khí tâm lý đồng thuận và sự nhiệt tình xây dựng việc học hỏi suốt đời như một lối sống tích cực, tránh tình trạng im lặng của thành viên trong tổ chức. 

Đó là tình trạng nhân viên, cán bộ che dấu những biểu đạt chân thực về sự đánh giá hành vi, nhận thức hoặc tình cảm của mình về hoàn cảnh tổ chức, như sự bỏ bê và thờ ơ, không hài lòng và chán nản, quan ngại về các vấn đề liên quan đến công việc và thiếu gắn kết. 

Dấu hiệu nhận biết một Đơn vị học tập 

Trước hết, Đơn vị học tập được xây dựng không chỉ là một xu hướng quản trị nhất thời, mà nó phải là một phương thức tổ chức để tạo ra môi trường học tập cởi mở, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và phát huy ý thức học tập vì sự phát triển bền vững của sự nghiệp mà Đơn vị học tập theo đuổi.

Hai là, Đơn vị học tập là tổ chức kiến tạo ra tương lai của chính mình. Con đường học tập mà Đơn vị duy trì là một tiến trình sáng tạo, nhằm giúp cho Đơn vị phát triển, thích nghi và chuyển hóa, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của những người bên trong và bên ngoài Đơn vị.

Ba là, mỗi thành viên của Đơn vị học tập phải là con người tự do học tập để hoàn thiện mình và cải thiện công việc của tập thể. Những người quản lý của Đơn vị phải giúp nhân viên của mình bằng việc dỡ bỏ những rào cản để họ có thể thông qua học tập mà phát huy được những năng lực tiềm ẩn. Mỗi nhân viên sẽ hạn chế phụ thuộc vào trong một chương trình.  

Tiêu chí cơ bản để đánh giá Đơn vị học tập

Tại phần này, tôi chỉ nói đến Đơn vị học tập với tư cách là Đơn vị học thuật của trường đại học – những đơn vị trực tiếp làm công tác đào tạo ra những con người như một người lao động tri thức sẽ hoạt động trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Trước hết, để xây dựng được một Đơn vị học tập, trong tổ chức này, những thành viên của nó phải đạt danh hiệu "Công dân học tập". Nói cụ thể hơn, trong một tổ bộ môn hoặc một khoa của trường đại học, nếu lấy tổ chức đó làm đơn vị để xây dựng Đơn vị học tập thì tiêu chí cơ bản nhất, không đạt sẽ bị xếp vào loại "liệt – là 100% nhân viên phải đạt danh hiệu "Công dân học tập".

Số lượng "Công dân học tập" phải là số đo xác định chất lượng Đơn vị học tập, là chỉ số đánh giá cơ bản để công nhận một tổ chức đạt được danh hiệu "Học tập".

Tiêu chí thứ hai dùng để đánh giá tác dụng hay kết quả của Đơn vị học tập trong trường đại học là đào tạo, chuẩn bị cho ra đời những công dân học tập. Những lao động trẻ do trường đào tạo phải có được ý thức học tập suốt đời, có kỹ năng học tập một cách thông minh và sáng tạo để ngay từ khi dời ghế nhà trường, họ bắt tay ngay vào việc học tập dưới các phương thức học tập không chính quy hoặc phi chính quy để bắt đầu ngay cuộc hành trình tìm kiếm tri thức mới.

Tiêu chí đánh giá thứ ba rất quan trọng là Đơn vị học tập phải là một môi trường học tập mở, trong đó, mỗi thành viên của đơn vị không bị những rào cản vô lý ngăn chặn sự học tập của họ.

Những tiêu chí khác cũng cần, nhưng chúng sẽ có sự thay đổi theo từng giai đoạn phát triển xã hội. Chẳng hạn, những quy định về kỹ năng số cho công dân học tập sẽ được nâng lên liên tục khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia có thêm những yêu cầu mới về năng lực kỹ thuật số đối với người dân bình thường trong xã hội.

Bình luận của bạn

Bình luận