Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời

img
Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 1.

Trong tác phẩm "Những đường chân trời" (Lignes d'horizon) của Nhà văn, nhà kinh tế học, triết học, sử học người Algeria tên Jacques Attali, có một câu gây ấn tượng mạnh mẽ. Đó là: Ngày trước, những người dân du mục luôn thực hiện các cuộc di cư để đi tìm những nguồn nước (Point d'caux), còn trong thời đại chúng ta, con người cũng thực hiện các cuộc di cư, nhưng không phải để tìm những giếng nước trên các thảo nguyên, mà tìm các nguồn tri thức mới. Ông đã phát hiện ra nhu cầu sống còn của con người ở thế kỷ XXI, khi mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên sự biến cách vĩ đại trong đời sống xã hội, trong đó sự chênh lệch trong phát triển giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng kia, giữa cá nhân này với cá nhân nọ là "khoảng cách tri thức".

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 2.

Xã hội học tập với tính cách là một mô hình giáo dục mở có chức năng san lấp cái hố tạo ra các khoảng cách tri thức bằng sự phát triển đồng bộ giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục người lớn; gắn kết và liên thông các phương thức học chính quy, không chính quy và phi chính quy; thống nhất môi trường giáo dục gia đình, giáo dục xã hội với giáo dục học đường.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 3.

Theo quan điểm của giáo dục truyền thống, từ khi còn nhỏ, nhà trường sẽ cung cấp cho con người một kho kiến thức để rồi từ đó, con người sẽ khai thác suốt đời. Quan điểm đó, với những người xây dựng xã hội học tập, là lỗi thời với thời đại ngày này.

Hệ thống giáo dục mở sẽ giúp mỗi cá nhân được trang bị những kiến thức để họ luôn có đủ năng lực tiếp cận và nắm bắt được những cơ hội học tập suốt đời để mở rộng cánh cửa đi vào một thế giới bao la những kiến thức mới, với những biển cả thông tin. Trong đó, con người sẽ học được cách xử lý thông tin cần thiết thành tri thức của mình, có đủ các kỹ năng ứng dụng những điều đã học để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần sáng tạo ra thế giới mới. 

Sự giàu có về tri thức sẽ giúp cho con người có thái độ đúng đắn khi họ hòa nhập vào thế giới độc lập, phức tạp và đầy biến động không ngừng.

Chúng ta thường nói rằng, con người trong thời đại ngày nay phải có tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, phải có năng lực sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ... Nhưng sáng tạo không phải là năng lực bẩm sinh, mà là năng lực tự tạo nhờ học tập không mệt mỏi, nhờ tích lũy được nhiều hiểu biết và cơ bản nhất là tự học suốt đời. 

Mọi sáng kiến, phát minh ra cái mới không phải từ những tri thức đang có sẵn, mà là từ những xử lý tri thức hiện có để thành tri thức chưa từng có. Cái được gọi là bí quyết (Knowhow) chính là tri thức mới nhất để làm nên cái khác biệt so với cái đã và đang có. Những người khởi nghiệp thành công là những điển hình về sự tạo ra ý tưởng mới mà ta gọi là bí quyết của họ.

Theo cách tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tri thức, khái niệm xã hội học tập được hiểu là trong thế kỷ XXI, không ai có thể hi vọng tích lũy vốn kiến thức trong hệ thống giáo dục ban đầu mà thời trai trẻ của mình đã trải qua để dùng cho toàn bộ cuộc đời tiếp theo của mình. 

Với thế giới phức tạp, không ổn định và biến đổi khôn lường, tri thức phải không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, đồng thời, thời gian học trong hệ thống giáo dục ban đầu dành cho lớp trẻ có xu hướng kéo dài hơn trước, cuộc sống lao động xã hội theo nghĩa vụ sẽ ngắn hơn, tuổi thọ sẽ dài hơn, thời gian về hưu đủ dài nên bắt buộc người cao tuổi phải học và hoạt động để không bị lạc hậu với xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, chúng ta nhất thiết phải xem xét lại và loại bỏ sự phân biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, phê phán thái độ cổ truyền với tính chất thiên vị giáo dục ban đầu, coi nhẹ giáo dục tiếp tục, cụ thể là coi nhẹ giáo dục người lớn. Trong thế kỷ XXI, giáo dục bao trùm lên mọi hoạt động xã hội, không bị bó cứng bởi 4 bức tường chật hẹp của nhà trường chính quy, cũng như giáo dục đại học không còn là độc quyền của riêng các trường đại học.

Với sự biến động gia tốc và toàn cầu hóa nhanh chóng, chỉ thực hiện học tập suốt đời trong một hệ thống giáo dục mở thì con người mới có thể làm chủ số phận của mình.

Dân tộc Việt Nam phải trở thành dân tộc thông thái
Theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước một thế giới chuyển đổi số, phương thức học tập ngoại tuyến (Tiếng Anh: Offline Learning) sẽ giảm dần tỉ lệ trong các khóa đào tạo. Học tập trực tuyến (Tiếng Anh: Online Learning) cần được tôn trọng, bởi chỉ theo phương thức này, tri thức mới, kỹ năng mới sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu học của bất cứ cá nhân nào. Mọi dịch vụ giáo dục sẽ đến lúc được phổ cập và cá nhân hóa việc học tập sẽ thực sự bảo đảm quyền học tập của con người như Tuyên ngôn Độc lập (1945) đã được công bố trên toàn thế giới.

Theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam phải trở thành dân tộc thông thái. Hiểu một cách cụ thể, xã hội học tập sẽ tri thức hóa con người và hình thành nên mẫu công dân thông minh phổ biến trong xã hội.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 6.

Những người trưởng thành, thăng tiến trong hoạt động nhờ vào học tập bao giờ cũng thực hiện hành trình truy tìm và làm chủ tri thức theo suốt cuộc đời của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những con người như thế - những con người nhọc nhằn và gian khổ để làm chủ tri thức. Qua lao động học tập, Hồ Chí Minh đã rút ra một triết lý học tập từ những trải nghiệm: 

Trong xã hội đương đại, không học tập sẽ không có tự do.

Hành trình chiếm lĩnh tri thức gồm 2 giai đoạn gắn kết chặt chẽ với nhau là hành trình hướng tới tri thức và hành trình kiến tạo tri thức. Hai hành trình này sẽ nối tiếp nhau cho đến khi một tri thức mới được hình thành. Đến đây, con người hoàn thành một chu trình tìm kiếm, làm chủ, chia sẻ, ứng dụng và sáng tạo tri thức. Sự kết thúc của hành trình này thể hiện ở thành quả.

Sau đó, một chu kỳ hướng tới tri thức khác lại bắt đầu.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 7.

Thời gian của mỗi chu kỳ không như nhau, nhưng sự nỗ lực về tinh thần lao động, về nhân cách và đạo đức thì hoàn toàn như nhau. Mỗi chu kỳ đó sẽ kết thúc khi cuộc đời con người khép lại. Hành trình cùng tri thức (The journey being with knowledge) của con người đến đây mới dừng lại với cái nghĩa là một ai đó sẽ nối tiếp hành trình này ở không gian khác và trong thời gian khác mà thôi.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói không ai có thể tự cho mình biết đủ, biết hết. Cũng không ai nghĩ rằng, học tập suốt đời sẽ thu được một khối lượng lớn trong tổng số kiến thức của nhân loại. 

Dù học rộng, hiểu sâu đến thế nào thì tri thức trong ta cũng chỉ là một hạt muối trong biển cả tri thức của thế giới. Thế giới là vô cùng, tri thức của thế giới là vô cùng, cho nên sự học cũng sẽ là vô cùng.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 8.

Trong xã hội đương đại, không học tập sẽ không có tự do.

Người thực hiện "hành trình cùng tri thức" theo dọc cuộc đời được coi là không tuổi tác trong học tập. Cũng cần nói thêm rằng, người không tuổi tác có thể là trong lĩnh vực lao động nghề nghiệp, văn học, nghệ thuật, y học hay sư phạm. Những người không tuổi tác (Tiếng Anh: Perennials) là những người theo đuổi sự nghiệp không bị giới hạn về thời gian cống hiến. 

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 9.

Khổng Tử có câu "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh", tức là từ 50 tuổi, con người hiểu được mệnh trời, hiểu được quy luật của trời đất. Người ta không níu kéo được tuổi tác. Nhưng con người có thể già về thể xác, nhưng biết cách học và biết đi cùng tri thức theo năm tháng, tư duy của họ sẽ không lão hóa. Vì thế, con người cần biết phải buông bỏ những gì không lấy lại được, không tái tạo được, nhưng quy luật của cuộc sống không cho phép họ buông bỏ tri thức mới, tức không buông bỏ học tập, đồng thời là không buông bỏ việc làm giàu tri thức cho nhân loại.

Như vậy, dường như khi nói người không tuổi tác trong học tập là một khái niệm dùng cho những người có độ tuổi ngoài độ thanh xuân.

Chúng ta không quan niệm tuổi tác như những giới hạn của từng giai đoạn cuộc đời, không là những con số cụ thể, mà chỉ muốn bàn tới một nhân sinh quan: Sống lâu không phải là có số năm sống cao hơn so với những người khác, mà là đóng góp nhiều hơn người khác, học tập được nhiều hơn người khác. 

Do vậy, người không tuổi tác trong một doanh nghiệp, một hội quần chúng, một hoạt động nghệ thuật… mà luôn gắn mình với việc học tập thường xuyên thì họ thuộc thế hệ Millenial hay thế hệ Baby Boomer, thậm chí là thế hệ Silent, hoặc thế hệ đã sắp vắng mặt trên thế gian này, họ đều nằm trong phạm trù Perennials.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 10.

Trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp thông minh – cuộc cách mạng đòi hỏi tất yếu phải chuyển đổi số trong mọi quốc gia, học tập không tuổi tác trở thành một quy luật sống. Không tuân thủ quy luật này con người sẽ bị đào thải. Nói theo quan điểm triết học, trong xã hội đương đại, không học tập sẽ không có tự do.

Những người không tuổi tác trong hành trình học tập suốt đời - Ảnh 11.