Cần cách mạng tri thức tầm quốc gia
Với tư cách là một chuyên gia giáo dục có gần 70 năm dạy học và nghiên cứu khoa học giáo dục và 1 phần tư thế kỷ hoạt động liên tục trong các phong trào xã hội học tập, tôi cho rằng đã đến lúc cần cách mạng tri thức tầm quốc gia.
Lịch sử "diệt giặc dốt" trường kỳ, liên tục của Việt Nam
Vào thập niên 1990 – 1991, trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tầm nhìn 2020 trong điều kiện nền kinh tế tri thức đã phát triển tại một số quốc gia và qua dòng chảy toàn cầu hóa nó đã có những tác động tới Việt Nam. Để tiếp cận và tranh thủ những thành quả của kinh tế tri thức, Đảng đã quyết định chuyển mô hình giáo dục hiện hành bằng mô hình giáo dục mở mà thế giới gọi là xã hội học tập.
Nguyên tắc cơ bản của xã hội học tập là thực hiện việc học tập suốt đời trong toàn dân, tạo nền tảng tri thức mới để chuyển kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, trong từng bước đi của công nghiệp hóa, kinh tế tri thức được từng bước đưa vào những lĩnh vực sản xuất, trước hết là lĩnh vực sản xuất mũi nhọn.
Đại hội toàn quốc lần thứ 9 của Đảng (năm 2001) đã đưa vào Nghị quyết về xây dựng xã hội học tập. Để triển khai Nghị quyết Đại hội 9 của Đảng, Nhà nước đã liên tiếp ban hành những Quyết định về phát triển xã hội học tập từng giai đoạn: Quyết định 112/2005/QĐ-TTg xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010, Quyết định 89/QĐ-TTg xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020, Quyết định 1373/QĐ-TTg xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030.
Năm 2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chỉ thị này giao Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp, liên kết với các lực lượng xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Năm 2019, sau khi tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị 11-CT/TW, Ban Bí thư ban hành Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục Chỉ thị 11-CT/TW, trong đó có nêu lên nhiều nội dung mới rất quan trọng như xây dựng mô hình công dân học tập, mô hình học tập cấp huyện và cấp tỉnh, yêu cầu các thành phố tham gia mạng lưới thành phố toàn cầu do UNESCO điều hành, yêu cầu Đảng viên và các tổ chức của Đảng phải thực hiện mô hình công dân học tập và đơn vị học tập.
Việc triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã mang lại những thành tích lớn, những lợi ích rất thiết thực cho nhân dân khi tích cực tham gia các hình thức học tập suốt đời. Học tập thường xuyên của người dân góp phần quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề ở địa phương, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương và góp phần bảo vệ môi trường.
Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khen thưởng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Hội Khuyến học Việt Nam phát động và triển khai trên các địa bàn dân cư trong cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và các Quyết định của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chúng ta có thể khẳng định rằng, phong trào này chỉ có phạm vi toàn quốc với lực lượng là Hội Khuyến học Việt Nam.
Nếu so sánh với Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa thì phong trào này không có tính tự giác trong triển khai của các ngành, các giới, các lực lượng kinh tế, các lực lượng xã hội, trong các doanh nghiệp cũng như trong lực lượng an ninh và quốc phòng. Ngay nhiều ngành và đoàn thể cũng như doanh nghiệp tuy góp sức với Hội Khuyến học rất nhiều, hỗ trợ các nguồn lực cho Hội không nhỏ để đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhưng chưa bao giờ hoạt động đó trở thành sự nghiệp của chính họ.
Về phía lãnh đạo của Đảng, nhiều Ban đảng ở Trung ương và địa phương, nhiều Ban Cán sự Đảng hay Đảng đoàn ở các bộ ngành và các đoàn thể, nhiều cấp bộ đảng thuộc nhiều lĩnh vực cũng chưa coi khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là công việc của chính mình, phải triển khai công việc trước hết trong cơ quan mình, trong đơn vị mình, là việc của từng đảng viên và từng chi bộ cơ sở… Nhiều khi, cấp ủy Đảng chỉ quan niệm đơn giản: Tổ chức Đảng cần tạo điều kiện để Hội khuyến học tiến hành triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là làm xong nhiệm vụ, hoàn thành đầy đủ trách nhiệm với Trung ương Đảng.
Thực trạng này còn tiếp tục thì chắc chắn trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII 2021 – 2025 sẽ có nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức… không tham gia học tập thường xuyên, không trở thành công dân học tập hay công dân toàn cầu, mà coi đó là việc của nông dân, lao động nông thôn, những lao động làm nghề tự do và những công nhân… Chủ trương xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ rất hạn chế về kết quả thực hiện.
Cần có một cuộc vận động cả nước đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, toàn dân học tập suốt đời.
Sau 25 năm triển khai sự nghiệp khuyến học, đã đến lúc cần làm cho khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành một phong trào nhân dân rộng khắp trong cả nước. Một phong trào huy động được người người tham gia, mọi gia đình tham gia, mọi dòng họ tham gia, mọi xóm làng tham gia, mọi đoàn thể tham gia, tất cả quân đội, công an, doanh nhân, văn nghệ sĩ tham gia dưới sự tổ chức chặt chẽ của Chính phủ và sự lãnh đạo của Đảng.
Truyền bá Quốc ngữ là một cuộc vận động cách mạng dưới hình thức chống nạn mù chữ, thoát khỏi chính sách "ngu dân" của thực dân Pháp. Bình dân học vụ là một chiến dịch diệt giặc dốt, mọi người "có chữ" để tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập và Nhà nước cách mạng. Bổ túc văn hóa xóa nghèo kiến thức, xây dựng đội ngũ lao động có học vấn cần thiết cho kiến thiết quốc gia và đấu tranh thống nhất đất nước.
Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày nay là một cuộc cách mạng giáo dục, lấy tri thức hiện đại làm nền tảng cho việc tiến hành Chiến lược Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, lấy chất lượng con người Việt Nam làm nhiệm vụ trung tâm, thực hiện quan điểm con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực chất của phong trào là đưa Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư thâm nhập vào đời sống nhân dân, thúc đẩy nhân dân ra sức xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Mục tiêu của phong trào là thông qua mọi hình thức học tập suốt đời, chất lượng con người Việt Nam ngày càng hoàn thiện, dân trí Việt Nam ngày một nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ bảo đảm cho đất nước chuyển đổi số thành công, Việt Nam trở thành quốc gia có đầy đủ năng lực thích ứng với thế giới số trong kỷ nguyên số.
Yêu cầu của phong trào là toàn dân đoàn kết, đồng thuận với chủ trương phát động phong trào, thực hiện khẩu hiệu "người người thi đua, nhà nhà thi đua, cộng đồng thi đua, ngành ngành thi đua", không một ai, không một tổ chức nào đứng ngoài cuộc.
Tác dụng của phong trào là sớm hình thành hệ thống giáo dục mở, chống mù nghề, mù công nghệ thông tin, mù ngoại ngữ, mọi người đều được phát huy những năng lực tiềm ẩn để đủ năng lực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, ứng phó với những thách thức của thế giới đầy biến động khó lường, để đưa đất nước trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Lực lượng chủ công là các tổ chức chính phủ có chức năng xây dựng chính sách và pháp lý bảo vệ và phát triển phong trào. Các tổ chức phi chính phủ mà nòng cốt là Hội Khuyến học Việt Nam kết hợp với các hội, các liên hiệp, các nghiệp đoàn lớn, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google