OpenAI đề xuất thành lập cơ quan giám sát toàn cầu về trí tuệ nhân tạo
Theo Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI Sam Altman, cần có một tổ chức toàn cầu kiểm soát trí tuệ nhân tạo tương tự Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để đảm bảo siêu trí tuệ sẽ mang lại lợi ích, chứ không phải thiệt hại cho nhân loại.
Yêu cầu cấp thiết phải giám sát chặt chẽ trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nổi bật nhất hiện nay. AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức về mặt đạo đức, an ninh và quyền con người. Do đó, việc quản lý và kiểm sát AI là một vấn đề cấp thiết và được nhiều tổ chức và chính phủ quan tâm.
Theo The Wrap, CEO của OpenAI Sam Altman cho biết, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng và bây giờ là thời điểm thích hợp để bắt đầu suy nghĩ về cách kiểm soát chúng. Theo đó, có một số yếu tố quan trọng để kiểm soát trí tuệ nhân tạo trong tương lai.
Đầu tiên là tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực AI, bao gồm các nhà khoa học, các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và công chúng. Mục tiêu là tạo ra một diễn đàn để trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất các nguyên tắc đạo đức cho AI. Đồng thời, nâng cao ý thức và giáo dục cho công chúng về AI, giúp họ hiểu được cách hoạt động, ứng dụng và tiềm năng của AI.
Thứ hai là thành lập một cơ quan quốc tế có quyền kiểm tra các hệ thống, yêu cầu kiểm toán, theo dõi việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, đưa ra các giới hạn về mức độ triển khai và mức độ bảo mật đối với công nghệ này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế là hình mẫu về cách một cơ quan quản lý toàn cầu có thể hoạt động trong lĩnh vực AI và siêu trí tuệ. Từ đó tạo ra các tiêu chuẩn an toàn và minh bạch cho AI, yêu cầu các nhà phát triển AI tiến hành việc đánh giá mức độ an toàn, có giải pháp quản lý dữ liệu và giảm thiểu rủi ro trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ ba, điều bắt buộc là các nhà sáng tạo, cơ quan quản lý phải có "năng lực kỹ thuật" để giữ cho trí thông minh siêu việt được kiểm soát và an toàn theo quy tắc đã đặt ra.
Theo OpenAI, với những giải pháp quản lý và kiểm soát hiệu quả, AI sẽ trở thành một công cụ hữu ích cho con người, không phải là một mối đe dọa hay cạnh tranh. Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho thế giới một tương lai tốt đẹp hơn, nếu được sử dụng một cách có ý thức và trách nhiệm.
Minh bạch quản lý trí tuệ nhân tạo về thu thập dữ liệu
Mới đây, Chủ tịch OpenAI Greg Brockman cho biết OpenAI đang thử nghiệm cách thức thu thập dữ liệu lớn về các quyết định tác động tới trí tuệ nhân tạo. OpenAI đang hướng đến mô hình tương tự như của Wikipedia, đòi hỏi người dùng - với những quan điểm khác nhau - cùng thống nhất về nội dung đăng trên trang bách khoa toàn thư trực tuyến này.
Ông Brockman nhấn mạnh, việc tự mình đưa ra quy định quản lý cho tất cả mọi người là không khả thi, mà đây là một quá trình đưa ra quyết định mang tính dân chủ, minh bạch.
Là một trong những tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực AI, OpenAI - nhà phát triển ChatGPT đình đám thời gian qua - đặt mục tiêu tạo ra AI thân thiện có thể hợp tác với con người và phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Ông Brockman cho biết, trong tương lai, AI do OpenAI phát triển sẽ giải quyết một số thách thức lớn của thế giới như biến đổi khí hậu và điều trị bệnh ung thư.
Tuy nhiên, OpenAI nhận thức được rằng AI có thể gây ra những hậu quả không mong muốn nếu không được giám sát chặt chẽ. Trước những lo ngại về thông tin sai lệch, đảm bảo việc làm và các rủi ro tiềm tàng khác, ông Brockman cũng cho rằng sự can thiệp của các chính phủ thông qua khung pháp lý cụ thể có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn của những công nghệ siêu việt đang ngày càng phát triển.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google