Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT

Đắc Quang
16:08 - 16/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại tọa đàm chuyên đề "ChatGPT và các góc nhìn đa chiều" diễn ra chiều 15/2, diễn giả và khán giả đã có phần thảo luận sôi nổi về trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng.

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 1.

Tọa đàm chuyên đề "ChatGPT và các góc nhìn đa chiều" do Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam tổ chức. Ảnh: Đắc Quang

Diễn giả của tọa đàm về ChatGPT có Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC, Trưởng phòng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông;

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, chuyên gia về công nghệ giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;

Tiến sĩ Phạm Hiển, Trưởng phòng Biên tập - Trị sự Tạp chí Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học và Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: ChatGPT thúc đẩy việc học của chúng ta

Chatbot là công cụ không mới. Tại Việt Nam, chatbot đã được sử dụng trong lĩnh vực bán hàng như tư vấn trực tuyến.

Trong y tế, Chatbot làm tư vấn thời COVID-19. Trong lĩnh vực nhân sự, khi có nhân sự mới, chatbot sẽ hỗ trợ trả lời những câu hỏi quen thuộc, giúp tiết kiệm chi phí và nhân sự cho công việc này.

Đầu vào của ChatGPT như thế nào thì đầu ra như vậy. Bản chất mô hình thống kê của ChatGPT là mô hình "con vẹt", tức nó có thể trả lời đúng thông tin nhưng không hiểu ý nghĩa.

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC, Trưởng phòng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Đắc Quang

Câu trả lời của con người còn phụ thuộc vào cảm xúc, giá trị truyền thống, văn hóa... Đây là những yếu tố rất khó để tham số hóa.

Về ý kiến cho rằng ChatGPT, khi khắc phục được những hạn chế sẽ hơn con người nhiều mặt, tôi thấy, đa số chúng ta thua về chức năng so với những thứ con người đã tạo ra.

Chúng ta không tính nhanh bằng máy tính, không chạy nhanh bằng đi xe máy,… nhưng chúng ta vẫn thống trị thế giới này vì có tư duy, nhất là tư duy sáng tạo. Và các máy móc hiện nay chưa thể đạt được yếu tố như vậy.

ChatGPT có thể trở thành vũ khí, đồng thời là công cụ hữu ích trong công tác nghiên cứu, thậm chí mạnh hơn cả Google.

Tuy nhiên đầu vào của ChatGPT hiện tại vẫn là dữ liệu công khai, còn những câu hỏi liên quan đến dữ liệu không công khai thì công cụ này không thể trả lời.

Tôi dùng ChatGPT với những gợi ý về các lĩnh vực mình chưa biết. Những cái mình ít biết, hỏi ChatGPT cũng nhanh. Còn về chuyên môn, tôi không thỏa mãn thông tin nó trả lời vì chúng chỉ dừng lại ở thông tin rất cơ bản thôi.

Trên góc độ phát triển, ChatGPT là một trào lưu, cho thấy các sản phẩm ứng dụng công nghệ phải dễ dàng và thân thiện như con người với con người. Điều này càng thúc đẩy việc học của chúng ta.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ: ChatGPT không thể thay thế con người thực hành, trải nghiệm

Trong ngành giáo dục, Chatbot đã được sử dụng rất nhiều. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, các học sinh đã sử dụng nhiều công nghệ để thuận lợi cho việc học của mình. Ví dụ các em chụp ảnh bài toán của mình, sau đó đăng lên các trang mạng, sau đó đã có lời giải.

Mặc dù Việt Nam khuyến khích sử dụng công nghệ rất nhiều, nhưng thể chế cho việc sử dụng công nghệ như thế còn hạn chế.

Nhiều năm nay, cách dạy của chúng ta không có gì khác biệt lắm. Tại nhiều trường, chỉ khi có dự giờ thì mới có máy chiếu, sử dụng công nghệ, còn không là vẫn giảng dạy như trước.

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 3.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, chuyên gia về công nghệ giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Đắc Quang

Khi tiếp xúc với ChatGPT, tôi bị bất ngờ vì nó quá mạnh so với những cái Chatbot trước đó.

Dù chưa được cho phép dùng ở Việt Nam, nhưng khi tôi hỏi bằng tiếng Việt, Chat này cũng phản hồi được. Tôi đăng những bài toán khó ở mức điểm 9, 10 của các con tôi lên thì nó cũng xử lý ổn.

Với hạn chế không gian lớp học, trường học, tiêu cực của ChatGPT có thể nhìn thấy trước mắt là sự ứng phó của học sinh với công nghệ này. Cụ thể là học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể sử dụng nó vào việc gian lận. Thứ hai là lười suy nghĩ.

Trong khi công nghệ đã phát triển và ứng dụng vào giáo dục rất nhiều, nhanh như bây giờ, thì chuyển đổi trong giáo dục ở nước ta vẫn còn quá chậm. Đây là thách thức lớn đối với quản lý giáo dục và đặt ra vấn đề thay đổi việc dạy – học ở các cơ sở giáo dục.

Với giáo dục phổ thông, nếu chỉ dừng lại ở giải được bài toán phổ thông, nắm được quy trình mà không thực hành, sử dụng kiến thức đó vào thực tế được thì ChatGPT sẽ là thách thức. Đáng lo ngại nhất trong giáo dục là người học chán học thật, chỉ theo đuổi những thứ bề ngoài.

Mỗi công nghệ tạo ra xu hướng thì mọi người sẽ chạy theo nó. Nhưng nếu công nghệ đó không đi sâu vào bản chất công việc thì mọi người sẽ sớm quên ngay nó.

ChatGPT là trợ lý, những gì hỏi đáp về mặt kiến thức bản, hãy hỏi. Còn nếu tư duy, trải nghiệm, thực hành thì ChatGPT không thể, chỉ con người mới có thể tự thực hiện.

Chúng ta phải học cách để mình làm được, sáng tạo được rồi trải nghiệm với bản thân mình, hơn là học định lý được phát biểu như nào, sự kiện ấy ngày tháng bao nhiêu.

Về học thuật, nếu sử dụng ChatGPT để đạo văn thì chắc chắn sẽ bị loại.

Và khi công cụ này được sử dụng phổ biến, cả người dạy và người học sẽ nhận ra rằng phần con người xã hội cần được chú trọng để tạo ra môi trường giáo dục tốt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh: Khi ChatGPT vào Việt Nam, cần có hành lang pháp lý

Hiện tại ChatGPT được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỉ tham số và 300 tỉ từ mà đã thông minh như vậy, khi tăng lên hàng chục lần các tham số, từ ngữ đó thì nó sẽ như thế nào?

Những hạn chế của ChatGPT có thể sẽ được khắc phục sớm, ngày càng hoàn thiện hơn. Hoặc chí ít chúng cũng sẽ chỉ có sai số trong phạm vi chấp nhận được.

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 4.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam. Ảnh Đắc Quang

Tôi rất hoan nghênh ChatGPT. Nó có thể giúp tôi như một trợ lý ảo. Tôi có thể huấn luyện nó theo kiến thức, thông tin đầu vào của tôi, phù hợp với chuyên môn, công việc của tôi. 

Hiện nay, tôi đang quá mất công trong việc chuẩn bị thông tin, chuẩn bị sách, nhưng nếu có người giúp đỡ thì quá tốt.

Hiện nay chúng ta mới đang tiếp cận vui chơi với ChatGPT. Nếu công cụ này vào Việt Nam thì người ta sẽ không còn đùa vui nữa mà sẽ sử dụng nó vào công việc hàng ngày.

Sinh viên muốn làm khóa luận cũng đã dùng rồi. Các nhà khoa học viết bài báo, tạp chí thì cũng có thể dùng nếu không có cơ chế cấm,… Lúc đó sẽ có vàng thau lẫn lộn. Chúng ta phải hành lang pháp lý với ChatGPT để vẫn phát huy điểm mạnh mà vẫn ngăn chặn mặt hại của công cụ này.

Từ nhà nước, doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học, công nghệ, giáo dục… vừa là thách thức, vừa mở ra nhiều cơ hội mới. Sự phát triển của ChatGPT bắt buộc chúng ta phải nghĩ lại về cách học và cách dạy, cách ứng xử giữa người với người, người với công nghệ, và suy nghĩ lại rất nhiều thứ.

Khi công nghệ càng phát triển thì càng trở thành động lực để con người phát triển.

Con người, nhất là thế hệ trẻ lập tức phải suy nghĩ lại rằng công nghệ có thể vô trách nhiệm, không có đạo đức nhưng chúng ta phải sử dụng nó có trách nhiệm và có đạo đức.

Tiến sĩ Phạm Hiển: ChatGPT không ảnh hưởng đến giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 5.

Tiến sĩ Phạm Hiển, Trưởng phòng Biên tập - Trị sự Tạp chí Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học. Ảnh: Đắc Quang

Việc sử dụng công cụ này không ảnh hưởng gì đến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bởi để khai thác công cụ này, người dùng phải nhập câu hỏi đầu vào.

Nếu chúng ta muốn câu trả lời – đầu ra chuẩn thì nội dung đầu vào phải chuẩn đã. Do đó, với mục đích tốt, trong sáng và người sử dụng với ý nghĩa xây dựng thì sẽ không gây ảnh hưởng đến sự trong sáng của Tiếng Việt.

Chỉ nên dừng lại ở việc coi ChatGPT là một công cụ. Sản phẩm sẽ giúp giải phóng sức lao động con người với những dữ liệu phổ thông, để chúng ta tập trung sáng tạo, vào các công việc khác.

Tiến sĩ Chử Đức Hoàng: ChatGPT thúc đẩy chuyển đổi số

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 6.

Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Đắc Quang

Đối với khía cạnh quản lý nhà nước, ChatGPT chỉ là công cụ, vấn đề là chúng ta cư xử với nó như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.

Đầu tiên là thúc đẩy ứng dụng và khoa học công nghệ. Thứ 2, tạo ra cơ chế thử nghiệm để có cơ sở ứng dụng công nghệ. Thứ 3 là chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy công nghiệp 4.0, chúng ta theo các định hướng đó để phát triển.

ChatGPT sẽ kết nối được với dữ liệu khổng lồ, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nhanh nhất yêu cầu về tìm kiếm và tạo ra những dữ liệu mới.

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 7.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung: "Ngôn ngữ tự nhiên là sản phẩm vĩ đại, kỳ diệu của tạo hóa. ChatGPT hay AI không thể thống kê hết tất cả các ngữ cảnh để trả lời mọi câu hỏi. ChatGPT chỉ có thể tiệm cận đến câu trả lời phù hợp của con người". Ảnh: Đắc Quang

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 8.

Khách mời tham gia tọa đàm: "Giống như việc cấm nhân bản vô tính con người, cũng cần cân nhắc quy định cấm đưa trí tuệ cảm xúc, tình cảm vào AI".

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 9.

Khách mời tham gia tọa đàm: "ChatGPT hay AI mới chỉ có trí tuệ, thiếu tình cảm, cảm xúc, sự chân thành, chính xác, sinh động. Do đó, không thể thay thể con người".

Những góc nhìn đa chiều về ChatGPT - Ảnh 10.

Khách mời tham gia tọa đàm: "ChatGPT sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng các trường học số".

Tổng kết tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh cho rằng ChatGPT là một công cụ hỗ trợ con người, đồng thời cũng tiềm ẩn những tác hại, nguy cơ.

Vấn đề đặt ra là những nhà khoa học, đặc biệt thế hệ trẻ cần suy nghĩ, có bản lĩnh để đón nhận, đáp ứng nhu cầu mọi mặt đời sống, cho công việc và sự phát triển.

"ChatGPT hiện tại không được nuôi dưỡng bởi trái tim, không được nuôi dạy bởi những văn hóa, truyền thống đạo đức… Và dù nếu trí tuệ siêu việt như vậy, sẽ khiến con người cảm thấy mình càng nhỏ bé hơn nữa. Đây là động lực để con người phát triển", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh nhấn mạnh.