Dạy và học trải nghiệm để giảm thiểu dạy thêm, học thêm

Ly Hương
09:32 - 13/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cho đến nay vẫn là hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm. Có thể thấy việc dạy và học thêm vẫn có tác dụng nhất định đối với quyền lợi người học, chỉ cần các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định này.

Việc dạy thêm, học thêm quy định như thế nào?

Ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn 2499/QĐ-BGDĐT ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (ngày 16/5/2012) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, Điều 4 quy định các trường hợp không được dạy thêm (trích): Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Điều 5 quy định tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường (trích): Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết;

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Điều 7 quy định thu và quản lý tiền học thêm (trích): Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Như thế, việc dạy thêm học thêm vẫn được thực hiện theo Điều 4, Điều 5, Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Dạy và học trải nghiệm để giảm thiểu dạy thêm, học thêm - Ảnh 1.

Giáo viên có nhiều phương pháp dạy và học phong phú có thể giảm thiểu dạy và học thêm.

Giảm thiểu dạy thêm học thêm bằng giáo dục trải nghiệm?

Có thể nhận thấy, nguyên nhân của tình trạng học sinh vẫn bươn bả học thêm là do chương trình học quá tải, hàn lâm. Phương pháp dạy và học nặng về nhồi nhét lí thuyết. Ngoài ra, áp lực kiểm tra, thi cử, bệnh thành tích... khiến học sinh phát sinh nhu cầu học sinh và giáo viên thì cũng có lý do dạy thêm để kiếm thêm thu nhập.

Vậy nên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần thực hiện một số hoạt động sau ở mức độ thường xuyên để giảm thiểu việc học thêm cho học sinh.

Giáo viên có thể liên hệ bài học với cuộc sống hàng ngày của học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng vào đổi mới phương pháp giáo dục, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Học thông qua chơi tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đa dạng loại hình chơi, đảm bảo các em được học thông qua hoạt động và học qua trải nghiệm, từ đó có những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 và tạo nền tảng bền vững cho sự nghiệp học tập suốt đời.

Cùng với đó, giáo viên cần động viên, khích lệ các học sinh có học lực yếu hơn để các em có nhiều cơ hội tham gia vào bài học. Mỗi khi học sinh hiểu được bài cho dù chỉ ở mức tối thiểu thì đó cũng chính là động lực để các em tự học, học từ bạn bè để tiến bộ từng ngày mà không cần phải đi học thêm.

Bên cạnh đó, đề kiểm tra, đề thi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, để tránh hàn lâm như đề của các tỉnh thành khác, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2019-2020 có rất nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn không khó về mặt tính toán, học sinh dễ dàng làm được bài.

Ngoài ra, giáo viên cần nhận thức đúng chương trình dạy thêm bên ngoài trường hướng đến các kì kiểm tra, kì thi nhiều hơn là đến phát triển năng lực của học sinh. Học sinh có thể đạt điểm cao qua các bài kiểm tra, bài thi nhưng sau đó kiến thức đọng lại cũng chẳng là bao. Việc ép học sinh đi học thêm bên ngoài nhà trường sẽ khiến cho các em học không hiệu quả.

Và cuối cùng, việc sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Hiện nay, lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn tiền hỗ trợ sinh viên sư phạm. Nhà nước cần cải cách tiền lương cho đội ngũ nhà giáo thay vì chỉ tăng lương cơ sở thì sẽ giảm thiểu việc dạy thêm và học thêm. Học sinh cũng được thỏa mãn với chương trình chính khóa mà không lo đi học thêm.