Những mốc son của nền giáo dục cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945

Lê Văn Huân
06:06 - 01/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà đồng thời cũng khai sinh nền giáo dục cách mạng Việt Nam với các tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Nhiệm vụ giáo dục "chống giặc dốt" là một trong các nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới

Tiếp theo bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc trước quốc dân đồng bào tuyên bố với thế giới về sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày các vấn đề nội chính của Chính phủ, trong đó mục tiêu giáo dục được xác định: "Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức, chắc chắn là bậc sơ học sẽ cấp bách trong thời hạn rất ngắn, sẽ thi hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết, ngay trong hoàn cảnh eo hẹp này, chúng ta cũng phải quyết tiến hành".1

Nhà nước Việt Nam đã coi các nhiệm vụ kinh tế, giáo dục quốc phòng phải gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc kêu gọi toàn dân thực hiện 3 nhiệm vụ trọng đại và cấp bách là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Những mốc son của nền giáo dục cách mạng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 - Ảnh 1.

Trong bức thư gửi cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ giáo dục - chống giặc dốt - là một trong các nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới với lời khẳng định nổi tiếng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

Chính phủ đã khẩn trương tiến hành chương trình phát triển giáo dục với những công việc thiết thực về thể chế, cơ chế.

Ngày 8/9/1945, không đầy một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục đã được ban hành:

Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ;

Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân;

 Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền.

Cũng trong tháng 9/1945, Bác Hồ cũng đã gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức thư là cương lĩnh của nền giáo dục mới với mục tiêu phát triển một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam, coi người học ở vị trí quan trọng nhất của tiến trình phát triển giáo dục, tiến trình đào tạo với những lời tha thiết: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".2

Khoá huấn luyện cán bộ bình dân học vụ đã khai mạc tại Hà Nội mang tên Khóa Hồ Chí Minh ngay trong tháng 10/1945. Tiếp theo khóa này còn có các khoá dành cho miền núi gồm 75 đại biểu của các dân tộc Mường, Tày, Dao, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng.

"Nền giáo dục mới là nền giáo dục duy nhất chung cho toàn thể nhân dân"

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập Ban Đại học Việt Nam.

Cũng trong tháng 10/1945, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục ra tuyên bố nêu rõ mục đích nội dung phương pháp và tổ chức của nền giáo dục mới.

Về mục tiêu giáo dục, Tuyên bố khẳng định: "Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của mọi người để phụng sự đoàn thể và góp phần vào cuộc tiến hóa chung của nhân loại".

Về nội dung, phương pháp giáo dục, Tuyên bố nhấn mạnh: "Phương pháp của nền giáo dục mới là xóa bỏ lối học nhồi sọ, hình thức, chú trọng phần thực học. Phần học về chuyên môn nghề nghiệp chiếm một vị trí quan trọng, hết sức đề cao tinh thần khoa học nhằm giúp học sinh có lối nhận thức khoa học, phát triển óc phê bình, óc phân tích và tổng hợp tinh thần sáng tạo và óc thực tế".

Về tổ chức giáo dục, Tuyên bố xác định "Nền giáo dục mới là nền giáo dục duy nhất chung cho toàn thể nhân dân".1

Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong tháng 10/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34/SL thành lập Hội đồng cố vấn học chính. Theo sắc lệnh này, Hội đồng có nhiệm vụ giúp chính phủ nghiên cứu chương trình cải cách giáo dục theo dõi sự thực hiện chương trình đó và góp ý kiến về các vấn đề khoa học giáo dục.

Tha thiết với sự khai sáng dân tộc theo tôn chỉ của nền giáo dục mới, trên cương vị Chủ tịch nước, trong năm 1946, dù phải giải quyết biết bao nhiêu việc trọng đại về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, Bác Hồ vẫn dành thời gian chăm lo việc hoàn thiện các thể chế và bộ máy của nền giáo dục. Người có những lời phát biểu, kêu gọi thể hiện quyết tâm của Nhà nước cách mạng xây dựng nên giáo dục toàn dân, huy động lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, khích lệ cho cán bộ phương châm sống "học tập suốt đời", động viên toàn dân tộc coi trọng việc nâng cao trí thức để xây dựng phát triển đất nước là công việc quan trọng.

Ngày 21/1/1946, trả lời các nhà báo, Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bác khởi động cho toàn dân sự hiếu học, sự quan tâm đến công tác giáo dục theo phương châm: "Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo".2

Khoảng giữa tháng 5/1946, Bác gặp đồng chí Nguyễn Thị Định từ miền Nam ra công tác, Bác hỏi chuyện và căn dặn: "Cô ở ngoài học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lí luận học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ bị vấp té".3

Lời căn dặn của Bác lúc đó đối với đồng chí Nguyễn Thị Định đã nhanh chóng truyền đến cán bộ đảng viên, cán bộ đoàn thể gây ý chí tự học mạnh mẽ vừa làm vừa học đối với nhiều cán bộ chủ chốt.

Ngày 21/10/1946, khi đi Pháp về đến dự cuộc đón tiếp của đồng bào Hải Phòng, Người kêu gọi: "Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái".4

Ngày 5/11/1946, biết không tránh được cuộc kháng chiến chống lại các thế lực hiếu chiến của thực dân Pháp, Người viết Chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ" nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là kháng chiến và kiến quốc và dù tình hình đã rất khẩn trương người vẫn quan tâm đến công tác bình dân học vụ của thủ đô Hà Nội. Ngay chiều hôm đó, Người đã đến thăm lớp bình dân học vụ ở Hàng Than và ghi vào sổ vàng của nhà trường dòng chữ: "Thầy siêng dạy học; Trò siêng học; Thế là tốt lắm"3. Chính ý tưởng này đã làm cho thập niên 60 của thế kỉ trước Bác phát động phong trào thi đua 2 tốt: Dạy tốt - Học tốt trong các nhà trường.

Hơn 78 năm trôi qua, ôn lại một số mốc son của nền giáo dục cách mạng những năm đầu của chính thể dân chủ cộng hoà, chúng ta vô cùng tự hào về những ý tưởng, quan điểm giáo dục của Đảng, Nhà nước ta, của Bác Hồ kính yêu ngay từ lúc đó đã khá trùng hợp với tư tưởng giáo dục hiện đại mà thế giới ngày nay thường nhấn mạnh trong bối cảnh phát triển giáo dục của kỉ nguyên mới. Đó là tư tưởng "giáo dục cho mọi người", "học tập suốt đời"…

Tiếp thu và thực hiện các quan điểm này, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong các cuộc kháng chiến trường kì diễn ra 30 năm (1945-1975) chống lại các thế lực thù địch hung bạo. Ngày nay, nền giáo dục Việt Nam tiếp tục có những nỗ lực mới phát huy các thành tựu đã có, cố gắng khắc phục những bất cập thiếu sót để góp phần hiệu quả vào sự nghiệp chống nghèo nàn lạc hậu đưa đất nước bước vào kỉ nguyên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tài liệu tham khảo

1. Những sự kiện giáo dục phổ thông 1945-1985. Viện Khoa học Giáo dục xuất bản, năm 1985.

2. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4; trang 8, 32, 33, 161, 37). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

3. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (tập 3; trang 119, 200, 326). Nhà xuất bản Sự Thật, năm 1992.

4. Việt Nam chống nạn thất học. Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1980.

Bình luận của bạn

Bình luận