75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - ghi sâu lời dặn "diệt giặc dốt"

Thuỵ Văn
05:45 - 11/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trên cả nước. Ghi sâu lời dặn của Người về diệt giặc dốt, nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân ta đang hướng đến xây dựng cả xã hội học tập, xây dựng một dân tộc mạnh về tri thức.

Ra đời cách đây 75 năm, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng đất nước hùng cường. 

Từ đó đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã động viên, hiệu triệu, khích lệ cả dân tộc trong mọi lĩnh vực, nhà nhà, người người đều thi đua.

Lịch sử dân tộc ghi nhận hiệu quả từ những phong trào Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, vận động Đời sống mới, Quỹ Độc lập, thi đua trong lao động sản xuất... Chính những phong trào này đã đưa đất nước ta vượt qua khó khăn từng thời kỳ, có được những bước tiến đáng tự hào.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đã đặt nền móng cho các phong trào thi đua sau này. Thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi công dân mà còn nêu cao tinh thần yêu nước. Thi đua để mọi công dân đều làm việc tốt hơn, làm nhiều hơn. 

75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động. 

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mọi tầng lớp nhân dân phải lấy tự học làm cốt.

Từ chống nạn mù chữ, diệt giặc dốt...

Năm 1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Lời kêu gọi của Bác Hồ về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và thấy rõ trách nhiệm của mình. Những nhà có nhà ở rộng rãi mở lớp học tư gia cho bà con xóm giềng, nhiều hoà thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ để làm lớp học...

Lớp học mở ra rộng khắp, học trưa, học chiều, học tối. Có lớp rất đông, có lớp chỉ một thầy một trò. Chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để đi đâu cũng va phải chữ. Những người nào đọc được chữ viết trên bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là "Cổng vinh quang" để đi vào chợ, sang sông, về làng...

Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ, dân ta đã thoát nạn mù chữ. 

Vinh quang ấy có được từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi công dân trước hết phải vươn tới tầm cao học tập mới có thể nghĩ tới việc sánh vai với bè bạn quốc tế, khẳng định vị thế quốc gia, dân tộc. 

75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - ghi sâu lời dặn diệt giặc dốt - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" ngày 10/6 tại Hà Nội.

... đến xã hội học tập 

Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Lấy mốc 75 năm ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự kiện này, một lần nữa, lời kêu gọi chung tay xây dựng xã hội học tập lại được phát động. 

Người đứng đầu Chính phủ đã đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để góp phần thiết thực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tại buổi lễ có ý nghĩa khởi động phong trào học tập tầm cao mới này, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các địa phương đều cam kết hưởng ứng phong trào thi đua, đưa dân tộc ta tiến lên tầm tri thức mới. 

Đây cũng là dịp, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta được ôn lại những lời thấm thía trong toàn văn Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời năm 1948. 

75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - ghi sâu lời dặn diệt giặc dốt - Ảnh 4.