Từ phong trào diệt giặc dốt tới xây dựng xã hội học tập

PV
15:34 - 19/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngay sau ngày tuyên bố đất nước được hoàn toàn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xoá mù chữ, coi mù chữ như một “quốc nạn”. Từ một đất nước có hơn 95% người mù chữ, đến nay, phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã lan toả, góp phần xây dựng xã hội học tập trong toàn quốc.

Từ phong trào diệt giặc dốt tới xây dựng xã hội học tập- Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong Hội nghị tổng kết bình dân học vụ năm 1956. Ảnh tư liệu

Xoá hoàn toàn mù chữ 

Vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và khi trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau cách mạng tháng 8/1945, phong trào Bình dân học vụ được phát động, nhanh chóng lan tỏa tới từng làng, từng xã, với mục tiêu “diệt giặc dốt”, và sau đó phát triển mạnh mẽ trong thời gian hoà bình lập lại trên miền Bắc.

Hình ảnh những lớp học “i tờ” trong ánh đèn dầu, lớp học với trẻ em và người lớn các thế hệ cùng say sưa tô từng nét chữ, câu chuyện về những “barie kiểm tra bài học” tại các đường  liên thôn, liên xã... là những minh chứng rõ nét cho lòng ham học của người dân và phong trào bình dân học vụ ở nước ta.

Hệ thống trường bổ túc văn hóa công nông cùng với trường phổ thông lao động được hình thành và phát triển rộng khắp.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Thực trạng nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945 rất thấp. Nước ta có 20 triệu dân thì chỉ có 5% người biết chữ. Chính vì vậy, ngay sau ngày 2/9/1945, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền non trẻ khi đó là xóa nạn mù chữ. Chưa đầy 1 tuần sau ngày độc lập, Ủy ban xóa mù chữ đã được thành lập.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, những năm 1946-1947, Ủy ban xóa mù chữ hoạt động tốt, sau đó thì hoạt động không đều. Phải đến sau năm 1954, phong trào xóa nạn mù chữ ở hai miền mới lại tiếp tục phát triển mạnh. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, phong trào bình dân học vụ lại được khơi dậy ở khắp nơi, đầy khí thế. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành ở miền Nam cơ bản thanh toán nạn mù chữ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Uỷ ban quốc gia chống mù chữ và phổ cập tiểu học được thành lập, chỉ đạo cả nước phấn đấu đạt chuẩn theo các mức đề ra cho miền đồng bằng và miền núi khó khăn.

GS Phạm Minh Hạc nhớ lại: "Đến khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì vấn đề xoá mù chữ đã trở thành vấn đề toàn cầu. Việt Nam đặt yêu cầu ở các độ tuổi: 14, 16 đến 35 phải biết chữ... Chúng tôi tham gia vào những lớp học vùng khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nguyên. Đồng thời, tổ chức hội nghị từng vùng một để đưa ra các giải pháp phù hợp. Một không khí học tập sôi nổi diễn ra ở toàn quốc”.

GS Phạm Minh Hạc cho biết: Lòng hiếu học của nhân dân được phát động, làm rõ vùng sáng của bức tranh “xóa mù chữ”. Đến năm 1990, đội ngũ giáo viên phát triển sâu rộng. Việc tổ chức lớp học khá bài bản, giáo viên đứng lớp, người biết chữ dạy người chưa biết chữ và học bất kể thời gian nào trong ngày và cuối tuần. Tinh thần hiếu học của nhân dân được lan tỏa và thu được những kết quả rất tự hào.

Kết quả, đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03 % số quận, huyện; 98,53% số xã/phường đã được  công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15- 35 đã biết chữ. Kỳ tích này tạo bước chuyển mạnh mẽ để giáo dục Việt Nam bước sang giai đoạn mới.

Đến nay, 97,35% dân số trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ, tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng lên 92,56%; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.

Phát triển nền giáo dục học tập suốt đời

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao, 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn mức độ 2 và 3. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

GS.TS Phạm Tất Dong, Nhà giáo, nhà khoa học về giáo dục cho rằng: Việt Nam có những bước tiến lớn trong công cuộc xóa nạn mù chữ. Góp sức vào công cuộc này, không chỉ là sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo, mà còn phải kể đến sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội.

Sự ra đời các trung tâm học tập cộng đồng ngày nay đã góp phần xoá nạn mù chữ bằng việc mở các lớp học và phát động nhiều hoạt động học đa dạng, giúp người học phát triển khả năng đọc và viết. Từ đó giúp người dân cải thiện cuộc sống, nhất là người dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cơ hội tiếp cận giáo dục còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh xóa mù chữ, việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi cũng được xem là “điểm sáng” của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng để củng cố và đổi mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm và từng bước hiện đại hoá. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong suốt những năm qua, giáo dục Việt Nam đã đạt những mốc son trong công tác “diệt giặc dốt”, tiến tới tạo một xã hội học tập suốt đời, là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. 

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo