Giáo dục Việt Nam xếp thứ 59 thế giới

Thiên Ân
10:45 - 19/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn không ngừng được nâng lên

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Ngành Giáo dục đã tích cực xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. 

Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của khu vực và quốc tế. 

Giáo dục Việt Nam xếp thứ 59 thế giới

Năm học 2022-2023, học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của khu vực và quốc tế. Ảnh: Phạm Hưng

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen.

Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn quốc đạt 98,88%, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuyển dụng được 17.208 giáo viên

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023". 

Đây là dịp để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước với khoảng 40 nghìn điểm cầu và hơn 1 triệu nhà giáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như trong năm học 2022-2023 như: Công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ; thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.