Lịch sử "diệt giặc dốt" trường kỳ, liên tục của Việt Nam
Nhìn lại lịch sử khuyến học, khuyến tài của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 thấy rằng, Đông Kinh nghĩa thục, Truyền bá Quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa… là những phong trào lớn trong lịch sử Việt Nam nhằm "diệt giặc dốt".
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt (1858-1884) đánh chiếm dần các tỉnh phía Nam rồi tiến quân ra phía Bắc. Hà Nội là vùng đất cuối cùng bị thực dân Pháp bình định. Lúc đó người Pháp tổ chức giáo dục bảo hộ tại Việt Nam, lập trường tiểu học ở Nam Kỳ và loại bỏ môn chữ Hán.
Vào thời điểm đó, ở Bắc Kỳ chưa có trường do Pháp xây dựng. G.Domoutier, một nhà nghiên cứu về Việt Nam đã nói rõ quan điểm giáo dục của người Pháp ở Việt Nam: "Pháp luật chỉ đàn áp được một thời gian, chỉ có giáo dục mới chinh phục được con người mãi mãi".
Nhà trường là công cụ mạnh nhất và chắc chắn nhất trong tay kẻ đi chinh phục, và sau khi người lính hoàn thành công việc của mình thì đến lượt giáo viên thực hiện nhiệm vụ của họ. Đó là quan điểm của họ!
Đại tá Bécna viết: Về phương diện tinh thần, người Pháp không tổ chức một nền giáo dục mới thay thế cho nền giáo dục An Nam mà họ đã bỏ đi. Họ chỉ xây dựng một ít trường học để đào tạo ra những con vẹt, những người vong bản thiếu đạo đức và thiếu cả kiến thức phổ thông.
Trong bản báo cáo về tình hình Đông Dương, tướng Panơcanh cũng viết: Trong 50 năm chiếm đóng ở Nam Kỳ và 25 năm chiếm đóng ở Bắc Kỳ, những trường học Pháp không đào tạo được một người An Nam thực sự có học thức.
Chiêu bài "Khai phá văn minh" của thực dân Pháp là mở trường học không vì thiện chí và là cần đào tạo lao động và tay sai, và xa hơn là nhằm đồng hóa lâu dài người bản xứ. Chính phủ Bảo hộ Pháp muốn thế hệ trẻ ở thuộc địa hiểu nền văn minh Pháp, coi ngôn ngữ Pháp như tiếng mẹ đẻ và từ đó coi khinh nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm 1919, Albert Sarraut ra lệnh bãi bỏ các trường học chữ Hán, cấm các trường tư, chỉ cho phép hoạt động đối với trường của Thiên Chúa giáo do những cố đạo người Pháp tổ chức, thi hành chính sách hạn chế việc học ở mức thấp nhất.
Năm 1924, Toàn quyền Merlin thi hành chính sách cải cách giáo dục theo tinh thần "phát triển giáo dục theo chiều nằm, không theo chiều đứng". Kết quả là, ở Việt Nam sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), trên 95% dân số mù chữ. Chính phủ Bảo hộ Pháp chủ trương "ngu dân" để dễ bề cai trị.
Vì dốt, chúng ta mất nước. Vì dốt, dân ta phải chịu làm nô lệ hơn 80 năm!
Thế hệ cha anh của chúng ta rất hiểu nỗi đau đớn đó, do vậy, khi tiến hành cách mạng để giành lại độc lập quốc gia, hạnh phúc dân tộc, học tập là một giải pháp không tách rời mọi hoạt động giải phóng đất nước, giải phóng con người.
Các cuộc vận động lớn để giành lại độc lập, tự do của dân tộc ta từ đầu thế kỷ 20 đến cách mạng tháng Tám năm 1945 như "Đông Kinh nghĩa thục", "Truyền bá quốc ngữ" đều là những phong trào với quy mô toàn dân, chống nạn mù chữ, dốt nát. Nội dung các phong trào đó bao hàm những công việc khuyến học, khuyến tài, khai sáng trí tuệ để từ đó giác ngộ cách mạng. Chỉ có học tập, học tập không ngừng thì cuộc cách mạng giải phóng mới mang tính tự giác.
Đông Kinh nghĩa thục
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, để chống lại sự thống trị tàn bạo của bọn thống trị Pháp, nhiều phong trào quần chúng đã nổi dậy để thoát khỏi tình cảnh bị đô hộ, thoát khỏi nghèo đói và ngu dốt, nhưng đều bị thất bại. Đặc biệt phải kể đến phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp dưới hình thức của một cuộc khởi nghĩa. Sự tan vỡ của phong trào Cần Vương cho thấy, đất nước ta thời kỳ đó đang trong cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Giữa lúc đó ở Nhật Bản và Trung Quốc nổi lên phong trào Duy Tân như một trào lưu tư tưởng và hành động mới. Phong trào được những phần tử ưu tú nhất của xã hội phương Đông khởi xướng. Phong trào Duy Tân có ảnh hưởng tới nước ta khiến nhiều nhà Nho yêu nước của Việt Nam chú ý. Những tác phẩm có nội dung duy tân của Nhật Bản và Trung Quốc vào Việt Nam đã giúp các nhà Nho thấy được một hướng đi xóa bỏ chế độ phong kiến và tán thành việc đề cao tư tưởng dân chủ, khai sáng của phương Tây.
Những ảnh hưởng của xu thế duy tân từ Nhật Bản và Trung Quốc đã có tác động hình thành hai phái trong công việc vận động cứu nước ở Việt Nam. Phái chủ trương giành độc lập bằng phương pháp bạo động thì tổ chức hoạt động bí mật trong nước, đồng thời cho người sang Nhật Bản và Trung Quốc để học hỏi. Phái chủ trương vận động đổi mới ngay trong nước triệt để khai thác các điều kiện công khai trước nhà cầm quyền Pháp thì vận động nhân dân nâng cao dân trí, xóa bỏ sự hủ bại trong xã hội, chống lại tình trạng "dân ngu, nước yếu".
Tiêu biểu cho phái thứ nhất là Phan Bội Châu và cho phái thứ hai là Phan Chu Trinh. Tuy là hai xu hướng cách mạng khác nhau, nhưng những người của hai phái lại có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ nhau hoạt động.
Những chí sĩ theo phái của Phan Chu Trinh như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Trần Quý Cáp… đã sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục và đưa ra Bản "Văn minh tân học sách" như một đề cương văn hóa mang tính cách mạng khá triệt để.
Đông Kinh nghĩa thục là một mô hình trường tư, xây dựng theo mẫu Keio Gijuku (Khánh Ứng Nghĩa thục) của Nhật Bản. Loại hình trường này có 3 đặc trưng:
1. Đông Kinh nghĩa thục là một cuộc cách mạng tư tưởng – văn hóa tiến hành bằng phương pháp giáo dục. Mục tiêu hướng tới là: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
2. Đông Kinh nghĩa thục là trường học có nhiều điểm cấp tiến cả về chuyên môn lẫn tổ chức, đem lại sự chuyển biến cách mạng về nội dung giáo dục và phương pháp giảng dạy.
3. Đông Kinh nghĩa thục vạch trần luận điệu "bảo hộ" và "khai hóa" của thực dân Pháp với chính sách "ngu dân" của chúng. Đông Kinh nghĩa thục cổ vũ cho sự chấn hưng nông, công, thương nghiệp, đề cao lòng yêu nước và phát huy văn hóa dân tộc.
Khai dân trí để dân tộc thay đổi lối tư duy cũ dưới ảnh hưởng Nho giáo, nhận thức được những vấn đề của thời đại, từ đó xóa bỏ chế độ nô lệ của thực dân Pháp, xây dựng đời sống mới.
Chấn dân khí để người dân thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, giác ngộ quyền lợi, đấu tranh chống lại chế độ áp bức, bóc lột.
Hậu dân sinh là giúp dân học hỏi trong lao động, trong đời sống nhằm phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, đẩy mạnh kinh tế, làm cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Về "Văn minh tân học sách", ta có thể hiểu đây là vấn đề "Văn hóa đọc sách" mà ngày nay ta đang cổ vũ.
Trong "Văn minh tân học sách", các nhà Nho duy tân nêu lên 6 giải pháp mở mang dân trí, xây dựng văn hóa, vươn tới văn minh:
- Dùng văn tự nước nhà, học chữ quốc ngữ.
- Hiệu đính sách vở, phổ biến các tác phẩm có giá trị của Việt Nam, phản đối chỉ đọc sách Trung Quốc, bỏ sách ta.
- Sửa đổi phép thi, phê phán cách thi cử nghiệt ngã và vô lối, không trọng sự sáng tạo và uyên thâm, bắt con người phải gò bó vào luật thi khiến không chọn được người tài.
- Cổ vũ nhân tài, mở dân trí thì trước hết phải mở trí phái thân sĩ, tạo nên đội ngũ người tài giúp ích thiên hạ.
Chấn hưng công nghệ, coi phát triển công nghệ là việc hệ trọng của quốc gia, "ta không hơn người thì người bỏ rơi ta".
Mở tòa báo, coi báo chí là công cụ quan trọng để mở mang dân trí.
Triết lý giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục là "Nước lấy dân làm gốc". Phan Chu Trinh viết: "Nền quân chủ sẽ ra đi, quốc gia còn lại vì dân là gốc của nước.
Thực dân Pháp nhận ra mối nguy hiểm của Đông Kinh nghĩa thục nên tháng 11/1907 đã giải tán loại hình trường này và đàn áp những nhà Nho đã tổ chức phong trào học tập toàn dân như một phong trào cách mạng.
Truyền bá quốc ngữ
Sau khi đàn áp và giải tán Đông Kinh nghĩa thục, thực dân Pháp ra sức thực hiện chính sách "ngu dân", hạn chế mức tối đa trong việc mở trường tiểu học, và có mở trường tiểu học thì duy trì kiểu trường tiểu học chỉ có đến lớp 3 là cùng. Đó là chủ trương chỉ mở trường để học sinh chỉ biết đọc, biết viết.
Vào những năm 1917-1919, những người muốn mở trường tư để dạy chữ quốc ngữ đều phải tổ chức trường của mình theo mô hình nói trên, hơn nữa, một lớp mà quá 5 học sinh thì phải được phép chính quyền thực dân.
Người Pháp rất sợ những thanh niên Việt Nam đi du học nước ngoài, coi họ là kẻ có tư tưởng nổi loạn. Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã nói rõ quan điểm của thực dân Pháp: "Để cho lớp thượng lưu trí thức được đào tạo ở nước ngoài, thoát khỏi vùng kiềm tỏa của chúng ta, chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị của nước khác, thì thật là một điều nguy hiểm vô cùng. Những người trí thức đó về nước đã đưa hết tài năng của họ để tuyên truyền chống đối lại chúng ta là những người bảo hộ đã ngăn cấm không cho họ học tập".
Ngày 3/2/1930, nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu "Thực hành giáo dục toàn dân".
Phong trào học chữ quốc ngữ trở nên rầm rộ khi bùng nổ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Việc chống nạn mù chữ được gắn liền với nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng.
Tiếp theo phong trào này, Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã mở nhiều lớp học chữ quốc ngữ cho nông dân, công nhân và thanh niên. Nhiều nhóm đảng viên cộng sản và cá nhân cũng đứng ra mở lớp xóa mù chữ quốc ngữ. Rất nhiều thanh niên trí thức đã đến từng xóm lao động để vận động dân nghèo học để xóa mù chữ. Việc mở các lớp học xóa mù chữ quốc ngữ trở thành mối nguy hiểm đối với thực dân Pháp, do đó chúng đã huy động bộ máy cai trị thực dân và bộ máy tay sai phong kiến bản xứ kiểm tra gay gắt việc tổ chức lớp xóa mù chữ quốc ngữ, nơi nào bị lộ, chúng bắt người mở lớp bỏ tù.
Năm 1938, lợi dụng Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm Chính quyền, Đảng Cộng sản đã tổ chức một số hoạt động công khai, trong đó có kế hoạch lập ra một tổ chức có chức năng chống mù chữ quốc ngữ, mang ánh sáng văn hóa đến với người nghèo. Đây cũng là giải pháp để có đông đảo người dân sử dụng được những tài liệu cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Đảng giao cho đồng chí Trần Huy Liệu (lúc đó là Chủ bút báo "Tin tức"), các đồng chí Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và Phan Thanh đứng ra vận động nhân sĩ tri thức lập "Liên đoàn chống nạn thất học", nhưng sau đó quyết định lấy tên tổ chức này là "Hội truyền bá quốc ngữ".
Ban lãnh đạo Hội ban đầu gồm có những nhân vật chủ chốt sau: Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng), Bùi Kỳ, Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp…
Tối ngày 25/5/1938, tại Hội quán thể thao An Nam (trên đường phố Charles Coullié, nay là phố Khúc Hạo, Hà Nội), có cuộc diễn thuyết lớn. Sau khi ông Nguyễn Văn Tố trình bày ý nghĩa của việc học chữ quốc ngữ và việc truyền bá nó trong quảng đại nhân dân lao động, ông Phan Thanh đã phát biểu ý kiến về tình trạng khốn nạn của sự học thời đó, cái tỉ số ngu đần đáng sợ, cái khốc hại của nạn mù chữ.
Ông kêu gọi: "Bây giờ cần kíp lắm rồi, chúng ta cần tổ chức một liên đoàn to rộng để chống lại cái đại họa kia: sự ngu dốt của dân chúng. Vì tới đại đa số không thể đi đến trường mà học được, trường học phải đi tới họ. Trường học phải gia tăng, phải thâm nhập vào các thôn, xóm và các khu thợ thuyền. Trường học phải đem vào các túp lều tranh, các xưởng máy một chút ánh sáng mà hiện giờ là độc quyền của thiểu số: Quần chúng lao khổ phải có quyền hưởng ánh sáng ấy…".
Ngày 29/7/1938, Thống sứ Bắc kỳ buộc phải công nhận sự hợp pháp của Hội Truyền bá quốc ngữ. Nhưng Hội quyết định lấy ngày 25/5/1938 là ngày thành lập.
Đường lối hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ hướng đến:
Chữ quốc ngữ cho mọi người
Quần chúng cần lao có quyền hưởng ánh sáng văn hóa
Lập các lớp dạy học cho mọi người mà không lấy tiền
Làm sách in cho mọi người, người học được phát sách miễn phí
Mặc dù nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách ngăn cản nhưng Hội Truyền bá quốc ngữ ở Bắc kỳ vẫn tổ chức được 820 lớp học, 41.118 học viên, 2908 giáo viên tình nguyện. Hội đã hoạt động đến ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.
Hội Truyền bá quốc ngữ ở Trung kỳ thành lập ngày 5/1/1938. Nhà cầm quyền thực dân và bọn tay sai người Việt gây ra quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chi hội tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Thuận An, Đà Lạt..., vẫn tìm mọi cách duy trì hoạt động. Tính đến tháng 9/1944, Trung kỳ đã có 9.458 người thoát mù chữ quốc ngữ.
Ở Nam kỳ, việc thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ hơi muộn. Khi chưa thành lập Hội, nhiều học sinh, sinh viên tiến bộ đã tổ chức các lớp học cho đồng bào bị thất học. Mãi đến ngày 5/11/1944, Kỳ bộ Việt Minh ở Nam kỳ mới giúp cho các nhân sĩ trí thức tổ chức Đại hội thành lập Hội, ra mắt quốc dân đồng bào tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Hội truyền bà quốc ngữ Nam kỳ hoạt động đến ngày 30/4/1975, đào tạo cho trên 70.000 người.
Tuy con số đó không phải là nhiều, nhưng rất nhiều học viên tham gia Hội truyền bá quốc ngữ đã trở thành cán bộ trung kiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt của phong trào Bình dân học vụ và bộ máy chính quyền cách mạng.
Bình dân học vụ
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
"Tất cả con người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc".
Trong hơn 80 năm cai trị nước ta, thực dân Pháp đã xâm phạm vào các quyền nói trên, và riêng về lĩnh vực, chúng đã cướp mất quyền học hành của dân ta khiến trên 95% dân số mù chữ.
Ngày 3/9/1945, sau 1 ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chống nạn thất học, coi mù chữ là một loại giặc cực kỳ nguy hiểm, giống như giặc đói và giặc ngoại xâm. Người nhấn mạnh rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", cho nên cần phải mở một chiến dịch chống nạn mù chữ.
Ngày 8/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, đã ký 3 sắc lệnh:
Sắc lệnh 17/SL: Đặt ra một Bình dân học vụ trên toàn cõi Việt Nam.
Sắc lệnh 19/SL: Trong toàn xã hội Việt Nam, làng nào cũng có lớp học bình dân, mỗi lớp ít nhất cũng phải có 30 học viên.
Sắc lệnh 20/SL: Hạn trong 1 năm (từ ngày ra Sắc lệnh, mọi người trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết).
Năm 1946, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, tất cả cho tiền tuyến, toàn dân vẫn không bỏ một buổi nào học chữ. Các lớp bình dân học vụ được tổ chức tại từng thôn xóm, hợp tác xã, cơ quan, cửa hàng, ngoài chợ…
Người dân học tại sân đình, gốc đa đầu làng, góc chợ…, chỗ nào cũng có thể làm địa điểm học. Ban ngày lao động sản xuất, và do địch đánh phá, người dân học ban đêm. Nơi nào không bị máy bay Pháp oanh tạc, người dân học ngay tại đầu bờ ruộng. Không có bảng, lớp học dùng tấm phản hoặc mặt sau của hoành phi, câu đối để thầy giáo viết bài học. Không có giấy thì người học dùng mo cau, dùng mẹt… Không có phấn thì dùng than hoặc gạch non.
Khẩu hiệu "Đi học bình dân là kháng chiến", "Đi học bình dân là yêu nước", "Mỗi lớp bình dân là một ổ kháng chiến"… được viết lên tường, lên các nong nia, lên lưng trâu, lên cánh cổng. Tại các an toàn khu, đêm đêm, trên các con đường trong thôn xóm, người đi học bình dân mang theo chiếu, đèn dầu nhỏ, nhiều như sao sa, vui như ngày hội.
Lớp học bình dân thi theo các binh đoàn tiến ra mặt trận. Sau những trận công đồn, phục kích diệt địch, đánh mìn chống xe tăng, thiết giáp của địch, các chiến sĩ ngồi quây quần học lớp bình dân dã chiến.
Lớp học bình dân đi cùng các đoàn dân công ra hỏa tuyến. Mặc dù gánh gạo, thồ đạn dược, leo đèo vượt suối vô cùng vất vả, nhưng khi ngồi nghỉ giải lao, giáo viên vẫn tranh thủ giảng bài, ai cũng hào hứng học tập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào cũng nhắc nhở bà con: "Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Những người đã biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ như cách anh chị em trong sáu bảy năm nay đã gây phong trào Truyền bá quốc ngữ giúp đồng bào thất học.
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, người ăn người làm chưa biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ tá điền, chủ hầm mỏ nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những giáo viên bình dân học vụ - những người được dân gọi là những chiến sĩ diệt giặc dốt.
"Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp chống nạn mù chữ. Anh chị em chịu cực khổ, khó nhọc, hi sinh phấn đấu để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc.
Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người "vô danh anh hùng". Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em.
Tôi mong rằng trong thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang: đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng".
Năm 1957, Chính phủ đưa ra kế hoạch mở "Chiến dịch Điện Biên Phủ diệt dốt. Đến thời điểm này nạn mù chữ không còn là quốc nạn ở nước ta.
Bổ túc văn hóa
Khi người dân đã biết đọc, biết viết thì việc tiếp tục nâng cao trình độ là điều tất yếu. Công việc này rất hệ trọng vì nó mang ý nghĩa tiếp tục bồi dưỡng sức dân, mở mang dân trí, đồng thời là một giải pháp ngăn chặn tình trạng tái mù chữ.
Năm 1948, Nha Bình dân học vụ xây dựng 4 chương trình giáo dục bình dân, gồm: Sơ cấp bình dân để người học biết đọc, biết viết; Dự bị bình dân để đạt trình độ lớp 2 phổ thông; Bổ túc bình dân cấp 1 để đạt trình độ lớp 4 phổ thông; Bổ túc bình dân cấp 2 để đạt trình độ cấp 2 phổ thông.
Ý tưởng về chiến lược Bổ túc văn hóa cho nhân dân và cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân hình thành từ đây.
Năm 1951, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Nha Bình dân học vụ mở các lớp tương đương với trình độ cấp 1 (Tiểu học) và cấp 2 (Trung học cơ sở). Những thanh niên công nông ưu tú trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu là đối tượng ưu tiên trong việc tuyển về học các lớp này.
Tháng 9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hướng phát triển Bình dân học vụ như sau:
"Ở vùng tự do cũ và vùng mới giải phóng, về văn hóa, chúng ta phải thanh toán hết nạn mù chữ, đào tạo cán bộ để xây dựng nước nhà. Ở các vùng công nghiệp, thị trấn, đô thị thì phải đẩy mạnh công tác Bổ túc văn hóa".
Năm 1957, Phủ Thủ tướng triệu tập Hội nghị các ủy viên văn xã thuộc các khu, tỉnh, thành phố để thống nhất việc thành lập Ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa các cấp, từ trung ương đến địa phương và phát động thi đua diệt dốt.
Ngày 27/12/1957, Ban Thanh toán nạn mù chữ Trung ương được thành lập. Đồng chí Tôn Đức Thắng làm trưởng ban. Từ thời điểm này, Bổ túc văn hóa trở thành một phong trào rộng khắp trong toàn quốc, sôi động chẳng khác gì phong trào Bình dân học vụ trước đó. Khắp các địa phương, đâu đâu cũng thấy dân chúng và cán bộ ra lớp Bổ túc văn hóa. Các khẩu hiệu động viên phong trào Bổ túc văn hóa được nêu lên như "Diên Hồng diệt dốt", "Trưng Triệu diệt dốt", "Lúa xanh tươi, người biết chữ", "Làm mùa tốt, diệt dốt hăng"…
Giai đoạn 1955-1958: Nhà nước cho thành lập các trường phổ thông lao động Trung ương và trường Bổ túc công nông.
Giai đoạn 1959-1960, các loại hình trường Bổ túc công nông tích cực chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ trẻ và thanh niên công nông vào các trường đại học.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến phong trào Bổ túc văn hóa. Trong thư gửi các cán bộ và giáo viên bổ túc văn hóa (12/1959), Người viết: "Công việc bổ túc văn hóa đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc nhiều hoặc ít. Nhưng với quyết tâm và tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng phải khắc phục được, và bổ túc văn hóa nhất định sẽ thành công".
Phong trào Bổ túc văn hóa phát triển và hoạt động đến năm 1993. Hàng chục vạn cán bộ và thanh niên đã được nâng cao học vấn bằng các trường lớp Bổ túc văn hóa tập trung hoặc tại chức, hàng chục ngàn người từ hệ giáo dục này đã được tiếp tục học đại học. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng được đào tạo qua hệ Bổ túc văn hóa, điển hình là cố Thủ tướng Phan Văn Khải ( giai đoạn 8/1957 – 8/1959). Trên 7.000 cán bộ cao cấp quản lý, lãnh đạo, nhà khoa học và doanh nhân có đóng góp lớn cho đất nước đã trưởng thành từ phong trào Bổ túc văn hóa, trong đó có 200 người đạt trình độ tiến sĩ…
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tư (khóa 7), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết và khẳng định: "Cần phải thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Đẩy mạnh giáo dục bổ túc, đào tạo và bồi dưỡng tại chức, khuyến khích các loại hình giáo dục không chính quy, mở rộng dạy nghề và học ngoại ngữ".
Ngày 27/7/1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị số 07/CT, quy định: Đây mạnh việc xây dựng các trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, cụm xã; Phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google