Nhẫn nại khi dạy học trò yếu kém
Nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài, mặc dù các em đã theo dõi và lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Dạy học trò yếu, thầy cô phải nhẫn nại và có phương pháp tốt để giúp các em tiến bộ hơn.
Đừng né tránh chuyện học sinh yếu kém
Trong lớp học, bao giờ lực học của các em học sinh cũng được phân hóa một cách rõ ràng. Chẳng hạn, học sinh đạt loại giỏi (môn học) phải có điểm trung bình trên 8.0 điểm. Tương tự, loại khá cần đạt từ 6,5 điểm đến dưới 8.0 điểm, loại trung bình thì ở mức từ 5.0 điểm đến dưới 6.5 điểm, loại yếu tối thiểu từ 3,5 điểm đến dưới 5.0 điểm, loại kém dưới 3,5 điểm.
Học sinh có lực học từ 3,5 điểm đến dưới 5.0 điểm, thầy cô có thể dạy các em đạt mức trên 6,5 điểm. Thế nhưng, những em có lực học dưới 3,5 điểm thì rất khó để vươn lên mức trên 6,5 điểm. Trường hợp này có thể xem là học sinh tiếp thu rất chậm, lực học yếu kém.
Học sinh tiếp thu chậm thường có nhiều đặc điểm như sau (mà không thấy xuất hiện ở những em có lực học khá, giỏi).
Thứ nhất, khả năng nhận thức dưới mức trung bình, gặp nhiều trở ngại hoặc chậm trễ trong việc suy nghĩ và tiếp thu bài giảng. Thứ hai, thành tích học tập dưới mức trung bình. Thứ ba, khả năng tiếp thu bài học chậm. Thứ tư, chưa bao giờ thích thú với việc học.
Thứ năm, hoàn thành các bài tập trên lớp muộn hơn so với các bạn. Thứ sáu, có xu hướng gặp khó khăn khi làm theo các hướng dẫn nhiều bước hoặc phức tạp. Thứ bảy, tính cách nhút nhát, ít nói, thiếu tự tin, ít bạn bè. Thứ tám, có trí nhớ đầy đủ, nhưng nhớ chậm. Thứ chín, làm chủ một kỹ năng rất chậm, không thể thành thạo. Thứ mười, kỹ năng phối hợp hạn chế (chẳng hạn sử dụng đồ dùng học tập).
Kéo theo, học sinh phải đối mặt với nhiều thách thức như: có nguy cơ bị bạn học bỏ lại phía sau, việc học không những không được cải thiện mà ngày càng trở nên trì trệ; khó hòa đồng, gắn kết với bạn bè; lo lắng, tự ti và có suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Việc dạy học sinh yếu kém đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên trì nhẫn nại, tình yêu thương. Quan trọng nhất là bao dung, sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp.
Bên cạnh đó, nhất thiết phụ huynh phải có sự hợp tác tốt với thầy cô để cùng phối hợp giúp đỡ các em trong việc học.
Dạy học sinh yếu kém cần kết hợp nhiều phương pháp
Thầy cô cần dành nhiều thời gian, cả trong tiết học chính khóa và ngoài giờ học để dạy cho các em nhiều lần (lặp đi lặp lại) cùng một đơn vị kiến thức. Cùng với đó, các bậc cha mẹ cần phải bình tĩnh, không được nôn nóng và nhất là đừng tạo thêm áp lực cho con cái. Nếu phụ huynh quát mắng, chê bai sẽ khiến cho con cái càng mặc cảm, tự ti.
Thầy cô không thể dạy học theo kiểu ôm đồm mà phải nắm bắt tâm lí học sinh, cần "đọc" được hoặc hỏi xem các em cần học gì. Để giải một bài toán hay đơn giản chỉ là đánh vần một từ, giáo viên cần phải hướng dẫn từng bước một thì học sinh mới có thể hình dung và tiếp thu bài học một cách dễ dàng.
Sau khi học sinh nắm được những bước cơ bản một cách nhuần nhuyễn thi thầy cô sẽ nâng lên từng cấp độ tùy theo mức độ tiếp thu bài của các em. Mỗi khi học sinh hiểu được bài và biết cách làm bài, cho dù chỉ ở mức độ cơ bản thì các em sẽ có động lực để vươn lên. Học sinh làm được bước một, bước hai dần dần các em sẽ leo lên được nấc thang cao hơn để tiến bộ.
Một giáo viên giỏi là phải giúp học sinh kích thích được nhiều giác quan trong khi học. Chẳng hạn để học một đơn vị kiến thức mới, học sinh chỉ có nghe và nhìn là chưa đủ mà các em cần có thêm năng lực tưởng tượng, phán đoán… Học sinh học tốt nhất khi có thể nhìn thấy một khái niệm được giải thích, lắng nghe về nó, và sau đó thực hiện bằng các hoạt động thực hành thì sẽ dễ dàng học và lưu giữ thông tin mới hơn.
Nếu học sinh vẫn chưa thể tưởng tượng ra vấn đề thì giáo viên cần kết hợp tranh, phim ảnh… nghĩa là, cần sử dụng ví dụ trực quan sinh động gắn liền với bài học thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Thời công nghệ, thầy cô có nhiều điều kiện để dạy học sinh yếu kém theo hình thức này.
Giáo viên cần dạy cho học sinh một nội dung trong cùng một thời điểm để các em dễ dàng lưu lại kiến thức. Có khi chỉ một nội dung nhưng với học sinh yếu kém thì thầy cô cần phải chia nhỏ ra từng phần thì các em mới có thể hiểu được. Ví dụ, để đọc được văn bản thì học sinh phải thuộc bảng chữ cái, sau đó mới đánh vần đọc từng từ, từng câu.
Với những học sinh yếu kém, giáo viên cần khuyến khích các em giao tiếp bằng ngôn ngữ - cả dạng nói và viết. Thực tiễn dạy học cho thấy, những học sinh tiếp thu chậm thường thiếu tự tin trong giao tiếp. Thầy cô hãy khuyến khích học sinh nói lên suy nghĩ của bản thân về nội dung bài học.
Bên cạnh việc học, những học sinh có lực học yếu kém cần được nghỉ ngơi, giải trí, luyện tập thể dục thể thao một cách phù hợp. Nếu không cân bằng được giữa việc học và vui chơi giải trí (học nhiều hơn) có thể làm cho học sinh càng chán ghét việc học hơn. Hơn nữa, học sinh được nạp đầy đủ năng lượng tinh thần cũng là cách giúp tái tạo trí nhớ.
Cuối cùng, thầy cô, cha mẹ học sinh cần động viên, khích lệ và dành lời khen kịp thời mỗi khi các em học tập tiến bộ. Sự khích lệ, động viên được xem là món quà ý nghĩa nhằm giúp học sinh đương đầu với những khó khăn để vươn lên trong học tập. Tuyệt đối đừng trừng phạt, chê bai sẽ khiến các em xuống tinh thần, việc học không thể tiến triển.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google