Kỷ luật học trò hư hỗn - nỗi đau còn đó

Phan Anh
06:00 - 20/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nữ sinh lớp 12 ở Khánh Hòa bị đình chỉ nghỉ học một tuần sau khi đã đôi co, hỗn hào với thầy giáo trong lớp học. Sự việc cũng là bài học ứng xử sâu sắc cho cả thầy vào trò ở môi trường học đường.

Chọn lựa hình thức kỉ luật hợp lí

Sau sự việc học trò đôi co, đấu khẩu lời lẽ khiếm nhã với thầy giáo ngay trong lớp học xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Hiệu trưởng Hà Văn Thọ cho biết Hội đồng kỷ luật của trường đã ra quyết định kỷ luật nữ sinh đấu khẩu với thầy giáo với hình thức đình chỉ nghỉ học một tuần.

Đối với giáo viên, Hội đồng kỷ luật của trường xét  thấy thầy giáo chưa có hành vi đi quá giới hạn nên áp dụng hình thức nhắc nhở để có cách ứng xử phù hợp hơn với học sinh. "Giáo viên khi lên lớp gặp nhiều tình huống phải giải thích cho học sinh hiểu. Còn nữ sinh trên sẽ được theo dõi từ nay tới cuối năm học, nếu còn vi phạm sẽ tùy vào mức độ để xử lý" - Hiệu trưởng Hà Văn Thọ cho biết.

Mức kỷ luật trên được đưa ra sau khi nữ sinh dùng những lời lẽ hỗn hào đấu khẩu với thầy giáo ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của gần 40 học sinh, hôm 13/10. Nữ sinh còn dùng nhiều từ ngữ khiếm nhã, xưng "mày – tao" với giáo viên. Khi thầy nhắc nhở, học trò vẫn tiếp tục nói và thách thức. Toàn bộ sự việc kéo dài hơn 5 phút, bị quay video lại, sau đó lan truyền trên mạng xã hội.

Qua bản tường trình của nữ sinh, cũng như làm việc giữa Hội đồng kỷ luật và thầy giáo, phụ huynh lẫn học sinh, nguyên nhân sự việc trên xuất phát từ mâu thuẫn giữa nữ sinh và thầy giáo. Ban giám hiệu nhà trường cũng có trao đổi, phụ huynh cũng nhìn nhận lỗi của nữ sinh, và hứa sẽ quan tâm hơn để kịp thời chỉ bảo về cách ứng xử của con mình.

Việc nữ sinh bị đình chỉ học một tuần sẽ không ảnh hưởng tới quá trình thi tốt nghiệp trung học phổ thông của em này. Tuy nhiên, mức kỷ luật này sẽ giúp học trò có cơ hội nhìn nhận sai sót, đủ tính răn đe và cố gắng học tập cũng như có cách ứng xử phủ hợp hơn - Hiệu trưởng Hà Văn Thọ khẳng định. 

Trăn trở ứng xử giữa thầy và trò

Sau khi sự việc nữ sinh đôi co, hỗn hào với thầy giáo diễn ra trong lớp học, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh đã có tâm thư đăng trên trang web của trường. Nội dung bức thư cho biết, học sinh và thầy giáo đã có những "ứng xử chưa đẹp" và "đối với các em học sinh chưa ngoan, các em học sinh khó khăn, còn thiếu may mắn trong đời, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm, phải quan tâm, yêu thương nhiều hơn và ứng xử đặc biệt hơn".

"Hội đồng nhà trường, cùng gia đình học sinh đang tìm hiểu sự việc, cùng nhau tìm cách giáo dục, uốn nắn các em để các em nhận thấy cái sai, cái thiếu chuẩn mực của người học sinh mà sửa đổi. Trong lúc này đây, chúng tôi mong muốn mọi người cùng đồng hành và chia sẻ để cùng nhà trường giáo dục những em học sinh chưa ngoan để các em tốt hơn khi rời khỏi ghế nhà trường" - trích tâm thư.

Cùng với đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cũng nêu quan điểm là xử lý nghiêm vụ việc nữ sinh văng tục, xưng "mày – tao" với thầy giáo, tuy nhiên cũng cần chọn lựa phương án kỷ luật hợp lý, không nên vì một lỗi lầm mà trù dập, hủy hoại tương lai của nữ sinh và thầy giáo.

Tuy vậy, trên các diễn đàn giáo viên, nhiều ý kiến cho rằng, người ta tập trung vào việc nữ sinh miệt thị thầy giáo bị "sang chấn tâm lý" nhưng không thấy báo chí hoặc ai đó đưa tin về thầy giáo, rằng thầy cảm thấy như thế nào khi bị nữ sinh chửi bới thậm tệ? Liệu thầy có bất ổn về mặt tâm lý không? Hay mặc định rằng thầy cô sẽ chẳng làm sao cả? Con người đâu có ai chịu chấp nhận việc bị sỉ nhục ngay trong giờ làm việc, đây lại còn bục giảng thiêng liêng trong lớp học, nơi thầy cô phải được tôn trọng ở mức cao nhất?

"Đã đành, thầy còn bị trách ngược vì đã đôi co với học sinh nên khiến nữ sinh này thêm bực tức và hành động quá đà hơn. Giờ bị học trò xúc phạm mày tao, con... rồi mặc kệ chịu thua, để học trò thích làm gì thì làm? Mà đuổi ra khỏi lớp hay đánh đòn học sinh thì bị phạt, thậm chí bị đuổi việc.

Nhiều người trong chúng ta lớn lên bằng một tâm thế "đổ lỗi", khi bị ngã thì lỗi do cái nền nhà, khi bị ngã xe thì đổ lỗi do cái xe… Lúc nào cũng ở trong một tâm thế đổ lỗi thay vì nhìn thẳng thật là lỗi do bản thân", một giáo viên nêu quan điểm.

Cần biết rằng, thầy giáo trong sự việc này cũng trải lòng cảm thấy mệt mỏi sau khi bị nữ sinh đấu khẩu trong lớp học. Thầy giáo cho biết, hơn 10 năm đứng trên bục giảng, với nhiều thế hệ học trò khôn lớn, đây là lần đầu tiên thầy gặp trường hợp như thế nên có phần xử lý không khéo. Sau tất cả, thầy vẫn bao dung, mong dư luận bỏ qua để nữ sinh còn học tập.

"Là giáo viên, tôi luôn mong học sinh của mình nỗ lực học tập, tiếp nhận kiến thức. Còn về việc bị nữ sinh đấu khẩu trong lớp, tôi khá buồn. Nữ sinh trên còn bồng bột, vẫn chưa nghĩ ra tác hại lời nói của mình. Vì thế, tôi mong sau sự việc lần này, học trò của mình nhìn nhận lại, có cách cư xử đúng mực. Qua đây, tôi cũng mong cộng đồng, dư luận chia sẻ để cho nữ sinh có cơ hội sửa sai, và tập trung việc học".

Điều khiến nhiều người trăn trở, nữ sinh đã học lớp 12, tức là ở độ tuổi khoảng 17, ở độ tuổi này thì không còn nhỏ nữa. Thầy giáo nói rằng đã nhắc nhở nhiều lần rồi nhưng nữ sinh này vẫn không nghe, vậy thì dựa vào đâu để nói rằng nữ sinh này đã hối hận? Hay đây chỉ là sự hối hận mang tính chất đối phó cho qua búa rìu dư luận?

"Một điều đáng buồn nữa là không có một em học sinh nào lên tiếng bảo vệ thầy, không có một em học sinh nào lên tiếng bảo nữ sinh kia trật tự thậm chí còn có tiếng cười đùa, tiếng hô nhẹ vang lên… Nếu xử lý không khéo trường hợp này chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều tiền đề khác, rằng các học sinh có thể xúc phạm thầy cô giáo đi rồi về nhà trách ngược lại thầy cô đôi co, nói là trầm cảm, sang chấn tâm lý, do tuổi dậy thì, tâm lý bất ổn… để được bao bọc, được che chở, được thể tất.

Và rồi chính thầy cô - những nạn nhân của sự xúc phạm, miệt thị, mới là người bị xử phạt, bị trách ngược lại vì "không nắm bắt tâm lý học sinh" hay "hành xử thiếu kinh nghiệm". Từ đó, hoc trò trượt dài, coi thường nhà trường, coi giáo viên như người phục vụ, và rồi coi thường luật pháp dẫn tới những hệ lụy. 

Chúng ta chắc đã nghe câu "trăm sự nhờ thầy cô", giờ có lẽ đã thay đổi bằng "trăm sự đổ vạ thầy cô" thì làm sao đây", một ý kiến chia sẻ đầy trăn trở.