Đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong giảng dạy đại học

Lê Văn Luận - Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM
06:00 - 02/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo có sự thay đổi nhanh chóng từ nội dung, phương pháp giảng dạy đến phương tiện kỹ thuật, công nghệ dạy học.

Những năm gần đây, ngành giáo dục - đào tạo ở Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang nỗ lực đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương pháp, phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong dạy học nhằm bắt kịp xu hướng của thời đại để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, việc đổi mới phương tiện kỹ thuật dạy học (phần cứng) và công nghệ dạy học (phần mềm) còn chậm, nhiều nơi còn lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa bắt kịp xu hướng của thời đại, dẫn đến chất lượng dạy và học còn hạn chế nhất định.

Vai trò phương tiện kỹ thuật và công nghệ trong giảng dạy đại học

Tri thức khoa học là một hệ thống lý luận chung nhất, trừu tượng, có tính quát rất cao. Do đó, để chuyển tải hệ thống những tri thức trừu tượng này một cách hiệu quả, giúp người học có thể tiếp thu tốt nhất thì cả người dạy và người học phải sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học tiên tiến hiện nay. Phương tiện kỹ thuật trong dạy học được hiểu là phần cứng: máy chiếu, tivi, vi tính, máy ảnh, loa, micro, máy móc, dụng cụ thí nghiệm, bản đồ,… đây là những dụng cụ trực tiếp để giảng dạy và học tập trong nhà trường. Hệ thống công nghệ hỗ trợ giảng dạy và học tập được hiểu là phần mềm: Microsoft teams, Zoom, Google Meet, Moodle,… Việc sử dụng hiệu quả phần cứngphần mềm trong hoạt động dạy và học sẽ mang lại kết quả to lớn.

Đối với người dạy, phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học sẽ giúp cho người dạy phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong tổ chức, điều khiển quá trình dạy học. Ngày nay, với sự hỗ trợ các thiết bị dạy học tiên tiến: hệ thống bảng tương tác thông minh, hệ thống máy tính kết nối mạng wifi tốc độ cao giúp quá trình dạy học trở lên đơn giản và giải phóng sức lao động của người dạy. Các phần mềm và nền tảng giảng dạy trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Moodle, Canva, cho phép người dạy có kết nối được với người học ở những không gian và thời gian khác nhau. Ngoài ra, Canva là một công cụ thiết kế đồ họa dạng mô hình trang web trực tuyến cho phép người dạy có thể thiết kế được những bài giảng có tính trực quan và sinh động hơn, nhờ đó cuốn hút người học tham gia hoạt động học tập theo mong muốn của người dạy.

Đối với người học, phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học tiên tiến sẽ giúp cho quá trình lĩnh hội tri thức của người học một cách chủ động và tích cực. Lý luận nhận thức chỉ ra rằng: quá trình nhận thức sẽ tăng dần theo các cấp độ của tri giác, trải qua hai giai đoạn: "từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng". Giai đoạn nhận thức trực quan sinh động cung cấp người học những tri thức ban đầu về đối tượng nhận thức thông qua mức độ hoàn thiện của các giác quan. Giai đoạn nhận thức tư duy trừu tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành những tri thức mới - ở giai đoạn nhận thức này nếu có sự tác động phù hợp của phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học lên các giác quan sẽ giúp người học phát triển năng lực nhận thức, đặc biệt là khả năng quan sát, khả năng tư duy, kể cả tư duy cảm tính (trực quan) lẫn tư duy lý tính (trừu tượng), từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng, kỹ xảo của người học.

Như chúng ta đã biết, theo cách học truyền thống thì người học chủ yếu lĩnh hội kiến thức bằng thính giác và thị giác. Do đó, tri thức về đối tượng nhận thức mà người học có được thường không trọn vẹn nhưng nếu sử dụng phương tiện kỹ và công nghệ dạy học tiên tiến thì sẽ người học sẽ huy động được tổng hợp các giác quan của người học tham gia vào quá trình nhận thức. Ví dụ: sử dụng phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học tiên tiến cho phép người học có thể quan sát được, tương tác được với những đối tượng nhận thức mà trong thực tế không thể quan sát hay tương tác trực tiếp được bằng mắt thường: đối tượng nhận thức quá to, quá bé, quá xa, vận động quá nhanh, điều kiện nguy hiểm,Quá trình này, giúp cho người học nhận thức dễ dàng hơn, tri thức về đối tượng nhận thức ngày càng đầy đủ, cứ như vậy người học tiếp tục nhận thức và khám phá thế giới.

Tóm lại, sử dụng phương tiện kỹ thuật và cộng nghệ dạy học tiên tiến sẽ phát huy tối đa tính tích cực của cả người dạy và người học. Qua đó, góp phần nâng cao các năng lực: năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực tự học, tự nghiên cứu và nâng cao các kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng trình bày, kỹ năng tự phát triển.

Thực trạng đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học ở các trường đại học hiện nay

Về phương tiện kỹ thuật dạy học: theo khảo sát và kinh nghiệm giảng dạy đại học trên 18 năm ở một số trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có đôi điều trao đổi như sau:

  • Phương tiện kỹ thuật dạy học ở nhiều trường còn cũ kĩ, lạc hậu, đổi mới chưa theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật thời đại 4.0 hiện nay. Điều này gây ra những ức chế cho giảng viên và sinh viên khi sử dụng, kết quả dạy và học không cao.
  • Một số phương tiện kỹ thuật dạy học được bố trí, lắp đặt sử dụng không hợp lý, chưa chú ý đến các yếu tố về mỹ quan, đảm bảo an toàn lao động và nhất là thiếu tính sư phạm. Phương tiện kỹ thuật dạy học được lắp đặt không khoa học và thiếu tính sư phạm dẫn tới không khai thác hiệu quả phương tiện kỹ thuật - ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
  •  Về công nghệ dạy học
    Đại dịch COVID -19 đã đặt các trường đại học vào một sự lựa chọn sống còn đó là thay đổi hình thức giảng dạy để thích ứng an toàn với đại dịch hoặc đóng cửa. Sự lựa chọn phù hợp với xu thế khách quan lúc này là thay đổi hình thức giảng dạy để thích ứng an toàn, để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để thích ứng được với tình hình mới đòi hỏi các trường đại học phải nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong dạy dọc. Năng lực ứng dụng công nghệ trong giảng dạy là một vấn đề mà không phải một trường đại học cũng có thể giải quyết được trong một sớm một chiều - đó là một vấn đề khó khăn không phải chỉ giải quyết bằng nguồn lực tài chính, mà còn phải có nguồn lực con người để sử dụng hiệu quả những công nghệ dạy học tiên tiến đó.  
  • Phương tiện học ngoại ngữ 
    Các phương tiện kỹ thuật dạy học được trang mới nhưng chưa đồng bộ, nhất là ở một số trường đại học công lập. Tư duy đổi mới nhưng chưa đồng bộ biểu hiện ở việc còn lưu luyến cái cũ. Ví dụ: những phương tiện kỹ thuật cũ vẫn còn sử dụng được, bỏ thì thương, vương thì tội, một số trường vẫn cố gắng tận dụng. Do đó, hiệu quả sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy dạy thấp, chất lượng dạy và học hạn chế.  
  • Phòng máy khoa công nghệ thông tin
    Nếu phương tiện kỹ thuật là hệ thống công cụ thì công nghệ được xem là nguồn năng lượng để hệ thống công cụ hoạt động. Hiện nay, để vận hành một trường đại học cần phải có một hệ thống phương tiên kỹ thuật và công nghệ dạy học tiên tiến. Có thể nói rằng, đang có một cuộc cách mạng diễn ra trong ngành giáo dục - đào tạo - đó là cuộc cách mạng thay đổi phương tiện kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy học. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là việc sử dụng các phần mềm quản lý, phần mềm giảng dạy trực tuyến, phần mềm kiểm tra đánh giá người học,... còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, một số trường đại học vì lợi ích kinh tế đã "khuyến khích" người dạy và học sử dụng đồng thời nhiều phần mềm và nền tảng giảng dạy trực tuyến khác nhau: Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, Moodle,… để tận dụng một số tính năng miễn phí của nó. Sử dụng các ứng dụng miễn phí có nhiều bất cập, cụ thể nhà cung cấp ứng dụng thường giới hạn về thời gian và số lượng người tham gia lớp học. Ngoài ra, việc phải sử dụng thành thạo mốt số phần mềm và các nền tảng giảng dạy trực tuyến khác nhau đã gây ra khó khăn nhất định cho công tác quản lý, dạy và học. Thiết nghĩ đây chỉ có thể là giải pháp tình thế, khi hệ thống chuyển đổi còn lỗi nhịp, cần có thời gian để thích ứng với cái mới, về lâu dài các trường đại học phải có giải pháp căn cơ cho việc này.

Một số nguyên tắc của đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học

Một là, đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là nhiệm vụ bắt buộc của cơ sở giáo dục, của người dạy và học. Ngày nay khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày - điều này đã làm thay đổi cách thức giao tiếp giữa người với người. Dạy học theo cách truyền thống bộc lộ những hạn chế, bị giới hạn về không gian, thời gian, đối tượng dạy và học. Do đó, việc đổi mới các phương tiện kỹ thuật giảng và công nghệ dạy là yêu cầu bắt buộc để khắc phục những hạn chế trên, và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

Hai là, đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học phải gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có. Đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là tất yếu khách quan nhằm bắt kịp với giáo dục của thời đại và hội nhập thế giới. Tuy nhiên, nguồn lực của mỗi địa phương, mỗi trường khác nhau, do đó khi đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học phải xem xét yếu tố kinh tế, tránh tình trạng làm theo phong trào gây lãng phí nguồn lực như đã xảy ra thời gian qua.

Ba là, đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học phải theo đặc thù từng đối tượng học, tập mục đích, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường. Mỗi một trường, một ngành đào tạo có đối tượng, nhiệm vụ đào tạo cũng khác nhau do đó việc đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học không thể áp dụng giống nhau, để đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ giảng dạy hiệu quả phải gắn với chuẩn đầu ra của ngành học và nhu cầu của thị trường.

Bốn là, đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học phải đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ và sư phạm. Việc bố trí, lắp đặt các trang thiết bị dạy học mới phải mang tính khoa học, thẩm mỹ và sư phạm nhằm khai thác hiệu quả của các phương tiện kỹ thuật và công nghệ mới, từng bước đồng bộ các thiết bị, phần mềm quản lý, giảng dạy. Đặc biệt nâng cấp phòng Server và hệ thống mạng internet đường truyền cáp quang tới từng phòng học, thống nhất sử dụng một phần mềm có bản quyền chung trong toàn trường, tổ chức các khóa học bồi dưỡng chuyên môn sử dụng phương tiện và công nghệ cho cả người dạy và người học.

Năm là, đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học theo hướng sử dụng thống nhất một hệ thống nhất kỹ thuật và công nghệ. Sử dụng thống nhất một hệ thống kỹ thuật và công nghệ sẽ góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực từng trường để nâng cao chất lượng dạy và học trong xu hướng tác động của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay.

Sáu là, thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc các Viện đào tạo và nghiên cứu ứng dụng để quản lý, đào tạo và ứng dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào dạy học. Các trường đại học, tùy vào quy mô đào tạo có thể thành lập các tổ chức trên để tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách phát triển khoa học và công nghệ ở trường đại học.

Kết luận

Đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là tiến trình có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay. Tiến trình đổi mới này có thể nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi trường đại học và chính sách của Nhà nước đối với giáo dục - đào tạo. Đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là thước đo cho sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng và sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Vì vậy, mỗi một giáo viên, người học phải xem đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là nhiệm vụ trung tâm của dạy và học. Đường có đi có tới, không có kết quả nào trong tương lai mà lại không được xây dựng từ hiện tại. Vì vậy, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng chiến lược phát triển ngành giáo dục phải xem việc đổi mới phương tiện kỹ thuật và công nghệ dạy học là một nhiệm vụ rất quan trọng, từ đó dành những nguồn lực xứng đáng để đầu tư cho lĩnh vực này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Luận (2020), đổi mới phương tiện kỹ thuật dạy học để nâng cao chất lượng dạy và học ở Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Hội thảo Khoa học cấp trường năm 2020.

2. Hoàng Sỹ Nam - Hoàng Đình Huấn (2015), Đổi mới phương pháp dạy học ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, số 09, năm 2015.

3. https://www.viewsonic.com/library/vi/giao-duc/ung-dung-cong-nghe-trong-day-hoc/

4. https://www.canva.com/