Cô Lê Na và 17 năm miệt mài dạy trẻ vùng cao biên giới

Hoài Ân
06:03 - 17/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trải qua 17 năm cô giáo Lê Na kiên trì bám trường, bám bản để dạy nhiều thế hệ học trò nơi vùng cao biên giới Tây Nghệ An, cô chia sẻ chân thành: Học trò đã tiếp thêm "lửa nghề" cho tôi.

Vượt qua 120 hồ sơ trên khắp cả nước, cô giáo Lê Na (sinh năm 1982), giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn (Nghệ An) được đứng trong hàng ngũ 68 giáo viên tiêu biểu, được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

"Là giáo viên vùng cao lại càng phải có trách nhiệm hơn"

Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 2005, cô Na lên nhận công tác ở Trường Trung học cơ sở Mường Lống, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. 

Nhớ lại ngày đầu trở thành giáo viên bám bản, cô Na chia sẻ: “Ngày mới lên, thiếu thốn đủ bề. Ở bản, không điện cũng không nước sạch. Trường cách trung tâm thị trấn 60km, đường xá đi lại khó khăn nên đa số thầy cô đều ở lại trong khu tập thể của trường.

Phần lớn học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc Mông nên tôi cũng gặp nhiều trở ngại khi giao tiếp với học trò vì chưa hiểu được ngôn ngữ của đồng bào”.

Cô giáo 17 năm miệt mài gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 1.

Cô Lê Na có nhiều năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Khó khăn chất chồng nhưng càng thấu hiểu những khắc nghiệt của vùng cao và sự thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh, cô Na càng cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của nghề giáo. Sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy, cô Na tự nhủ là giáo viên vùng cao, bản thân lại càng phải có trách nhiệm hơn.

Với cô Na, thời gian công tác ở Mường Lống cũng là khoảng thời gian đặc biệt và đáng nhớ. “Mùa đông ở đây khắc nghiệt nhưng mùa hè lại vô cùng mát mẻ. Thiên nhiên, cảnh vật hoang sơ đẹp tuyệt. Mùa xuân hoa mận nở trắng rừng khiến tâm hồn của những cô giáo trẻ như được tưới mát lành trở lại. 

Có lẽ ngoài sự ham học của các em nhỏ vùng cao và tình cảm của người dân thì thiên nhiên hùng vĩ trong lành của miền sơn cước cũng là lý do níu chân tôi ở lại gắn bó với mảnh đất này”, cô Na tâm sự.

Gieo mầm hy vọng cho nhiều thế hệ học sinh

Sau 3 năm công tác tại Mường Lống, cô Lê Na được điều động về Trường Trung học cơ sở Nậm Càn, một ngôi trường biên giới cũng thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Đến năm 2018, cô về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Trung học cơ sở Kỳ Sơn.

Trong hành trình truyền dạy kiến thức cho học sinh vùng cao, cô Na và nhiều đồng nghiệp khác còn phải vượt qua những thách thức, khó khăn của đại dịch COVID-19.

“Hai năm dịch COVID-19 bùng phát, cả huyện phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Học sinh không có thiết bị học trực tuyến, nhiều thầy, cô giáo phải mang sách và bài tập đến nhà cho các em, hướng dẫn và động viên các em cố gắng học tập.

Vừa qua huyện Kỳ Sơn cũng trải qua một trận lũ kinh hoàng phá hủy hàng trăm ngôi nhà, nhiều trường học lại một lần nữa hư hỏng nặng nề, đồ dùng, thiết bị học tập bị cuốn trôi toàn bộ. Thầy, cô giáo cùng các học sinh phải sơ tán, chạy lũ rồi lại vệ sinh sửa sang lại trường học để nhanh chóng đưa việc dạy và học trở lại bình thường”, cô Na kể. 

17 năm gắn bó với huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn với sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, cô Na đã không ngại khó, ngại khổ vượt qua những khó khăn để mang tri thức, góp phần thắp lên ước mơ, gieo mầm hy vọng cho nhiều thế hệ học sinh nơi đây.

Cô Na là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm. Năm học 2020, cô vinh dự đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc trung học cơ sở.

Cô giáo 17 năm miệt mài gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 2.

Cô Lê Na với 17 năm gắn bó với trẻ vùng cao, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm. Ảnh: NVCC

Năm học 2021-2022, đội tuyển môn Ngữ văn lớp 9 do cô bồi dưỡng có 6 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, có 3 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là một thành tích đáng nể đối với một giáo viên công tác tại huyện miền núi nhiều khó khăn như huyện Kỳ Sơn. Cô cũng là người luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học.

Cô Na cho rằng, giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức một môn học mà qua hoạt động giáo dục để trang bị kỹ năng, giá trị sống giúp học sinh tự tin vào bản thân, mạnh dạn trong các hoạt động. Ngược lại, học sinh sẽ tiếp thêm "lửa nghề", hạnh phúc cho giáo viên. 

Cũng chính vì vậy, cô luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng, hình thức tổ chức dạy học; có các sáng kiến, kinh nghiệm về phương pháp dạy tiếng Việt, truyền thống văn hóa... đạt bậc 3 cấp huyện, được ứng dụng vào thực tế và được đồng nghiệp đón nhận.

Ở trường, với vai trò là tổ phó tổ chuyên môn, cô luôn gương mẫu trong công việc, hỗ trợ nhiệt tình các thành viên khác trong tổ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn.

Trong quá trình công tác, cô giáo Lê Na đã 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: năm 2010, 2011, 2017, 2018, 2021; được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An và nhiều Giấy khen khác của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Để vượt qua những gian nan thử thách, ngoài nỗ lực phấn đấu của bản thân thì tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, học sinh. 

Nếu lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Na khẳng định.