Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn
Nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển của đất nước với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, môn tiếng Anh đã được đưa vào trong chương trình giảng dạy từ bậc tiểu học cho tới đại học.
Đặc biệt, trong bối cảnh chủ trương tự chủ đối với lĩnh vực giáo dục đang được triển khai quyết liệt, việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho học sinh nông thôn là yêu cầu tất yếu. Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập, vì vậy việc chú trọng tới nâng cao năng lực, trình độ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cho học sinh, sinh viên là một trong những yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Đối với học sinh khu vực nông thôn, ngoài những khó khăn chung trong vấn đề dạy - học tiếng Anh còn có những khó khăn riêng đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra, nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh cho học sinh. Giáo dục của Việt Nam chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục mang đậm nét "truyền thụ", thụ động tiếp nhận kiến thức từ thầy, cô giáo. Hoạt động tương tác hai chiều thường hạn chế, do vậy, đã gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp khi học tập tiếng Anh của học sinh. Để phát huy hiệu quả việc học tiếng Anh của học sinh vùng nông thôn, phải đổi mới và thay đổi phương pháp giảng của giáo viên. Chỉ có điều này mới giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tiếng Anh một cách chủ động, tự nhiên và sáng tạo. Bởi vì, trên thực tế chất lượng tiết dạy và thái độ tiếp nhận của học sinh chịu tác động khá lớn từ phương pháp giảng dạy của giáo viên tiếng Anh. Nói cách khác, phương pháp giảng dạy và tiếp cận bằng tiếng Anh cần phải thay đổi để đạt được hiệu quả cao trong dạy - học tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn.
Đổi mới công tác giảng dạy là nhiệm vụ thường xuyên của giáo viên nhằm giúp học sinh tăng sự hứng thú học tập, tăng tính tự chủ trong học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, để việc đổi mới được hiệu quả hơn phải có sự thay đổi đồng bộ, từ đổi mới công tác giảng dạy của giáo viên, đổi mới công tác quản lý của các bộ phận chức năng, cho đến đổi mới cơ sở vật chất, kể cả việc đổi mới tư duy, ý thức học tập của bản thân học sinh. Để nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số biện pháp chủ yếu sau:
Một là, giáo viên sử dụng phương pháp dạy tiếng Anh dễ nhớ, thiết kế các hoạt động sinh động, bổ ích giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên
Đây là biện pháp rất hữu hiệu trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn, bởi mặt bằng chung về trình độ tiếng Anh của học sinh vùng nông thôn không cao, điều này dẫn tới tinh thần chủ động, tích cực trong học tiếng Anh của học sinh hạn chế. Chính vì vậy, giáo viên cần tìm ra những quy tắc giúp học sinh dễ ghi nhớ bài học, ghi nhớ từ vựng, điều này giúp các em bớt nhọc nhằn hơn trong việc học tiếng Anh. Trong bài giảng giáo viên khéo léo lồng ghép những câu vè, những hình ảnh liên hệ, sự tương đồng về âm thanh trong tiếng Việt và tiếng Anh sẽ giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và tích cực ghi nhớ. Trong thời gian đầu giờ học tiếng Anh giáo viên nên dành ít phút để giúp học sinh thực hành nói riếng Anh thay vì kiểm tra bài cũ bằng những công thức khô khan, khó nhớ. Ví dụ, giáo viên có thể lựa chọn một chủ đề cụ thể để học sinh tham gia nói tiếng Anh. Thông qua chủ đề đó học sinh có cơ hội nói tiếng Anh và học được nhiều cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu mỗi học sinh phải trả lời bằng một phương án khác nhau. Học sinh sẽ trả lời cho đến khi các em không tìm ra từ vựng để trả lời cho câu hỏi đó. Thông qua cách làm này sẽ giúp học sinh yêu thích môn tiếng Anh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này. Thay vì các học sinh phải trả bài những từ vựng riêng rẽ, những công thức khô cứng thì các em có thể thể hiện một bài hát tiếng Anh, cùng các bạn diễn một vở kịch ngắn, nói một đoạn hội thoại trước cả lớp, không khí lớp học vui tươi và các em rất sẵn sàng thể hiện niềm yêu thích của mình.
Hai là, chú trọng rà soát, phân tích kết quả học tập, tăng cường các hoạt động hỗ trợ học sinh yếu kém
Thực hiện biện pháp này nhằm nắm chắc năng lực, trình độ tiếng Anh của học sinh, từ đó có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả đối với từng học sinh giúp các em vươn lên đáp ứng yêu cầu chung của lớp học. Trong quá trình giảng dạy, cứ sau mỗi giai đoạn kiểm tra, đánh giá, giáo viên cần phân tích đầy đủ kết quả học tập đạt được của học sinh. Tiến hành so sánh kết quả học tập tiếng Anh của học sinh cùng lớp, học sinh giữa các lớp với nhau. Từ đó, phân tích nhóm học sinh để có những giải pháp bồi dưỡng hợp lý. Giáo viên phải có những cách thức giúp học sinh xóa bỏ cảm giác lo lắng, tự ti khi học tiếng Anh bằng cách luôn tìm các giải pháp làm tăng tính hấp dẫn, lý thú của môn học. Trong quá trình giao bài tập, phụ đạo tiếng Anh cho học sinh cũng luôn phải đảm bảo tính vừa sức, tránh việc giao bài quá tải, quá khó sẽ tạo cảm giác chán nản, tự ti cho học sinh. Thực hiện tốt việc khen thưởng, động viên kịp thời những nỗ lực từ phía học sinh để tạo động lực học tập cho các em. Cùng với việc củng cố kiến thức, giáo viên cần tăng cường thiết kế các hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho học sinh nghe và nói tiếng Anh. Thông qua các hoạt động này, học sinh có cơ hội sử dụng những kiến thức của mình trong giao tiếp và các em sẽ phát hiện ra hứng thú khi có thể sử dụng những kiến thức mình có được trong giao tiếp thực tế bằng tiếng Anh.
Ba là, xây dựng và phát huy đội ngũ học sinh nòng cốt, tạo nền tảng giúp đỡ và tuyên truyền tinh thần học tập tiếng Anh cho học sinh toàn trường
Trong thực tiễn, việc phát huy các tổ, nhóm học tập tiếng Anh trong đội ngũ học sinh có hiệu quả rất cao. Từ những học sinh có thành tích học tiếng Anh tốt, xây dựng thành những câu lạc bộ, các tổ, nhóm học tiếng Anh nhằm phát huy sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ trong nội bộ học sinh. Theo đó, giáo viên cần chủ động trong xây dựng kế hoạch, vận động thành lập và bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu về tiếng Anh. Mục tiêu của hoạt động này nhằm đào tạo các học sinh giỏi để tham gia các cuộc thi các cấp, đồng thời mạnh dạn đăng ký thực hiện lớp tiếng Anh thí điểm để có một nhóm học sinh nòng cốt. Thông qua đó giúp học sinh thể hiện được thế mạnh của bản thân, tạo ra được niềm tin về lợi ích của việc học tiếng Anh cho tất cả những học sinh khác. Ngoài ra, giáo viên cần giúp học sinh thể hiện sự tự tin khi phát biểu, có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, hình thành các kỹ năng khác, như: Thuyết trình trước đám đông, thiết kế và sử dụng power, từng bước hình thành niềm tin cho các em rằng, học sinh vùng nông thôn hoàn toàn có thể giỏi tiếng Anh nếu nỗ lực đủ lớn, kiên trì đủ nhiều.
Bốn là, coi trọng đúng mức tới xây dựng, chọn lọc nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn
Trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn, nguồn tư liệu có ảnh hưởng nhất định tới chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Thực tiễn cho thấy, nguồn tài liệu dành cho môn tiếng Anh rất phong phú. Chính vì vậy, ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần tích cực tìm và chọn lọc các tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, như: Tìm qua mạng các tài liệu hay của các trường chuyên ngoại ngữ; thu thập có hệ thống từ các hội thảo, tập huấn chuyên môn… Phát huy vai trò của tổ chuyên môn trong biên tập đề cương, xác định những yêu cầu trọng tâm của chương trình sao cho đảm bảo yêu cầu chương trình nhưng phù hợp với năng lực của học sinh. Giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tăng cường tính tương tác, phát huy tính chủ động, tự giác của học sinh trong chiếm lĩnh kiến thức. Ngoài các nội dung bài học giới thiệu trên lớp, giáo viên cần lập ra một địa chủ mail chung để phân công bài tập, nhận các bài làm từ học sinh. Giáo viên giới thiệu các chương trình, các trang web học tiếng Anh phù hợp, bổ ích để học sinh nghiên cứu thêm và tự học một cách chủ động. Nếu giáo viên tổ chức các hoạt động một cách hợp lý, khoa học và có kiểm tra chặt chẽ, học sinh sẽ tham gia một cách nhiệt tình. Thông qua các hoạt động tự học, giáo viên có điều kiện phát hiện ra những học sinh có khả năng tốt và giúp các em phát huy tốt khả năng của mình.
Năm là, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh trong môi trường tập thể
Hoạt động ngoại khóa có tầm quan trọng rất lớn trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tiếng Anh cho học sinh. Đặc biệt, thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh vượt qua được cảm giác tự ti, cảm giác ngại nói tiếng Anh. Hoạt động ngoại khóa tiếng Anh được tổ chức, tư vấn bởi giáo viên và sự động viên, cổ vũ của bạn bè. Thông qua hoạt động ngoại khóa môn tiếng Anh giúp học sinh thấy tự tin hơn, nhận thấy rằng bản thân hoàn toàn có thể nói tiếng Anh nếu thực sự quyết tâm. Thông qua hoạt động ngoại khóa tiếng Anh còn giúp cho giáo viên phát hiện ra những học sinh có năng khiếu về tiếng Anh để có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện, tuyển chọn cho các kỳ thi học sinh giỏi, hùng biện… Từ những hạt nhân là những học sinh giỏi tiếng Anh này có thể xây dựng các mô hình học tập tiếng Anh trong học sinh, phát huy sự hỗ trợ, giúp đỡ việc rèn luyện tiếng Anh cho các học sinh khác, gây dựng phong trào thực hành tiếng Anh hiệu quả.
Sáu là, thường xuyên tổ chức các kỳ thi nghe nói tiếng Anh để học sinh có động cơ rèn luyện và học tập tiếng Anh
Đây là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn giảng dạy tiếng Anh cho học sinh của nhiều trường, trong đó có cả những trường vùng nông thôn. Các hoạt động thực tiễn nghe nói tiếng Anh có vai trò quan trọng giúp học sinh xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và quyết tâm đạt được. Qua thực tiễn tổ chức kỳ thi nghe nói tiếng Anh giúp học sinh vượt qua được cảm giác tự ti trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Đối với học sinh vùng nông thôn, môi trường thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ luôn hạn chế và thiếu nghiêm trọng, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả dạy - học tiếng Anh. Do thiếu môi trường thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ khiến cho đa số học sinh không áp dụng được những kiến thức đã học và không có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Qua tổ chức các kỳ thi nghe, nói tiếng Anh tập trung, học sinh có cơ hội trao đổi, chia sẻ về các chủ đề gần gũi với cuộc sống, góp phần tăng cường sự tìm hiểu, rèn luyện của học sinh. Ngoài ra, việc tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới kiểm tra đánh giá cũng góp phần rất lớn trong việc động viên tinh thần học ngoại ngữ của học sinh. Giáo viên giảm đi sự khô cứng trong tiết dạy và thay vào bằng các hoạt động giúp các em hứng thú, tự tin hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thu Thủy (2020), "Một số thủ thuật giúp nâng cao chất lượng dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh", Tạp chí Công Thương, số tháng 05/2020.
2. Hà Nam Khánh Giao - Lê Thị Phượng Liên, "Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiếng Anh của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương, số tháng 08/2022.
3. Đại học Lao động - Xã hội (2017), "Nâng cao năng lực dạy và học tiếng Anh đại cương tại Cở sở 2 Trường Đại học Lao động - Xã hội", Khoa Ngoại ngữ, Cơ sở 2 Trường Đại học Lao động - Xã hội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google