Nắng nóng, hạn hán khiến kinh tế thế giới thêm gánh nặng

Li Lê
19:05 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong bối cảnh, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với lạm phát, tăng trưởng chậm, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài càng khiến bức tranh kinh tế thêm phần u ám.

Nắng nóng bất thường, sông lớn cạn nước

Nắng nóng bất thường đang đặt nhiều quốc gia vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Tại những khu vực như châu Âu, Trung Quốc, Mỹ... nắng nóng khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, hút cạn nguồn nước ở tất cả các sông hồ lớn. 

Nắng nóng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Đó chính xác là những gì chúng ta đã dự đoán và là một phần của xu hướng hiện tại: các sự kiện sẽ diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và trên khắp thế giới.
Ông Bob Ward, Giám đốc Chính sách và Truyền thông tại Viện nghiên cứu Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham thuộc Trường Kinh tế London

Theo dữ liệu của Đài quan sát hạn hán châu Âu, có tới 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán. Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.

Tại Đức, sông Panke được mô tả là bị cạn phơi đáy ở một số khu vực. Còn tại một trạm đo quan trọng ở Kaub, phía Tây Frankfurt, mực nước trên sông Rhine có thời điểm đã giảm xuống 30 cm, chỉ bằng 1/5 mức cần thiết để các tàu vận tải có thể chuyên chở hàng hóa hết công suất.

Nắng nóng, hạn hán khiến kinh tế thế giới thêm gánh nặng - Ảnh 2.

Mực nước sông Rhine ở Đức thấp làm ảnh hưởng vận tải đường thủy. Ảnh: REUTERS

Tại Anh, chính phủ đã chính thức tuyên bố tình trạng hạn hán trên khắp miền nam và miền trung trong ngày 12/8, khi Anh đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ năm 1935. Thậm chí, do thiếu nước, vùng Yorkshire còn cấm xịt nước tưới vườn, rửa xe, hoặc đổ đầy bể bơi. Công viên Greenwich ở Anh thậm chí xuất hiện cả cỏ khô.

Pháp cũng chứng kiến cảnh hạn hán tương tự, khi nước tại sông Tille cạn khô, để lộ cả những con cá chết.

Không chỉ tại châu Âu, Trung Quốc cũng đnag phải chứng kiến cảnh các con sông lớn nhất dần bị hút cạn. Cụ thể, lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử thấp hơn khoảng 45% so với bình thường kể từ tháng 7. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất 6 thập kỷ qua khi nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C tại hàng chục thành phố.

"Dự kiến trong tháng 9, lượng nước đổ vào ở trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ vẫn ở mức thấp, và hạn hán ở An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây có thể tiếp tục trầm trọng hơn", ông Liu Zhiyu, quan chức của Bộ Tài nguyên nước, cảnh báo.

Nắng nóng, hạn hán khiến kinh tế thế giới thêm gánh nặng - Ảnh 3.

Lòng sông Dương Tử cạn trơ đáy ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 17/8.
Ảnh: REUTERS

Tại miền Tây nước Mỹ, khô hạn kỷ lục đang vắt kiệt các hồ chứa nước lớn nhất tại đây. Đây là năm hạn hán thứ 23 tại Mỹ và là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.000 năm qua tại khu vực này. 

Giới chức Washington ngày 16/8 thậm chí đã thông báo sẽ cắt nguồn cung nước tới một số bang ở Mỹ và tới Mexico nhằm tránh "một thảm họa sụp đổ" của sông Colorado trong bối cảnh dòng sông này đang bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán. Với động thái này, lượng nước cung cấp đến bang Arizona sẽ giảm 21% vào năm 2023, còn tới bang Nevada sẽ giảm 8%. 

Kinh tế lao đao 

Bức tranh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều diễn biến tiêu cực. Châu Âu hiện có rủi ro suy thoái cao khi giá năng lượng tăng vọt ssau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Kinh tế Mỹ đối mặt với lạm phát tăng cao đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới. Còn Trung Quốc vẫn đang vật lộn khi quyết không từ bỏ chính sách Zero COVID, cùng những tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản.

Tình hình nắng nóng và hạn hán đang khiến Mỹ, châu Âu và Trung Quốc càng thêm chật vật.

Việc các con sông khô hạn đang ngăn cản dòng chảy hàng hóa, hệ thống tưới tiêu và khiến các nhà máy điện, nhà máy sản xuất khó làm mát hơn. 

Vì mực nước sông Rhine xuống thấp, năm 2018, GDP Đức từng giảm 0,3%, theo Carsten Brzeski, Giám đốc Nghiên cứu Vĩ mô tại ING. Ước tính GDP năm nay sẽ giảm ít nhất 0,5% trong nửa cuối năm vì vấn đề này.

Tại Đức, tàu chở than đá và hóa chất không thể đi qua sông Rhine - tuyến vận chuyển quan trọng với hóa chất, ngũ cốc và các loại hàng hóa như than đá. "Việc các nhà máy trong ngành hóa chất, thép bị đóng cửa chỉ là vấn đề thời gian thôi, do các nguyên liệu không thể được chuyển đến và các phương tiện chuyên chở cỡ lớn không hoạt động được", Holger Lösch, Phó giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức cảnh bá về nguy cơ do hạn hán gây ra. 

Nguồn cung điện năng cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì nắng nóng, khô hạn. Đợt nắng nóng khắc nghiệt trên lưu vực của con sông dài nhất Trung Quốc đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, làm gián đoạn nguồn thủy điện và làm khô cạn một khu vực đất canh tác lớn. 

Là trung tâm sản xuất các sản phẩm bán dẫn và pin mặt trời của Trung Quốc, việc thiếu điện tác động đến các nhà máy tại Tứ Xuyên thuộc chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp điện tử lớn, như Foxconn hay Intel. Ngoài ra, Tứ Xuyên còn là trung tâm ngành khai thác lithium (thành phần chủ chốt làm pin xe điện) của Trung Quốc. Vì vậy, việc đóng cửa nhà máy có thể kéo chi phí nguyên liệu thô tăng.

Tương tự tại Trùng Khánh, các nhà máy đã bị yêu cầu ngừng hoạt động trong một tuần để tiết kiệm điện. 

Các chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ bị kéo tụt. Nomura hạ dự báo tăng trưởng nước này năm 2022 xuống 2,8%, thấp hơn rất nhiều mức so với mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc.

Tại miền Tây nước Mỹ, khô hạn kỷ lục khiến nông dân phải phá hủy cây trồng. Cụ thể, theo một khảo sát của Liên đoàn Trang trại Mỹ, gần 75% nông dân Mỹ cho biết khô hạn năm nay đang hủy hoại vụ mùa của họ, gây ra tổn thất lớn về thu nhập.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận