Xảy ra nắng nóng khắc nghiệt và kéo dài, hàng loạt thành phố của Trung Quốc phát báo động đỏ
Cục Khí tượng Trung Quốc đã phát báo động đỏ - mức cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng nhất với gần 70 thành phố, khi nhiệt độ vượt mức 40 độ C. Hàng chục triệu người dân nước này đã được yêu cầu ở nhà để tránh nắng.
Đợt nắng nóng khắc nghiệt, dai dẳng, rộng khắp ở nhiều địa phương của Trung Quốc
Theo CNN đưa tin ngày 25/7, Trung Quốc đón nhận đợt nắng nóng khắc nghiệt thứ hai chỉ trong một tháng. Nhiệt độ trung bình hàng ngày đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1961 tại nước này.
Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời trong thời điểm nắng nóng và những người phải lao động ngoài trời cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc - Fu Jiaolan cho biết, đợt nắng nóng mới nhất tại nước này vừa xảy ra vào ngày 5 đến ngày 17/7. Tuy nhiên, đợt nắng nóng thứ 2 này có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người hơn khi nhiệt độ dự kiến đạt mức "báo động đỏ" – nhiệt độ vượt mốc 40 độ C ở nhiều khu vực.
Trong ngày 25/7, 67 thành phố ở Trung Quốc cũng đã phải phát đi mức báo động đỏ. Đây là mức cao nhất trong 4 cấp độ cảnh báo tại nước này. Ngoài ra, 393 thành phố và quận khác của Trung Quốc cũng có mức nhiệt trên 35 độ C.
Tại Quảng Châu, Trung Quốc, Cục khí tượng dự báo nắng nóng sẽ kéo dài 23 ngày. Đây sẽ là đợt nắng nóng kéo dài nhất của thành phố này kể từ năm 1951.
Theo Global Times, trước đó, ngày 24/7, 13 trạm thời tiết quốc gia ở các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, Trung Quốc đã đạt và vượt kỷ lục nhiệt độ của địa phương.
Ngày 23/7, theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, nhiệt độ ban ngày ở một số khu vực thuộc các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến thuộc khu vực Tân Cương và miền Đông Trung Quốc cũng đã vượt ngưỡng 40 độ C.
Vào trưa 23/7, khu vực Tân Cương đã nâng cảnh báo nhiệt độ cao từ màu cam sang màu đỏ. Theo dữ liệu thời gian thực do Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc công bố, vào khoảng 4 giờ chiều 23/7, nhiệt độ ở Turpan, Tân Cương đã đạt 43,2 độ C. Người dân địa phương đã được khuyến cáo phòng chống say nắng và đề phòng nguy cơ băng tan.
Để tránh cái nóng mùa hè, nhiều người Trung Quốc đã đổ xô đi nghỉ mát ở vùng Tây Nam nước này. Lượng đặt vé máy bay đến tỉnh Vân Nam cho kỳ nghỉ hè đã tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019, trong khi lượng đặt phòng khách sạn ở tỉnh này đã tăng gần 50% kể từ tháng 7 so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều du khách Trung Quốc đã đổ xô đến các địa điểm trượt tuyết trong nhà để tránh nóng.
Biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Trung Quốc không phải ngoại lệ
Những đợt nắng nóng cực đoan có thể gây chết người đã ảnh hưởng đến những khu vực khác nhau trên Trái đất trong những tháng gần đây, chẳng hạn như ở Tây Âu vào tháng 7 và ở Ấn Độ vào tháng 3, tháng 4 năm 2022.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã làm cho các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn cùng với sự gia tăng nhiệt độ dự kiến trong những năm tới.
Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Thượng Hải gần đây đã phá kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trước đó khi nhiệt độ đạt mức 40,9 độ C – mức cao nhất trong 149 năm qua. Các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến nhiệt độ cũng đã vượt quá 41 độ C, phá vỡ kỷ lục lịch sử ở hai thành phố này.
Thời tiết nắng nóng đã kéo dài hơn một tháng qua tại Trung Quốc. Các chuyên gia theo dõi thời tiết Trung Quốc mô tả đây là đợt nắng nóng khắc nghiệt, dai dẳng và xảy ra rộng khắp tại nhiều địa phương.
Mạng lưới điện quốc gia của Trung Quốc đã phải tăng công suất lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng mạnh của người dân.
Nắng nóng khắc nghiệt kéo theo nhiều thiên tai
Nhiệt độ ở Trung Quốc đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và đợt nắng nóng mới nhất đã làm dấy lên những lo ngại mới về tốc độ ấm lên toàn cầu.
Giám đốc cơ quan khí tượng Tân Cương, Chen Chunyan cho biết, nhiệt độ cao đã đẩy nhanh quá trình tan băng ở miền núi, gây ra nhiều thiên tai như lũ quét và sạt lở đất ở khu vực này.
Thời tiết bất thường này không chỉ xảy ra ở Tân Cương, nơi có vùng sa mạc rộng lớn và đã quen với nhiệt độ tăng cao của các đợt nắng nóng. Kể từ tháng 5/2022, hàng chục người ở miền Nam Trung Quốc đã thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời do lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng.
Theo báo cáo từ Tổ chức Khí tượng Thế giới năm 2021, ước tính thiệt hại do lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy đã gây thiệt hại 238 tỷ USD mỗi năm cho quốc gia này.
Nắng nóng và nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã phải chịu ảnh hưởng từ những lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google