Các thành phố lớn trên thế giới đối phó với nắng nóng kéo dài như thế nào?
Mỗi thành phố có những giải pháp sáng tạo khác nhau nhằm chống chọi với nắng nóng khắc nghiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo CNN, nắng nóng khắc nghiệt sẽ tiếp tục quay trở lại khu vực Tây Âu, thậm chí một số quốc gia sẽ bước vào đợt nắng nóng kéo dài thứ ba trong năm nay với nhiệt độ trung bình trên 37 độ C. Ở Mỹ, dự kiến hơn 80% dân số sẽ phải chịu đựng nhiệt độ trên 32 độ C trong đợt nắng nóng kỷ lục vào tuần tới, bao gồm cả khu vực gần Đại Tây Dương và Đông Bắc.
Khủng hoảng khí hậu đang khiến cho tình trạng nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn. Ở các đô thị, nếu không có những biện pháp làm mát hiệu quả, cuộc sống sẽ trở nên ngột ngạt và bức bối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Điều hòa không khí có thể giúp làm mát trong nhà nhưng lại tăng nhiệt độ ngoài trời. Lượng khí thải chúng tạo ra còn góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Lưu lượng phương tiện giao thông trên đường cũng làm gia tăng nhiệt và khí thải cho môi trường.
Vậy những giải pháp các quốc gia trên thế giới đang triển khai để chống chọi với nắng nóng là gì?
Trồng nhiều cây xanh
Medellin, thành phố lớn thứ hai của Colombia, đã triển khai dự án "Hành lang xanh", phát triển mạng lưới cây xanh tạo nên một đô thị ngập tràn bóng mát.
Mạng lưới "Hành lang xanh" đã thiết kế những làn đường xe đạp và lối đi bộ phủ bóng cây xanh kết nối với các công viên của thành phố - điểm đến mà người dân thường xuyên lựa chọn để vui chơi giải trí, thư giãn. Nhờ dự án này, nhiệt độ đã giảm đáng kể tại những khu vực có cây xanh và xung quanh đó.
Phát triển cây xanh tại đô thị là cách tốt nhất để giảm nhiệt độ của thành phố vào mùa hè. Chỉ trong năm 2019, thành phố đã trồng hơn 8000 cây xanh và hơn 350.000 cây bụi.
Thành phố Miami của Mỹ cũng triển khai một dự án trồng cây để tạo ra bóng râm cho những người đứng chờ xe bus. Hiện thành phố sở hữu hàng chục điểm dừng xe bus xanh.
Hệ thống phun nước làm mát
Giống như một số quốc gia châu Âu, nhiều người dân ở Vienna, Áo không có điều hòa, vì vậy nước là một phần quan trọng giúp người dân thủ đô của Áo không bị sốc nhiệt trong mùa hè. Thành phố đã xây dựng các công viên làm mát với những cột phun sương giúp mọi người có thể tắm hoặc chỉ cần ngồi gần để tận hưởng nhiệt độ mát mẻ xung quanh. Trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương do nhiệt độ khắc nghiệt thường tìm niềm vui trong các hồ bơi phun nước của thành phố hoặc chạy chơi xung quanh những khu vực có đài phun nước.
Mặt khác, Vienna cũng có hơn 1.100 vòi nước sạch để 1,9 triệu người dân có thể uống bất kỳ lúc nào.
Giống như Vienna, thủ đô Paris của Pháp cũng sử dụng máy phun sương vào những ngày nắng nóng. Paris đã xây dựng thêm hàng chục đài phun nước mới cùng với nhiều đài phun nước truyền thống. Ngoài ra, kế hoạch chống nóng của thủ đô Paris cũng bao gồm một hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến nhằm xác định những người dễ bị tổn thương nhất. Chính quyền địa phương có thể kiểm tra qua điện thoại và đưa ra lời khuyên với mọi người phù hợp nhất. Các trường mẫu giáo có máy điều hòa không khí tạm thời trong các lớp học trong khi các công viên và hồ bơi công cộng mở cửa trong nhiều giờ vào ban đêm.
Áp dụng kỹ thuật làm mát từ kiến trúc cổ đại
Trung Đông là khu vực có dân cư sinh sống nóng nhất trên Trái đất. Nhiệt độ ở thành phố Abu Dhabi có thể lên tới hơn 50 độ C. Điều hòa nhiệt độ được xem là nhu cầu thiết yếu và mọi người thường ở trong nhà để trốn nóng. Bên cạnh đó, các tòa nhà cáo tầng trong thành phố cũng sử dụng kỹ thuật làm mát từ kiến trúc Arab cổ đại có tên mashrabiya.
Mashrabiya là một tấm gỗ chạm khắc công phu. Nó được sử dụng trong kiến trúc Hồi giáo để trang trí, đồng thời giúp khuếch tán ánh sáng mặt trời và giữ cho các tòa nhà mát mẻ nhưng không cản hết tất cả ánh sáng. Những tấm mashrabiya được thiết kế để mang đến làn gió nhẹ và tạo cảm giác mát mẻ cho tòa nhà. Kỹ thuật này đã giúp giảm 50% nhu cầu sử dụng điều hòa không khí của các tòa nhà cao tầng tại thành phố Abu Dhabi.
Sơn thành phố màu trắng
Một số thành phố đã thử nghiệm sơn các mái nhà màu trắng để phản xạ ánh sáng mặt trời tốt hơn và giữ cho các tòa nhà mát mẻ. Riêng Los Angeles, Mỹ sơn toàn bộ các con đường màu trắng. Những gam màu tối của đường nhựa hấp thụ ánh sáng mặt trời và phát ra nhiệt lượng rất lớn. Khi sơn nhựa đường màu trắng, về lý thuyết sẽ ngăn mức nhiệt phát ra và giúp nhiệt độ không khí mát hơn. Một số nhà nghiên cứu khẳng định kỹ thuật này giúp đường phố giảm khoảng 10 độ C trong thời tiết nắng nóng.
Đặt tên cho đợt nắng nóng
Thế giới đã đặt tên cho các cơn bão, lốc xoáy và bão tố trong nhiều thập kỷ để con người chú ý hơn đến nó, nhằm mục đích cảnh báo nguy hiểm. Riêng thành phố Seville, miền nam Tây Ban Nha đã đặt cho đợt nắng nóng tháng 7 vừa qua cái tên Zoe. Đây là thành phố đầu tiên trên thế giới làm việc này, nhằm mục đích giúp người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của đợt nắng nóng này cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới cuộc sống của con người. Seville cũng phát triển một hệ thống cảnh báo nhiệt dựa trên các cấp độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google