Nắng nóng khốc liệt đe dọa nền kinh tế châu Âu

Quỳnh Giang
15:57 - 25/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng gay gắt kéo dài đang đe dọa nền kinh tế châu Âu, làm đau đầu các doanh nghiệp và gia tăng tình trạng lạm phát trên khắp châu lục này.

Nắng nóng làm gia tăng tình trạng lạm phát ở châu Âu

Theo hãng tin CNN, Carsten Brzeski, một nhà kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết: Thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng gay gắt kéo dài do biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang làm đau đầu các doanh nghiệp trên khắp châu Âu.

Tại Đức, con sông Rhine nước này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hóa chất, than và ngũ cốc. Giờ đây, mực nước con sông đã xuống thấp đến mức việc vận chuyển hàng hóa của tàu thuyền qua đây thường xuyên bị gián đoạn. Điều này có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng của Đức và cả châu Âu cũng như thế giới.

Nắng nóng khốc liệt đe dọa nền kinh tế châu Âu - Ảnh 1.

Mực nước sông Rhine ở Đức đã xuống thấp đến mức việc vận chuyển hàng hóa của tàu thuyền qua đây thường xuyên bị gián đoạn. Ảnh: CNN

Tại Pháp, nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao đang gây cản trở hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân và khiến việc bảo trì gặp rất nhiều khó khăn.

Sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè này khi các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng máy điều hòa nhiệt độ có thể "ăn" vào nguồn cung cấp điện - vốn cần được dự trữ cho mùa đông, đặc biệt là trong trường hợp nếu Nga cắt giảm các lô hàng khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Tại miền Bắc nước Ý, những người nông dân đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua.

Những vấn đề liên quan đến nắng, nóng, hạn như vậy có thể làm gia tăng tình trạng lạm phát trong khi các nước châu Âu đang phải "vật lộn" để đối phó với giá thực phẩm và nhiên liệu liên tục tăng cao.

Cụ thể, tình trạng lạm phát đối với 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã đạt mức cao nhất mọi thời đại – lên đến 8,6% vào tháng 6 vừa qua. Điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải thông báo sẽ đưa ra một biện pháp can thiệp mạnh mẽ vào đầu tuần.

Từ năm 1980 đến năm 2020, ước tính các quốc gia trong Khu vực Kinh tế châu Âu đã thiệt hại từ 450 tỉ ruro (460 tỉ USD) đến 520 tỷ ruro (532 tỉ USD) bởi các vấn đề liên quan đến thời tiết và khí hậu. Dự báo, con số thiệt hại có thể tăng lên trong những năm tới bởi biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nghiêm trọng với các thảm họa thiên tai bất thường và khốc liệt.

Châu Âu hiện đang nổi lên như một "điểm nóng" về sóng nhiệt. Điều này cũng sẽ tác động đến ngành du lịch của các nước cũng như năng suất làm việc của người lao động và chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên.

Nắng nóng khốc liệt đe dọa nền kinh tế châu Âu - Ảnh 2.

Đám cháy rừng trên đảo Lesbos, Hy Lạp hôm 23/7. Ảnh: AP

Pháp: Các cửa hàng bật điều hòa không khí mà mở cửa sẽ bị phạt tiền

Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp, bà Agnes Pannier-Runacher ngày 24/7 tuyên bố các cửa hàng có hệ thống điều hòa nhiệt độ sẽ được yêu cầu đóng cửa hoặc bị phạt tiền nếu để cửa mở trong lúc sử dụng thiết bị làm mát không khí. Quy định này nhằm mục đích khắc phục tình trạng lãng phí năng lượng trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang trải qua làn sóng nhiệt nghiêm trọng.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh RMC, Bộ trưởng Pannier-Runacher cho rằng để cửa mở khi điều hòa nhiệt độ đang hoạt động sẽ làm "tăng thêm 20% lượng điện tiêu thụ và… hành động này là lố bịch". Bà Pannier-Runacher cũng cho biết Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch về hạn chế sử dụng biển hiệu quảng cáo phát sáng.

Nắng nóng khốc liệt đe dọa nền kinh tế châu Âu - Ảnh 3.

Ảnh: hindustantimes.com

Theo tờ Journal du Dimanche, bà Pannier-Runacher thông báo: "Trong vài ngày tới, tôi sẽ ban hành 2 sắc lệnh: Sắc lệnh đầu tiên sẽ mở rộng lệnh cấm biển hiệu quảng cáo phát sáng đối với các thành phố ở mọi quy mô trong khoảng thời gian từ 1h00 đến 6h00 (ngoại trừ các sân bay và nhà ga). Sắc lệnh thứ 2 sẽ cấm các cửa hàng để cửa mở trong khi hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm đang hoạt động".

Các sắc lệnh chống lãng phí trên được xem là những bước đi đầu tiên nằm trong kế hoạch tiết kiệm năng lượng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố hôm 14/7 với mục tiêu giảm bớt 10% nguồn năng lượng tiêu thụ tại Pháp từ nay đến năm 2024.

Pháp cũng như các khu vực khác ở châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng nhiệt tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Một số thành phố ở Pháp đã đưa ra các quy định phạt tiền đối với các cửa hàng có hệ thống điều hòa không khí vi phạm quy định.

Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch mở rộng quy định này ra phạm vi toàn quốc. Khoản phạt tiền có thể lên đến 750 euro (khoảng 766 USD). Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là việc tuyên truyền đối với các chủ cửa hàng để tránh tình trạng lãng phí điện.