Nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961 khiến tôm sống thành tôm chín ở Trung Quốc

Quỳnh Giang
05:49 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trung Quốc đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961 khiến nước này phải duy trì cảnh báo đỏ trong nhiều ngày qua. Nhiệt độ ngoài trời ở đây tăng cao đến nỗi tôm sống được mua ở siêu thị khi mang về đến nhà đã thành tôm chín.

Các đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961

Ngày 17/8, Trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc cho biết: Các đợt nắng nóng xảy ra từ ngày 13/6 vừa qua tại nhiều khu vực ở nước này là những đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961 khi Trung Quốc bắt đầu thu thập đầy đủ các dữ liệu về khí tượng.

Cụ thể, tính đến ngày 15/8, nước này đã trải qua 64 ngày nắng nóng, cao hơn so với kỷ lục 62 ngày được ghi nhận vào năm 2013. Tổng cộng đã có 262 trạm quan trắc ghi nhận nhiệt độ 40 độ C, thậm chí có 8 trạm ghi nhận nhiệt độ chạm ngưỡng 44 độ C.

Tính từ ngày 1/6 đến ngày 15/8, Trung Quốc đã ghi nhận 12 ngày nhiệt độ trong ngày lên tới hoặc vượt quá 35 độ C, con số kỷ lục kể từ năm 1961 và nhiều hơn 5,1 ngày so với cùng kỳ các năm.

Một số khu vực, bao gồm khu tự trị Tân Cương và Trùng Khánh, đã chứng kiến hơn 30 ngày có nhiệt độ cao. Dự báo, nhiệt độ cao sẽ tiếp tục duy trì tại các khu vực rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc đến ngày 26/8.

nang nong o trung quoc 17.8.jpg

Nắng nóng gay gắt, trẻ em ở Thượng Hải cố gắng hạ nhiệt bằng cách chơi trong đài phun nước. Ảnh: SCMP

Trung Quốc liên tiếp ra cảnh báo cao nhất về nắng nóng

Trước đó, ngày 16/8, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã ban hành cảnh báo đỏ - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết của nước này về nhiệt độ cao tại 8 tỉnh. Các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Giang Tây và Chiết Giang đều được cảnh báo nhiệt độ có thể tăng đến 40 độ C hoặc cao hơn.

Tại Trùng Khánh, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nắng nóng gay gắt, 51 con sông đã khô cạn và 24 hồ chứa hiện không có nước.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp, được mã hóa theo màu sắc, trong đó màu đỏ là cảnh báo ở mức nghiêm trọng nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh lam.

Trước đó, ngày 15/8 và 14/8, Trung tâm Khí tượng quốc gia của Trung Quốc cũng đã tiếp tục duy trì cảnh báo đỏ về thời tiết nắng nóng cực đoan như "thiêu đốt", khi nắng nóng lan sang nhiều khu vực của nước này.

Trung tâm này đã khuyến nghị các chính quyền địa phương cần triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để chống nắng nóng, tạm dừng các công việc ngoài trời tiếp xúc với nhiệt độ cao, chú ý an toàn cháy nổ, đặc biệt là quan tâm tới những nhóm dễ bị tổn thương.

Đi dưới trời nắng, tôm sống bị luộc chín tự nhiên

Đây là câu chuyện của người phụ nữ họ Fang ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Theo South China Morning Post, người phụ nữ này mua tôm vào khoảng 9h tại một siêu thị và về đến nhà chưa đầy một giờ sau đó. Nhiệt độ ngoài trời tại khu vực cô sống hôm đó lên tới 41 độ C. Nắng nóng gay gắt đã khiến những con tôm đựng trong túi đầy nước chuyển sang màu đỏ tươi như thể chúng bị luộc trong nước sôi.

Người phụ nữ này chia sẻ: "Khi tôi mua tôm, tất cả còn tươi rói. Có lẽ là do trời nóng. Trên đường về nhà, tôi có đặt chiếc túi xuống đất. Tôi cũng đặt nó lên yên sau của xe đạp điện. Trong thời tiết như thế này, tốt hơn hết bạn nên cố gắng không ra ngoài. Tốt nhất là hãy ở trong phòng có máy lạnh".

Phía Nam Trung Quốc đang trải qua những ngày có nhiệt độ cao bất thường. Nhiệt độ trung bình ghi nhận ở nhiều thành phố là 38 độ C. Sông Trường Giang, con sông lớn nhất Trung Quốc và hai hồ nước ngọt lớn nhất nước này cũng ghi nhận mực nước thấp nhất trong sáu thập kỷ.

Tính từ ngày 1/6 đến ngày 15/8, Trung Quốc đã ghi nhận 12 ngày nhiệt độ trong ngày lên tới hoặc vượt quá 35 độ C, con số kỷ lục kể từ năm 1961 và nhiều hơn 5,1 ngày so với cùng kỳ các năm
Trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc
Nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961, tôm tươi được luộc chín đỏ ngay ngoài trời ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Nắng nóng gay gắt, người phụ nữ dùng quạt làm mát khi đi trên đường phố ở

Thượng Hải, Trung Quốc ngày 19/7/2022. Ảnh: CNN

Tứ Xuyên tìm cách đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân

Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mới đây thông báo tỉnh này sẽ cắt điện luân phiên các nhà máy sản xuất điện năng cho đến ngày 20/8 để đảm bảo nguồn cung điện sinh hoạt cho gần 84 triệu người dân của tỉnh.

Đây là vấn đề cấp bách bởi khu vực này dựa vào hệ thống đê đập để tạo ra 80% điện năng. Tuy nhiên, hiện nay các con sông trong khu vực đã cạn nước trong khi thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện đặc biệt tăng cao.

Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, từ tuần trước, nhiệt độ tại tỉnh Tứ Xuyên đã dao động trong khoảng 40-42 độ C.

Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng quyết định ưu tiên cung cấp điện sinh hoạt cho khu dân cư và yêu cầu các cơ sở sản xuất ở 19 trong số 21 thành phố thuộc tỉnh này tạm ngừng sản xuất cho đến ngày 20/8.

Một số công ty bao gồm nhà sản xuất nhôm Henan Zhongfu Industrial và nhà sản xuất phân bón Sichuan Meifeng Chemical Industry đã tạm ngừng sản xuất. Tuy vậy, một số công ty vẫn được phép hoạt động với công suất hạn chế, tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất.

Để tránh ảnh hưởng do các đợt nắng nóng, chính quyền của các địa phương trên đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng các công việc ngoài trời tiếp xúc với nhiệt độ cao, chú ý đến an toàn cháy nổ, đặc biệt là quan tâm đến các nhóm người dễ bị tổn thương.

Cần duy trì nguồn cấp nước và làm mưa nhân tạo

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết hạn hán trên khắp lưu vực sông Dương Tử đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh nguồn nước sạch cho người dân nông thôn và gia súc, sự phát triển của cây trồng.

Chính quyền địa phương cần đánh giá chính xác các khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán và đưa ra kế hoạch duy trì nguồn cung cấp nước, trong đó có việc vận chuyển nước tạm thời, phát triển các nguồn cung cấp nước mới và mở rộng mạng lưới đường ống dẫn.

Trong ngày 17/7/2022, đã có 13 địa phương ở tỉnh Chiết Giang tiến hành làm mưa nhân tạo. Nhờ có sự can thiệp này, lượng mưa bình quân của Chiết Giang trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 17 giờ ngày 17/7 đạt 2,6mm, nhiều thành phố đạt lượng mưa lớn như Gia Hưng (12,9mm), Hồ Châu (8,1mm), Thiệu Hưng (2,6mm)...; nhiệt độ nhiều khu vực đã giảm xuống còn 24 đến 27 độ C.

Tỉnh Hồ Bắc đã trở thành địa phương mới nhất của Trung Quốc công bố chương trình điều chỉnh thời tiết trên diện rộng. Đặc biệt là việc làm mưa nhân tạo bằng cách bắn các thanh bạc iodide lên các đám mây trong bối cảnh nắng nóng khắc nghiệt và khô hạn kéo dài.

Ngoài ra, nước này đã triển khai các chương trình làm mưa nhân tạo tại nhiều khu vực trên sông Dương Tử. Tuy nhiên, với độ che phủ quá mỏng của mây, việc tạo mưa ở một số khu vực vẫn chưa thể tiến hành.

Nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961, tôm tươi được luộc chín đỏ ngay ngoài trời ở Trung Quốc - Ảnh 6.

Thiết bị phun hóa chất làm mưa nhân tạo ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: zjol.com.cn

Nguyên nhân một phần do biến đổi khí hậu

Thời tiết khắc nghiệt của mùa Hè năm nay đã khiến nhiều thành phố lớn của Trung Quốc trải qua những ngày nắng nóng chưa từng thấy.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân làm gia tăng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Hơn nữa, tình trạng này ngày một nghiêm trọng khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng.

Ngày 3/8, Phó Giám đốc Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc, ông Yuan Jiashuang, cho biết nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất ở nước này đã tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu trong 70 năm qua và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai khi những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Theo báo cáo đánh giá khí hậu hằng năm mới được công bố, Trung Quốc nằm trong khu vực nhạy cảm về khí hậu trên thế giới. Trong một thập kỷ kể từ năm 1951, nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc đã tăng 0,26 độ C so với mức trung bình 0,15 độ C trên toàn cầu. Trong tương lai, mức tăng nhiệt độ trung bình ở Trung Quốc sẽ cao hơn đáng kể so với thế giới. Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc cảnh báo rằng các mô hình thời tiết thay đổi ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của nguồn nước, làm cho hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn và giảm năng suất cây trồng.

Báo cáo đánh giá khí hậu năm 2021 của Trung Quốc cũng cho thấy mực nước ven biển ở nước này trong năm ngoái cũng ở mức cao nhất kể từ năm 1980. Bên cạnh đó, tốc độ tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đạt mức cao kỷ lục và băng trên biển đang tiếp tục biến mất. Trung Quốc cũng ghi nhận diện tích các lớp phủ thực vật trong năm 2021 tăng 7,9% so với mức trung bình giai đoạn 2001-2020. Trong đó, một số loài thực vật bắt đầu thời kỳ sinh trưởng sớm hơn sau mỗi năm.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 10/8/2022, nhóm các nhà nghiên cứu khí hậu quốc tế cảnh báo quỹ thời gian để bảo vệ dải băng Đông Nam Cực - dải băng lớn nhất thế giới (lớn gấp 10 lần so với Tây Nam Cực) - khỏi tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đang cạn kiệt.

Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, dải băng Đông Nam Cực tan sẽ khiến mực nước biển tăng chưa đến 0,5m vào năm 2500.

Tuy nhiên, nếu không đạt được các mục tiêu khí hậu và nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng, mực nước biển có thể tăng 5m do băng tan từ dải băng Đông Nam Cực trong cùng khoảng thời gian trên. Dải băng Đông Nam Cực chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng 52m.