Loay hoay với môn Khoa học tự nhiên, đội ngũ giáo viên nói gì?

Phan Anh
14:13 - 18/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phân môn Vật lí, Hóa học, Sinh học được ghép vào chung thành môn "tích hợp" Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở khiến giáo viên lúng túng trong giảng dạy, thiếu tự tin khi đứng trên bục giảng.

Hơn 1000 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên khắp các tỉnh thành trên cả nước thành lập diễn đàn nhằm chia sẻ những khó khăn, trở ngại trong quá trình dạy môn "tích hợp" Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7. Nhiều giáo viên mong muốn ngành giáo dục hãy lắng nghe tiếng nói thầy cô để tháo gỡ những bất cập.

Thầy chưa hiểu hết chuyên môn sao dạy trò?

Cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều là những phân môn khó, kiến thức khá nặng, giáo viên không hiểu sâu thì khó có thể dạy tốt.

"Mới hôm trước ở trường mình tổ đi dự giờ thao giảng một giáo viên chuyên môn Sinh học dạy Khoa học tự nhiên. Giáo viên này còn không phân biệt được nguyên tử, phân tử, nguyên tố nên khi dạy nói nhầm lẫn giữa các khái niệm. Lại nghĩ thấy thương cho các em học sinh, thương cho nền khoa học nước nhà"- một giáo viên trải lòng.

Một vấn đề nữa là khi học đại học mỗi giáo viên cảm thấy có năng lực với môn nào nhất thì đăng ký học theo chuyên ngành đó. Giờ có những môn giáo viên không chuyên và lâu năm không va chạm, kể cả có đi học thêm chứng chỉ (chỉ là hình thức) để dạy được cả 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thì nhiều người vẫn không kham nổi.

"Năm nay tỉnh mình tổ chức cho giáo viên Vật lí, Hóa học, Sinh học đi học lớp bồi dưỡng liên môn để lấy chứng chỉ dạy Khoa học tự nhiên. Về mặt lí thuyết là sẽ dạy được cả ba môn Vật lí, Hóa học, Sinh học nhưng mình không biết là ban giám hiệu nào sẽ đủ can đảm để giao cho giáo viên phụ trách cả ba môn đây.

Mình vẫn hay nói đùa, ngày xưa đi học giáo viên Vật lí dốt nhất môn Sinh học (vì học ban A), giáo viên Hóa học, Sinh học dốt nhất môn Vật lí (vì học ban B), bây giờ dạy "tích hợp" thì chất lượng sẽ ra sao? Hơn nữa các thầy ở đại học cũng chỉ dạy một học phần, còn giáo viên phải dạy tất cả các nội dung chương trình thì đào tạo trò kiểu gì?", một giáo viên chia sẻ.

Đổi cách đọc tên các nguyên tố hóa học, có cần thiết?

Sách Khoa học tự nhiên 7 và Hóa học 10 – Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay đổi cách đọc các nguyên tố hóa học khiến thầy, trò gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình dạy và học.

Chẳng hạn nguyên tố N nay được đọc thành Nitrogen thay vì Nitơ; O thì đọc thành Oxygen thay vì Oxi; H đọc thành Hydrogen thay vì Hidro; Cu đọc thành Copper thay vì Đồng, P đọc là Phosphorus thay vì Phốtpho như trước kia...

Nhiều giáo viên cho biết, nhìn vào bố cục của sách mà không biết phải thiết kế dạy như nào cho phù hợp, kiến thức cứ loanh quanh không logic, không tài nào dạy cho học sinh hiểu được. Tất cả 110 nguyên tố và hàng trăm hợp chất hóa học phiên âm theo tiếng Anh thì làm sao học sinh nhớ nổi.

Một số giáo viên nói rằng, ở độ tuổi của các em chưa cần phải đòi hỏi cao như thế, cách phiên âm tiếng Anh nên để phân luồng lên đại học học theo chuyên nghành và cho các giáo sư, tiến sỹ. Học sinh đến với thế giới hóa học là để biết sự biến đổi của vật chất và ứng dụng của chúng và kiến thức phải phù hợp với giáo dục phổ trong trong nhà trường hiện nay. 

Kiến thức hàn lâm gây quá tải cho học sinh

Một giáo viên kể, bản thân là giáo viên bộ môn Hoá học đang dạy Khoa học tự nhiên 7 mà còn thấy "choáng" khi người viết sách đưa vào các ví dụ có đồng vị. Nếu giáo viên không giới thiệu về đồng vị thì học sinh không hiểu vì sao có tận 3 Đồng hay 3 Oxy, mà giới thiệu thì quá sức với các em 13 tuổi.

Bậc trung học phổ thông mới học mà giờ bắt học sinh lớp 7 học, thật sự không thấy giảm tải đâu mà chỉ thấy các em học vất vả quá. Sắp tới dạy sang phần Vật lí với phần Sinh học, giáo viên này đang lo không biết có truyền tải được hết những kiến thức và nội dung mong muốn của người viết sách không.

Cũng theo giáo viên này, điều bất cập nữa là, 2 quyển sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, 7 không hề có nội dung bài tập, bài tập nằm hết trong sách bài tập. Vậy lại phải mua sách bài tập, có khác gì kiểu bán "bia kèm lạc"? Kì lạ hơn, trường bảo "trên" (ý nói phòng giáo dục và đào tạo) yêu cầu giáo viên ra đề không được lấy dữ liệu sách giáo khoa, phải lấy dữ liệu ở ngoài. Khi lấy nguồn dữ liệu ngoài thì lấy gì để kiểm chứng cho nguồn đó là chuẩn kiến thức?

Nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn không "tích hợp" 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên. Trong thời gian chờ đợi kiện toàn đội ngũ, bổ sung kiến thức và đào tạo giáo viên đáp ứng phương pháp dạy kiểu mới thì tách riêng từng môn và gọi tên như cũ để dễ dàng cho dạy và học.