Chuyện bi hài trong tích hợp môn Khoa học tự nhiên

Phan Anh
07:34 - 16/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên dạy Vật lí không biết thí nghiệm thuộc phân môn Hóa học trong sách giáo khoa lớp 6 đúng hay sai, mặc dù họ đang dạy môn Khoa học tự nhiên.

Trong quá trình dạy môn Khoa học tự nhiên gồm các phân môn Vật lí, Hoá học, Sinh học cấp Trung học cơ sở, giáo viên gặp một số tình huống bi hài. 

Chuyện bi hài trong tích hợp môn Khoa học tự nhiên - Ảnh 1.

Bài học về thí nghiệm xác định thành phần phần trăm Oxygen trong sách Khoa học tự nhiên lớp 6.

Thắc mắc thí nghiệm xác định thành phần phần trăm Oxygen

Thầy Đoàn Trọng Huy (tỉnh Bình Dương), giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên 6 (phân môn Hóa học) nêu câu hỏi trên một diễn đàn: Tại sao sách giáo khoa tái bản rồi vẫn còn thí nghiệm xác định thành phần phần trăm Oxygen trong không khí?

Thầy Huy nêu quan điểm, thí nghiệm này ngoài những lỗi sai bản chất thì còn có thể gây sai lệch nhận thức của giáo viên và học sinh.

Thứ nhất, lượng Oxy trong cốc cháy nhiều hay cháy ít còn phụ thuộc chính chất cháy và ngay cả cùng là nến, lượng Oxy cháy cũng phụ thuộc số cây nến được đốt.

Thứ hai, đối với nến cháy, nồng độ Oxy chỉ cần hạ xuống một mức nhất định, sự cháy sẽ dừng lại.

Thứ ba, không khí nóng ở phía trên, ngăn cản hiện tượng đối lưu đem khí lạnh giàu Oxy đến chỗ nến cháy. Do vậy còn một lượng khí lạnh giàu Oxy ở phía dưới.

Thứ tư, khí CO2 sinh ra nóng và ở trên cao, dự đoán là khó xuống để nước có kiềm hấp thụ. Mặt khác, phản ứng CO2 với kiềm xảy ra như thế nào và có xảy ra hoàn toàn không cũng là một thông tin chưa rõ ràng.

Thứ năm, lúc cây nến cháy, không khí lân cận đã nóng và ngay sau khi ta úp chiếc cốc lại, áp suất khí trong bình và ngoài bình bằng nhau. Khi nến tắt, nhiệt độ khí trong bình hạ xuống làm áp suất hạ xuống và kéo khối nước lên là đáng kể.

Nhiều giáo viên không dám trả lời đúng sai

Một số tổ trưởng chuyên môn và hiệu trưởng (môn Hóa học) trường trung học phổ thông công lập và tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, họ phải làm thí nghiệm thì mới có thể trả lời câu hỏi chính xác.

Một số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên (phân môn Vật lí) ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành trả lời, thí nghiệm xác định thành phần phần trăm Oxygen thiên về môn Hóa học, thầy cô không hiểu thí nghiệm nên không có câu trả lời.

Trong khi đó, thầy Kiều Trí Hùng, giáo viên Hóa cấp trung học phổ thông (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ về câu hỏi của thầy Đoàn Trọng Huy như sau:

Thứ nhất, thí nghiệm này là "tương đối" (không sai về học thuật), nếu đặt mục tiêu để học sinh hiểu được trong không khí có chứa O2, và đo lường một cách không quá chính xác thì thí nghiệm này vẫn chấp nhận được.

Thứ hai, chúng ta cần tìm hiểu mục tiêu của bài học là gì. Nếu là để tập cho học sinh quan sát và rút ra kết luận, sau đó giải quyết vấn đề, đặt bước đầu cho việc nghiên cứu khoa học thì thí nghiệm như thế là ổn.

"Tôi nghĩ các thí nghiệm trong hoá cũng không chính xác tuyệt đối, kể cả trong phòng thí nghiệm của các trường đại học, càng xuống lớp nhỏ thì càng thiếu chính xác. Nên các thí nghiệm kiểu này đa số tôi sẽ hướng đến tư duy, kỹ năng nhiều hơn là đặt mục tiêu đo lường chính xác.

Với học sinh lớp 6, tác giả sách giáo khoa dùng thí nghiệm này là được rồi. Nước ngoài họ cũng dùng kiểu như vậy để học sinh tiếp cận. Khi dạy chương trình mới, tôi nghĩ thầy cô phải nghĩ thoáng lắm, chỉ cần đạt yêu cầu của Bộ Giáo dục là tốt lắm rồi, chứ đừng bám sách giáo khoa", thầy Hùng trao đổi thêm.

Giáo viên, chuyên gia nói gì về môn "tích hợp"?

Liên quan đến kiến thức trong sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên, một số giáo viên, chuyên gia nêu quan điểm ở các diễn đàn rất đáng suy ngẫm, xin ghi lại những ý kiến này nhằm giúp độc giả có thêm một góc nhìn về môn "tích hợp".

"Để đào tạo giáo viên dạy một môn nào đó ở trung học cơ sở phải mất 4 năm. Như vậy, để đào tạo giáo viên dạy tích hợp 3 môn (Vật lý, Hoá học và Sinh học) phải cần 12 năm. Nếu bỏ những môn chung mà sinh viên sư phạm phải học, thì cần khoảng 7 đến 8 năm mới đủ kiến thức chuyên môn để dạy, chứ không thể chỉ được bồi dưỡng một thời gian ngắn (3 tháng) là dạy được.

Phải học 7 đến 8 năm để ra dạy trung học cơ sở với mức lương quá thấp như hiện nay thì chắc không ai đi học để trở thành giáo viên dạy tích hợp. Một số vị ngồi phòng máy lạnh rồi muốn vẽ thế nào thì vẽ, không hề nghĩ đến thực tế có thực hiện được hay không".

Một ý kiến khác cho biết, gọi là tích hợp chứ thực ra là tích hợp ngọn, còn gốc không có. Nói đơn giản thế này: Khoa học tự nhiên 7 có bài chuyển hóa vật chất và năng lượng trong cơ thể sinh vật.

Trong chương trình đại học, phải tới năm 2, lúc học môn Hóa - Sinh thì sinh viên mới bắt đầu đụng tới mảng này. Đơn giản vì sinh viên phải qua năm nhất, học tất cả các môn hóa đại cương, Vật lý đại cương mới có nền tảng để nắm bắt được những kiến thức như quang năng, hóa năng, từ đó áp dụng trong cơ thể sinh vật.

Nhưng học sinh lớp 7 không có căn bản về Hóa, không biết về liên kết hóa trị, hợp chất khử... thì làm sao có thể tiếp thu được quang hợp bản chất là quá trình chuyển hóa năng lượng mặt trời thành hóa năng trong hợp chất hữu cơ là tinh bột?

Rồi các giáo viên chỉ học đơn môn, có thể hiểu rõ thế nào là chu trình C3, C4, CAM, chu trình Krebs để có thể cho ra được những giải thích hợp lý và chi tiết. Và khi học sinh thắc mắc thì có thể trả lời cụ thể hay không?"

Bình luận của bạn

Bình luận