Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập là việc suốt đời!

Nhật Minh tổng hợp
11:28 - 19/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc học tập và học tập suốt đời là tài sản vô cùng quý giá của nhân dân ta; là kim chỉ nam cho việc xây dựng xã hội học tập.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt công tác khuyến học khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời, bởi Người thấu hiểu được vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời đối với vận mệnh, tương lai mỗi người, cũng như sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người anh hùng giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vị danh nhân văn hóa của thời đại, mà Người còn là một nhà giáo dục, một tấm gương "suốt đời tự học" để trưởng thành, để đi lên, để tiến bộ.

Tấm gương sáng chói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy việc học tập là việc suốt đời - Ảnh 1.

Bác Hồ đến thăm lớp bình dân học vụ phường Lương Yên, Hà Nội ngày 27-5-1956. (Ảnh: Báo Nghệ An điện tử)

Ngay từ những ngày đầu lập nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đầu tiên mà Người thực hiện đó là "diệt giặc dốt", xóa nạn mù chữ để mở mang tri thức cho nhân dân, để nhân dân bớt lầm than, khổ cực. Với quan điểm "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng" nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên, khuyến khích nhân dân mọi tầng lớp cần phải phát huy truyền thống "hiếu học", tinh thần đoàn kết cùng nhau tích cực học tập, biết con chữ để nâng cao dân trí để tham gia vào công cuộc dựng xây nước nhà.

Nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, ta thấy được hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã học tập liên tục, ngay cả những lúc khó khăn gian khổ nhất, như phải đi phụ bếp, quét tuyết,... thì Bác cũng vẫn luôn một ý chí nâng cao tinh thần học tập của mình. Bác nói: Học tập không có trang cuối. Bằng mọi cách, mọi thời gian, Bác vẫn đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu. Ngay cả khi ốm, Bác cũng không ngừng nghỉ, lơi là việc học tập. Là một nhà cách mạng và là một nhà giáo dục, Bác hiểu thấu về ý nghĩa, giá trị, vai trò của việc học tập đối với vận mệnh của mỗi con người, vận mệnh của dân tộc và loài người.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ học tập suốt đời là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta. Tư tưởng này đã đặt nền móng cho chiến lược coi giáo dục là "quốc sách hàng đầu" của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Trong thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều đường lối, chính sách cụ thể, thiết thực đối với công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển giáo dục.

Trong hội nghị chuyên đề về "Công tác thi đua trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng với bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ tự động hóa ngày càng cao; công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học phát triển như vũ bão.

Giờ đây, chúng ta phải vận dụng tư tưởng “Diệt giặc dốt” của Bác Hồ, thành phong trào “Diệt giặc dốt” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xóa mù công nghệ thông tin, xóa mù các kỹ năng về ngoại ngữ, xóa mù kỹ năng về hội nhập quốc tế
GS,TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Tư tưởng về học tập của Bác giản dị nhưng toát lên sự "phi thường"

Bác Hồ từng nói "Một dân tộc đôt là dân tộc yếu". Vì vậy phải học để dân giàu, nước mạnh, thoát khỏi kiếp nô lệ, nghèo đói và sự lạc hậu; học để không bị tụt hậu với thế giới ngoài kia, để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đặc biệt, riêng đối với ngành giáo dục, Bác Hồ mong ước "một nền giáo dục tốt sẽ đào tạo các em nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục phát triển hoàn toàn sẽ phát huy những năng lực sẵn có của các em". Hiện nay, ở các trường học, đều in g  lời dặn dò của Bác động viên cho thế hệ măng non: Non sông Việt Nam có trở nên tốt đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em. Những lời dặn dò đó như in sâu vào ý chí của từng lớp học sinh, sinh viên. Tuy chỉ là những lời nói mộc mạc nhưng đã toát lên tinh thần ý chí, niềm mong mỏi mà Bác dành cho các thế hệ sau.

Tấm gương sáng chói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy việc học tập là việc suốt đời - Ảnh 3.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. (Ảnh: Báo Nghệ An Điện Tử)

Hiện nay, công tác khuyến học, khuyến tài đang được triển khai mạnh mẽ, góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những thế hệ cách mạng tiếp nối cha anh. Với tư tưởng đào tạo con người phát triển toàn diện vừa "hồng" vừa "chuyên", vừa có "đức" vừa có "tài", những năm qua, nhiều thế hệ trẻ thấm nhuần tư tưởng học suốt đời của Bác,  và đã có những đóng góp cho nước nhà.

Sau Đại hội XII, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 05 -CT/TW "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, ngày 18.5.2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Theo đó, các thế hệ trẻ cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ học suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự phát triển trong quan điểm xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, phải chú trọng giáo dục đi liền với bồi dưỡng tình cảm, xảm xúc và biểu hiện nó trở thành những hành động ý nghĩa.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phát triển các quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên những nhân tài – những di sản quý báu, góp phần xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp. Cần đề cao hơn nữa tinh thần tự học, tự rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí MInh, lấy đó là tấm gương chiếu sáng mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo, để họ không ngừng rèn đức, luyện tài, tu dưỡng về mọi mặt để thực sự trở những công dân có ích cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển  của quê hương, đất nước.

Chúng ta phải nhớ lời Bác  dạy: Mỗi người tốt trong xã hội là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp. Do đó, cần phải chú trọng những hành động thực tiễn để nêu gương người tốt việc tốt.  Và việc học tập, như Lê-nin  là "học, học nữa, học mãi" và theo tư tưởng của Bác Hồ - "Học tập là suốt đời".