Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Hiếm có cơ hội thăng tiến

Ly Hương
11:42 - 30/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một trong những nguyên nhân của làn sóng giáo viên nghỉ việc có thể kể đến đó là cánh cửa thăng tiến quá hẹp trong khi nghề giáo viên ngày càng áp lực.

Vừa qua, một số tỉnh thành ở phía Nam có hiện tượng giáo viên nghỉ việc hàng loạt. Tạp chí Công dân & Khuyến học đã có loạt bài phân tích, lý giải hiện tượng này từ góc nhìn của chính những nhà giáo, những người theo đuổi nghề giáo viên lâu năm. 

Và một điều ít ai biết rằng, nguyên nhân giáo viên nghỉ việc một phần do cánh cửa thăng tiến quá hẹp.

Giáo viên có học vị tiến sĩ được hưởng lương bao nhiêu?

Sau một năm tập sự, giáo viên có bằng đại học được hưởng lương bậc 1 cộng với các loại phụ cấp ưu đãi sau khi đã trừ bảo hiểm thì còn lại khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Trước khi được tuyển dụng, nếu giáo viên có bằng thạc sĩ thì được hưởng lương bậc 2 (khoảng dưới 5 triệu đồng/tháng).

Giáo viên được xếp lương bậc 3 nếu có bằng tiến sĩ trước khi được tuyển dụng (khoảng 5,5 triệu đồng/tháng). Tuy vậy, sau khi được tuyển dụng, nếu giáo viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì cũng hưởng lương tương đương người có bằng cử nhân. Lương mỗi bậc cách nhau chỉ vài trăm ngàn đồng, cứ sau 3 năm thì được tăng 1 bậc.

Giáo viên muốn có hệ số lương cao hơn thì phải thông qua xét hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo quy định hiện hành, giáo viên rất khó thăng lên hạng cao nhất là hạng 1 vì điều kiện đi kèm khó khăn. Ví dụ, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng 1 yêu cầu phải có bằng thạc sĩ.

Giả sử giáo viên bậc trung học phổ thông được thăng hạng 1 thì hưởng mức lương khoảng 13 triệu/tháng (bậc 8). Tuy vậy, họ phải làm rất nhiều công việc chuyên môn nghiệp vụ phức tạp, được quy định như sau  tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT:

Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên; Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;

Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.

Giáo viên không dễ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí

Trong quá trình công tác, giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ có thể được bổ nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó; hiệu phó; hiệu trưởng. Đi kèm với đó, họ có thêm một khoản phụ cấp trách nhiệm ngoài lương. Nhưng, giáo viên cũng không dễ nắm giữ những chức danh này vì nhiều lí do khác nhau.

Chẳng hạn, giáo viên muốn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thì phải được hiệu trưởng bổ nhiệm chứ không phải thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên trong tổ. Bởi, Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có quy định:

"Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng".

Nhìn chung, tổ trưởng, tổ phó đều có năng lực chuyên môn và khả năng quản lí tốt. Nhưng cũng không loại trừ nhiều người chuyên môn trung bình nhưng do thân quen với lãnh đạo mà được bổ nhiệm chức danh này khiến giáo viên giỏi mất đi cơ hội thăng tiến.

Riêng chức danh hiệu trưởng, hiệu phó thì trước tiên giáo viên phải nằm trong nguồn quy hoạch. Sau đó, họ phải được cử đi học chính trị - hành chính (1,5 năm) để lấy bằng trung cấp và học chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý (6 tháng) để lấy chứng chỉ.

Rất nhiều giáo viên đáp ứng tất cả những yêu cầu này nhưng không biết vì lí do nào họ vẫn không được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lí cho đến lúc nghỉ hưu. Vậy nên, có luồng dư luận xôn xao, nếu giáo viên không có "mối quan hệ", không "đi đêm đi hôm" thì chuyện giữ chức hiệu trưởng, hiệu phó là xa vời.

Thực tế, ngành giáo dục một số tỉnh, thành có tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó nhưng cũng chỉ được vài ba người tham gia vì họ không đủ điều kiện như đã đề cập. Hầu hết ngành giáo dục các địa phương hiện nay đều thực hiện bổ nhiệm lãnh đạo, quản lí theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Đáng chú ý, giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo (tổ trưởng, tổ phó chuyên môn…) thì không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó vì Điều 46 Nghị định 115/2020/NĐ-CP không đề cập đến. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó khiến giáo viên giỏi cũng chỉ biết an phận giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu.

Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó ở khối trường công lập sẽ đảm bảo lựa chọn được người có năng lực, công bằng, khách quan thay vì quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển như lâu nay. Hơn nữa, việc làm này còn giúp ngành giáo dục giữ chân được nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề.