Cần chấn chỉnh tình trạng quản lý hồ sơ giáo viên máy móc, hình thức

Thành Phúc
22:09 - 21/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bản thân chúng tôi nhận thấy có rất nhiều việc làm bất cập, máy móc nhưng hiệu quả không cao. Điển hình là việc năm nào cũng phải nộp bản photo văn bằng, chứng chỉ...

"Giáo viên chúng tôi năm nào cũng phải nộp bản photo văn bằng, chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu của cấp trên hoặc minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp, xét chuyển hạng… Những loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ này chúng tôi đã nộp từ khi mới được tuyển dụng và lưu trong hồ sơ của nhà trường", nhiều giáo viên đã phản ánh vào hòm thư của Công dân và Khuyến học.

Mệt mỏi vì năm nào cũng phải photo văn bằng, chứng chỉ

Có một thực tế đang tồn tại ở các trường học phổ thông hiện nay là giáo viên năm nào cũng phải nộp bản photo các loại văn bằng, chứng chỉ, quyết định để đáp ứng yêu cầu của  cấp trên. Năm học 2021-2022 vừa qua, giáo viên chúng tôi phải photo văn bằng, chứng chỉ và nhiều kế hoạch, quyết định cá nhân đến 3 lần để nộp cho nhà trường.

Đầu tiên là khi nhà trường xét chuyển hạng giáo viên theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Lúc đó, tất cả giáo viên chúng tôi được yêu cầu nộp văn bằng đại học, cao đẳng sư phạm; chứng chỉ ngoại ngữ; chứng chỉ tin học; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; thông báo, quyết định tuyển dụng lần đầu, quyết định bổ nhiệm ngạch theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/ 9/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông công lập.

Tiếp theo, khi cấp trên thực hiện kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị thì nhiều giáo viên thiếu quyết định tuyển dụng lần đầu bởi khi được tuyển dụng thì họ chỉ nhận được thông báo kết quả tuyển dụng mà thôi.

Chính vì thế, nhiều giáo viên được nhà trường yêu cầu nộp văn bằng chuyên môn; chứng chỉ ngoại ngữ; chứng chỉ tin học; thông báo kết quả tuyển dụng lần đầu; quyết định bổ nhiệm ngạch theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; 5 bản đánh giá viên chức trong 5 năm học vừa qua, từ năm 2017-2021; 5 năm đánh giá Đảng viên cuối năm từ năm 2017-2021. Trong khi, những loại văn bằng, chứng chỉ, các quyết định… này đang được nhà trường lưu hồ sơ. 

Đáng lẽ ra, khi tuyển dụng giáo viên, các cơ quan chức năng gửi từng quyết định tuyển dụng cho giáo viên thì sở giáo dục và sở nội vụ chỉ làm bản thông báo chung cho cả tỉnh rồi chuyển qua emai thông báo đến các đơn vị. Khi phát hiện ra những điều bất cập lại yêu cầu giáo viên khắc phục. Việc lục, tìm lại bản đánh giá viên chức, đánh giá Đảng viên cuối năm trong 5 năm học đã qua không hề dễ dàng đối với giáo viên. Vì thế, giáo viên lại phải lên văn thư nhà trường nhờ cậy mượn lại hồ sơ này để đem đi photo rồi lại nộp cho… nhà trường.

Cuối năm học, giáo viên lại được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và giáo viên lại phải photo, chụp hình các văn bằng, chứng chỉ, kế hoạch giáo dục, kết quả giảng dạy, phiếu dự giờ, biên bản hội họp để minh chứng cho 15 tiêu chí trong chuẩn nghề nghiệp và tải ảnh lên phần mềm temis của Bộ. Điều trớ trêu là từ năm 2009 đến nay, năm nào giáo viên cũng phải photo văn bằng, chứng chỉ của mình để minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. 

Bởi lẽ, kể từ năm học 2009-2010 bắt đầu thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, từ năm học 2018-2019 đến nay thực hiện đánh giá chuẩn giáo viên theo hướng dẫn Thông tư 20/2018-BGDĐT. Và, các năm học 2019-2020; 2020-2021; 2021-2022 vừa qua, giáo viên còn phải thực hiện tải minh chứng trên phần mềm temis của Bộ.

Nhiều giáo viên dưới cơ sở ngán ngại khi cứ phải lặp lại công việc nhàm chán này hằng năm. Trong khi, hiển nhiên là nếu giáo viên không có văn bằng đại học và các chứng chỉ theo quy định thì làm sao họ có thể được tuyển dụng? Hơn nữa, những loại hồ sơ cá nhân thì văn thư của nhà trường lưu giữ tại tủ hồ sơ của đơn vị. 

Các kế hoạch giáo dục thì tất nhiên họ đã làm theo chỉ đạo của bộ phận chuyên môn của nhà trường và đã được phê duyệt từ đầu năm học, kết quả giảng dạy thì trên phần mềm điểm điện tử, sổ điểm cá nhân, học bạ của học sinh được lưu giữ cẩn thận. Vậy mà, cứ phải phô tô, chụp hình để nộp, để minh chứng cho vô vàn các loại hồ sơ khác!

Quản lý hồ sơ giáo viên thế nào cho hợp lý, khoa học?

Việc quản lý giáo viên trong các cơ sở giáo dục hiện nay trong thời đại số hoá không hề khó. Trong quá trình nộp hồ sơ để thi, xét tuyển viên chức ngành giáo dục, tất nhiên giáo viên phải nộp hồ sơ đầy đủ thì các cơ quan chức năng mới được tuyển dụng. Việc giáo viên phải photo giấy tờ cá nhân nhiều lần trong năm học chỉ là một ví dụ về cách quản lý chưa có hệ thống, chưa khoa học về mặt dữ liệu. 

Nên chăng, khi có quyết định tuyển dụng, giáo viên về đơn vị thì phải ký hợp đồng làm việc với hiệu trưởng và điều không thể thiếu là nộp tất cả văn bằng, chứng chỉ theo quy định cho nhà trường. Sau đó, nhà trường sẽ lưu các loại văn bằng, chứng chỉ này vào hồ sơ cá nhân của giáo viên.

Sau này, khi có quyết định bổ nhiệm ngạch, quyết định nâng bậc lương, quyết định hưởng phụ cấp thâm niên, quyết định bổ nhiệm (nếu có) thì nhà trường luôn in và ký 2 bản. Trong đó, 1 bản để lưu hồ sơ cá nhân tại nhà trường và 1 bản để phát cho giáo viên lưu giữ.

Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học, bồi dưỡng dài hạn, có chứng chỉ, khi về phải nộp bản photo chứng chỉ cho nhà trường để bổ sung hồ sơ. Quy trình thực hiện hồ sơ cá nhân và các loại hồ sơ sổ sách chuyên môn trong nhà trường cần tính khoa học, cẩn thận, bài bản theo quy định. 

Khi cần thay đổi, hay cần kiểm tra, kiểm chứng về văn bằng, chứng chỉ thì trong hồ sơ cá nhân giáo viên lưu giữ tại nhà trường đều có đầy đủ, chỉ cần hệ thống và báo cáo theo quy định. Cùng với đó, việc xếp chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và tải minh chứng trên phần mềm temis theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trở nên dễ dàng.