Thành phố Hồ Chí Minh thiếu nghiêm trọng giáo viên Tiếng Anh và Tin học

Nguyễn Khanh
01:34 - 17/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiếu giáo viên 2 môn Tiếng Anh và Tin học ở địa phương này ngày càng nghiêm trọng bởi giáo sinh ưa thích đi làm bên ngoài thay vì đi dạy.

Không phải đến thời điểm này mà những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc khó tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Hoặc tuyển dụng được rồi nhưng chỉ một thời gian ngắn giáo viên lại xin nghỉ việc. Việc thiếu giáo viên diễn ra căng thẳng ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè...

Đâu là nguyên nhân? 

Thứ nhất: Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh sẽ cần nhiều hơn chương trình 2006. Bởi lẽ, chương trình 2006 thì môn Tin học ở cấp tiểu học không phải là môn học bắt buộc nên đa phần các trường không dạy môn học này. Tuy nhiên, Chương trình 2018 thì môn Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3. Chính vì vậy, năm học tới đây, lớp 3 sẽ bắt buộc phải dạy môn Tin học và tất nhiên là phải tuyển mới giáo viên Tin học.

Đối với môn Tiếng Anh thì Chương trình 2018 hướng dẫn từ lớp 1 đã dạy tự chọn nên cấp tiểu học cần tuyển thêm giáo viên Tiếng Anh mới có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh trong từng nhà trường. Bởi, cho dù lớp 1, lớp 2 môn Tiếng Anh là tự chọn nhưng đây là môn học luôn được phụ huynh chú trọng. Như vậy, về yếu tố chủ quan thì khi thêm môn, thêm tiết học ở các cấp học phổ thông bắt buộc phải tuyển dụng giáo viên mới.

Thứ hai: Phải nhìn thẳng vào sự thật là những cử nhân Tiếng Anh và Tin học khi ra trường họ có rất nhiều lựa chọn việc làm chứ không đơn thuần chỉ có đi dạy như giáo viên một số môn học khác. Bởi lẽ, ngoài việc đi dạy ở các trường công lập, các cử nhân sư phạm Tiếng Anh có thể dạy ở nhà, dạy ở các trung tâm gia sư, dạy ở các trường tư thục, làm phiên dịch cho người nước ngoài, dịch thuật…

Các cử nhân Tin học nếu không đi dạy họ có thể làm cho các doanh nghiệp, các công ty, các cơ quan nhà nước, thậm chí họ tự khởi nghiệp bằng việc mở một cửa hàng nhỏ cho riêng mình để hành nghề mà họ đã học ở các trường đại học. Những công việc này đem lại cho họ sự tự do và những nguồn thu nhập hấp dẫn hơn nhiều một viên chức ngành giáo dục.

Nếu họ xin đi dạy ở một trường công lập, phải mất 1 năm tập sự nên 4 năm đầu (lương bậc 1) của một giáo viên có trình độ cử nhân thì mức lương dao động mỗi tháng chỉ khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Mức thu nhập như vậy sẽ rất khó thu hút được những cử nhân Tiếng Anh, Tin học vào công tác ở một đơn vị sự nghiệp. 

Nhiều giáo sinh sư phạm ra trường chia sẻ rằng, sống giữa Thành phố Hồ Chí Minh với giá cả đắt đỏ như hiện nay thì mức lương hàng tháng hơn 3 triệu đồng chưa đủ để họ trả tiền thuê nhà và xăng xe hàng tháng. Cho nên họ có xu hướng tìm kiếm việc làm thu nhập cao, làm thêm nhiều. Hơn thế nữa, đối với giới trẻ hiện nay, việc lựa chọn công việc ngoài công lập là một xu hướng đáng chú ý. 

Trong khi, với những công việc khác mà các cử nhân Tiếng Anh, Tin học sẽ có thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn hàng chục lần mà họ ít áp lực, ít gò bó về thời gian, hồ sơ sổ sách và nhiều áp lực không tên khác.

Vì vậy, không phải là hiện nay mà những năm tới đây thì tình trạng thiếu hoặc khó tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số đô thị khác vẫn xảy ra nếu như không có những giải pháp căn cơ hoặc một cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và đãi ngộ.

Khó tuyển thêm giáo viên Tiếng Anh và Tin học 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học 2022-2023, bậc tiểu học thành phố có nhu cầu tuyển dụng 2.355 giáo viên; bậc trung học cơ sở cần 1.698 giáo viên; mầm non cần 892 giáo viên và trung học phổ thông cần tuyển 296 người. Ngoài cấp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyển viên chức thì các cấp còn lại do phòng giáo dục địa phương tuyển dụng.

Nhìn vào số liệu này, dễ dàng thấy Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu khá nhiều giáo viên khi thực hiện chương trình mới. Mặc dù thành phố này luôn có những chính sách thông thoáng hơn nhiều các địa phương khác.

Lấy ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh gần như là địa phương duy nhất trên cả nước không ràng buộc yếu tố hộ khẩu khi tuyển dụng viên chức trong những năm gần đây. Thế nhưng, việc tuyển dụng giáo viên ở một số địa bàn của thành phố vẫn gặp khó khăn.

Tuy nhiên, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, cơ hội việc làm và mức thu nhập của nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn nhiều so với nghề giáo viên. Chưa kể, mức sống cao trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ mà lương giáo viên thì ở đâu cũng giống nhau cả về hệ số và mức lương cơ bản. 

Với hệ số lương ban đầu cho giáo viên có trình độ đại học là 2,34 của lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng thì rõ ràng rất khó thu hút những giáo viên trẻ, nhất là những giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học.

Ông cha ta từng nói: "Có thực mới vực được đạo", các giáo sinh trẻ mới ra trường tất nhiên có nhiều lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình. Dù có yêu nghề đến mấy nhưng giữa thời buổi kinh tế thị trường mà đồng lương hàng tháng 3-4 triệu đồng, trong khi cơ hội việc làm của cử nhân Tiếng Anh, Tin học rất nhiều thì khó có thể níu chân các bạn trẻ đến với nghề dạy học công lập. 

Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những chính sách đặc thù nhằm thu hút được đội ngũ nhà giáo hiện nay tập trung vào các ngành học còn thiếu. Phải có dự trù dài hạn cho chiến lược giáo dục phổ thông mới. Việc thiếu giáo viên rõ ràng thể hiện cho việc thiếu đáp ứng với cải cách giáo dục, đồng thời không đồng bộ các cấp ngành trong quyết tâm đổi mới giáo dục. 

Với những thầy cô giáo lớn tuổi, có thể họ đã an phận với công việc của mình đang gắn bó nhưng với các bạn trẻ, khi những ngành nghề mà cơ hội việc làm rộng mở thì họ sẽ lựa chọn những môi trường làm việc phù hợp - những nơi mà họ thấy thoải mái và đem lại nguồn thu nhập tương xứng với công sức.